.

Chứng khoán tụt dốc

.
Trong tháng 10-2010, chỉ số VN-Index và HNX-Index lại tiếp tục đi xuống, kéo theo 10  tháng đầu năm, VN-Index giảm mạnh. Kết thúc các phiên giao dịch trong tháng 10, VN-Index đóng cửa ở mức từ 450-455 điểm, mất khoảng 45 điểm so với phiên đóng cửa cuối năm 2009, tương đương 10%.
 
Mô tả ảnh.
Thị trường chứng khoán đã sụt giảm.
 
Trong khi đó, HNX-Index đóng cửa cuối ở mức khoảng trên 127 điểm, mất đến 40 điểm so với đầu năm 2010, tương đương 24%. Như vậy, đây là năm thứ 2 liên tiếp, 10 tháng đầu năm kể từ năm 2005 đến nay, chỉ số VN-Index và HNX-Index rớt điểm. Đồ thị VN-Index gần như một đường nằm ngang. Đây cũng là thời điểm thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang tiếp tục trải qua một giai đoạn nhiều thử thách.

Mặc dù những ngày cuối tháng 10 và ngày đầu của tháng 11, chỉ số chứng khoán đã có dấu hiệu nhích lên trở lại, nhưng tính từ đầu năm 2010 đến nay, VN-Index suy giảm xấp xỉ 10%, xếp loại cao nhất so với các chỉ số chủ chốt. Tính cả năm 2009 thì thị trường chứng khoán đang đi lùi. Cùng với việc mất điểm mạnh của các chỉ số chứng khoán, nhiều cổ phiếu (CP) giảm rất mạnh, thậm chí giá của nhiều CP thấp hơn mức đáy của các chỉ số thị trường vào tuần cuối cùng của tháng 2 năm 2009, khi VN-Index đạt 235,5 điểm và HNX-Index đạt 78,06 điểm. Kể từ ngày 13-9, khi HoSE bắt đầu chính thức nới thời gian giao dịch, thanh khoản trên hai sàn sụt giảm hẳn. Tính từ ngày 1-10 (18 phiên trở lại đây), khối lượng giao dịch khớp lệnh (không tính thỏa thuận) trên sàn HoSE chỉ đạt 27,8 triệu CP/phiên, nếu tính giao dịch thỏa thuận là 31,2 triệu CP/phiên, đạt giá trị bình quân 796,6 tỷ đồng/phiên. Trong khi đó, bình quân giao dịch trong tháng 9 là 42,4 triệu đồng/phiên, đạt giá trị bình quân 1.116 tỷ đồng. Như vậy, bình quân giao dịch trong tháng 10 đã giảm 26,4% về khối lượng giao dịch và giảm 28,66% về giá trị so với tháng 9.

Khảo sát nhanh trên hai sàn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cho thấy một số mã CP nhỏ có độ giảm giá khá mạnh, như mã CP của Công ty CP Xây dựng Dầu khí Nghệ An (PVA), CP của Công ty CP Đầu tư và Vận tải Dầu khí Vinashin (VSP), CP của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (PTC)… Tuy nhiên, 10 tháng đầu năm 2010, TTCK đã chứng kiến làn sóng các doanh nghiệp niêm yết và phát hành thêm diễn ra ồ ạt trên cả 2 sàn. Tính từ đầu năm đến nay, đã có trên 150 công ty đăng ký niêm yết. Đáng chú ý có một số doanh nghiệp lớn mới niêm yết trên HoSE là OGC (Tập đoàn Đại Dương) 250 triệu CP, POM (Thép Pomina) 187 triệu CP và các mã CP khác như VOS, PDR, SBS, PTL niêm yết trên 100 triệu CP. Trên HNX có 3 mã có CP niêm yết lớn là NVB (Ngân hàng Nam Việt) 198,9 triệu CP, OCH (Khách sạn & Du lịch Đại Dương) 100 triệu CP, VND (Chứng khoán VNDirect) 100 triệu CP. Ngoài ra, thị trường cũng đón nhận một loạt công ty chứng khoán được niêm yết mới và tăng vốn.

Trên thực tế, TTCK đang đứng ở thế “tiến thoái lưỡng nan” không chỉ đối với nhà đầu tư (NĐT) trong nước và NĐT nước ngoài. Trong bối cảnh tỷ giá USD/VND liên tục tăng cao, khối ngoại đang bị lỗ kép khi đã chuyển một lượng lớn ngoại tệ sang VND để mua CP. TTCK đã điều chỉnh mạnh trong điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước đón nhận nhiều tin tức kém lạc quan hơn, bao gồm: Tỷ giá USD/VND điều chỉnh tăng, đồng Việt Nam tiếp tục bị phá giá thêm. Xét về dài hạn, điều chỉnh tăng tỷ giá sẽ hỗ trợ tốt cán cân thương mại nghiêng về nhập siêu của Việt Nam.
 
Tuy nhiên, đây là rủi ro lớn (suy giảm kép), ảnh hưởng tiêu cực tới dòng tiền mới vào TTCK, nhất là khi thị trường đang trong xu hướng đi xuống. Rủi ro tỷ giá hiện nay là rủi ro lớn nhất của dòng tiền mới từ khối ngoại vào thị trường Việt Nam và có khả năng sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn và trung hạn. Sau thời gian dài ảm đạm, dự đoán những tháng cuối cùng của năm TTCK ít có khả năng thay đổi nhanh cả về chất và lượng.

Bài và ảnh: Phương Uyên
;
.
.
.
.
.