.

Sản phẩm cơ sở, doanh nghiệp nhỏ: Đưa hàng vào siêu thị không dễ

.
“Nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng: “Mèo bé nên bắt chuột bé”. Thế nhưng tôi không nghĩ như vậy, bởi công ty tôi tuy nhà xưởng nhỏ hẹp, công nhân không nhiều, hơn nữa các sản phẩm chủ yếu làm bằng thủ công, nhưng nhờ chất lượng sản phẩm và uy tín cùng với chịu khó tìm kiếm thị trường, hằng năm sản phẩm công ty vẫn xuất khẩu sang các nước với doanh số hàng trăm nghìn USD”, giám đốc một công ty chuyên sản xuất lót giày trên địa bàn Đà Nẵng đã nói như vậy khi trao đổi với chúng tôi.

Mô tả ảnh.
Chợ vẫn là kênh bán hàng chính của các cơ sở, DN nhỏ.
 
Ông Đỗ Thanh Năm, Giám đốc Công ty Tư vấn và Hỗ trợ chiến lược Win-Win cho rằng: Đặc điểm chung của những cơ sở và DN sản xuất hàng hóa nhỏ là vốn giới hạn, thiếu kinh nghiệm về các hoạt động tiếp thị, bán hàng, do đó không ít đơn vị phải tự mày mò, “lấy công làm lãi” ở khâu bán hàng. Vì vậy, nhiều DN, cơ sở tư nhân, hợp tác xã... sản xuất hàng có chất lượng tốt, song phải mày mò tìm những lối đi hẹp đến thị trường. Và cứ thế, hàng hóa của các đơn vị này chỉ “quanh quẩn” ở địa phương. “Nếu các cơ sở nhỏ có hàng hóa chất lượng biết cách tiếp cận hệ thống phân phối như siêu thị, trung tâm thương mại… và hướng tới là xuất khẩu sang các nước, có lẽ hàng hóa của họ sẽ được người tiêu dùng đón nhận. Nhưng cũng vì “yếu” trong khâu tìm kiếm thị trường, nên hầu như các cơ sơ, DN nhỏ vẫn làm ăn theo kiểu “Mèo bé bắt chuột bé”, ông Năm cho hay. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện trên địa bàn thành phố có không ít cơ sở, DN tư nhân sản xuất hàng hóa có chất lượng tốt, thậm chí rất tốt, thế nhưng sản phẩm của họ chỉ “quanh quẩn” ở các chợ trên địa bàn, phục vụ giới bình dân, trong khi đó nhiều sản phẩm của các DN ngoài tỉnh và hàng nhập khẩu với chất lượng “ngang ngửa”, thậm chí không bằng của các cở sở ở Đà Nẵng lại được bán rất chạy tại các siêu thị, trung tâm thương mại… trên địa bàn thành phố. Đơn cử như nước mắm Nam Ô dù nức tiếng một vùng, chất lượng, kiểu dáng chai, nhãn mác được đăng ký hẳn hoi, song đến nay vẫn loay hoay tìm đầu ra.
 
Theo Công ty CP Thủy sản Nam Ô, mặc dù sản phẩm nước mắm Nam Ô do đơn vị sản xuất đã được cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, với chất lượng đã được kiểm định theo tiêu chuẩn Việt Nam, thế nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thể “lọt” vào được hệ thống các siêu thị. Theo giải thích của một số cơ sở sản xuất nước mắm Nam Ô, mặc dù họ cũng tự tìm hiểu rất nhiều kênh bán hàng, trong đó có các hệ thống siêu thị, tuy nhiên do quy mô sản xuất còn nhỏ, lượng hàng cung cấp có giới hạn nên hàng chưa vào được siêu thị, bởi nơi này đòi hỏi số lượng hàng hóa lớn được cung cấp một cách ổn định. Không đủ tiềm lực làm tiếp thị một cách chuyên nghiệp cũng như đầu tư hệ thống đại lý, nên cuối cùng sản phẩm của các cơ sở này chủ yếu là bán cho các nhà hàng, khách du lịch và ký gửi tại các chợ.

Khảo sát tại các chợ cho thấy, đây là kênh bán hàng khá hiệu quả và chiếm thị phần nhiều nhất cho hàng hóa của các cơ sở, DN nhỏ. Một số nhóm hàng có thể kể đến như:  thực phẩm, quần áo - giày dép… có sự xuất hiện khá nhiều của những nhà sản xuất nhỏ. Ưu điểm của những loại hàng hóa trên là giá cả bình dân, song lại bị cạnh tranh khá quyết liệt từ hàng giá rẻ đến từ Trung Quốc. Chủ một cơ sở may tư nhân ở đường Nam Cao (Liên Chiểu) cho biết: “Hàng hóa của cơ sở bao gồm các sản phẩm quần áo như đồ bộ, đồng phục học sinh, áo kiểu đơn giản... thường được bỏ mối cho tiểu thương các chợ với giá khá bình dân từ nhiều năm nay.
 
Tuy nhiên, hàng hóa của các cơ sở tư nhân chưa có tên tuổi đang bị cạnh tranh quyết liệt từ hàng Trung Quốc, bởi nhóm hàng này đang ngày càng rẻ hơn. Tại các chợ ở khu vực thành phố, hàng hóa khó bán, do đó chúng tôi phải tìm đến các chợ vùng ven, chợ xã để bỏ hàng. Bên cạnh đó, phải cố gắng giữ ổn định chất lượng và độ bền, đồng thời hạ giá để cạnh tranh”.

Cũng theo ông Năm, để hàng hóa có chất lượng của các doanh nghiệp, cơ sở nhỏ có được chỗ đứng trên thị trường thì ngoài sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, cơ sở, thiết nghĩ rất cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan truyền thông và các hiệp hội, cơ quan tư vấn… trong việc đưa hàng hóa đạt chất lượng đến hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại… trên cả nước. Và khi những cơ sở, DN nhỏ đã xây dựng được thương hiệu trong nước thì việc hướng đến xuất khẩu là điều không khó.

Bài và ảnh: Trọng Hùng
;
.
.
.
.
.