(ĐNĐT) - Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thành phố Đà Nẵng cho biết, đơn vị vẫn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ chơi trẻ em không dán dấu hợp quy CR.
Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thành phố Đà Nẵng kiểm tra hàng đồ chơi trẻ em tại một cơ sở trên đường Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu |
Hàng chưa gắn CR vẫn tràn lan!
Trước đó, theo quy định của Bộ Khoa học - công nghệ, bắt đầu từ ngày 15-4, đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước và nhập khẩu phải được chứng nhận hợp quy chuẩn kỹ thuật trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường. Nhưng do còn một số vướng mắc trong thực hiện, nên đã gia hạn đến ngày 15-9.
Ông Trương Công Tuyến – Trưởng phòng Quản lý Tiêu chuẩn chất lượng (Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thành phố Đà Nắng) cho biết, từ giữa tháng 4, Chi cục đã phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tới người tiêu dùng, doanh nghiệp, hộ kinh doanh về quy chuẩn đối với đồ chơi trẻ em, cũng như tuyên truyền phổ biến các văn bản hướng dẫn việc gắn dấu CR tới các tổ chức, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng này.
Tuy nhiên, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thành phố Đà Nẵng sau khi kiểm tra 5 cơ sở kinh doanh và nhập khẩu đồ chơi trẻ em trên địa bàn Đà Nẵng phát hiện có 4 cơ sở vi phạm quy định về dán nhãn mác hàng hóa và chưa dán dấu hợp quy CR. Trong đó những loại đồ chơi chưa gắn dấu CR thường là có xuất xứ từ Trung Quốc (chiếm 90 % trong tổng số các mặt hàng) và chủ yếu là hàng tồn kho, được các cơ sở này nhập về trước ngày 15-4. Còn lại các hàng nhập sau ngày 15-4 đều đã được dán tem theo quy định.
Khi kiểm tra tại cửa hàng chuyên kinh doanh đồ chơi trẻ em trên đường Trưng Nữ Vương (quận Hải Châu) vào cuối tháng 9 vừa qua, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phát hiện có tới 500 chiếc lồng đèn chưa gắn dấu hợp quy. Đơn vị đã lập biên bản và buộc dừng lưu thông với cơ sở này. Trước đó, khi kiểm tra trên địa bàn quận Hải Châu, đơn vị cũng phát hiện 3 cơ sở vi phạm trong việc gắn nhãn hàng hóa không đúng quy định, và hàng hóa chưa dán dấu hợp chuẩn CR. Các cơ sở này đã bị xử phạt hành chính.
Cuối tháng 9 vừa qua, sau khi khảo sát một vòng tại các nhà sách, cửa hàng bán đồ chơi trẻ em trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, chúng tôi thấy, các mặt hàng dán dấu CR mới được thực hiện khá tốt ở các hiệu sách lớn. Còn tại hầu hết các cửa hàng, các hộ kinh doanh theo kiểu gia đình thì dường như chỉ mới gắn tem trên những sản phẩm lớn, những sản phẩm treo ngay phía bên ngoài cửa để "lòe" các cơ quan chức năng. Các mặt hàng đồ chơi nhỏ, để phía trong góc nhà thì tất cả đều chưa được dán tem.
Khi được hỏi, nếu các cơ quan chức năng đi kiểm tra mà không thấy dán tem, họ sẽ tịch thu và xử phạt, một chủ cửa hàng trên đường Hùng Vương cáu gắt: "Hỏi gì mà nhiều thế? Cửa hàng có tới hàng trăm loại mặt hàng đồ chơi lớn nhỏ, làm sao dán hết từng đó tem? Mà khách mấy khi họ yêu cầu, thấy đẹp và rẻ là họ mua".
Sẽ kiểm tra quyết liệt hơn
Về nguyên tắc, doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập khẩu đồ chơi trẻ em phải thực hiện các quy trình lập hồ sơ kiểm tra chất lượng sản phẩm. Sau khi kiểm tra xác nhận đảm bảo chất lượng sẽ chứng nhận cấp CR, và doanh nghiệp tự in tem CR khi đã được chứng nhận và phải tự chịu trách nhiệm về con tem của mình.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Nguyên – Chi cục trưởng Chi cục Đo lường Chất lượng thành phố Đà Nẵng cho biết, dấu CR nói lên trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh. Vì thế, khi chứng nhận và gắn dấu hợp quy cũng đồng thời gắn trách nhiệm của đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu về độ an toàn lên sản phẩm đó, nghĩa là không tồn tại khái niệm dấu CR giả, mà chỉ có dấu thật gắn trên sản phẩm chưa được kiểm nghiệm, đánh giá”.
Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thành phố Đà Nẵng cho biết, đơn vị vẫn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ chơi trẻ em không dán dấu hợp quy CR.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ chơi trẻ em vẫn tìm nhiều cách để “lách” sự kiểm tra của cơ quan chức năng và đưa những sản phẩm đó ra thị trường. Bên cạnh đó, các đối tượng buôn bán hoạt động rất tinh vi nên cơ quan chức năng khó kiểm soát số lượng đồ chơi trẻ em cũng như những mặt hàng khác được bày bán tràn lan….
“Lực lượng chức năng của chúng tôi thì mỏng, trong khi các hộ kinh doanh nhỏ lẻ kiểu hộ gia đình thì nhiều, lại chủ yếu buôn bán theo mùa vụ gây cũng khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý. Cho nên, trong thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với các đội quy tắc đô thị, các phòng kinh tế của các quận, huyện tăng cường kiểm tra và xử lý các cơ sở kinh doanh, buôn bán hàng đồ chơi trẻ em tại các địa điểm tự phát như vỉa hè, công viên… Đồng thời cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến cho người dân biết”, ông Nguyên cho hay.
Đắc Mạnh