.

Điểm đến hấp dẫn và bền vững

Thực hiện Chương trình kích cầu du lịch Việt Nam năm 2010 với chủ đề “Việt Nam, điểm đến của bạn” do Bộ VHTT&DL phát động, lần đầu tiên tại Đà Nẵng, Sở VHTT&DL Đà Nẵng phối hợp với Sở Công thương vừa tổ chức Lễ phát động “Tháng khuyến mãi kích cầu du lịch năm 2010”. Chương trình này  kéo dài từ ngày 1-11 đến ngày 30-11-2010.

Chương trình có sự tham gia của 5 đơn vị thương mại và 24 đơn vị lữ hành, nhà hàng, khách sạn, cơ sở mua sắm trên địa bàn TP. Đà Nẵng,  với những chương trình khuyến mại hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch đến với Đà Nẵng trong mùa thấp điểm.

Những tín hiệu đầu tiên

Ngay từ ngày 22-10, tại Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), Văn phòng Chi nhánh Vietnam Airlines đã ký kết với Công ty Lữ hành quốc tế Vietlink (Hong Kong) hợp đồng thuê 46 chuyến bay chở khách từ TP. Đà Nẵng đi Hong Kong và ngược lại. Các chuyến bay sẽ được khai thác vào các ngày thứ ba, thứ sáu hằng tuần từ ngày 26-11-2010 đến 3-5-2011 bằng loại máy bay Airbus 321 với 184 ghế. Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng Văn phòng Chi nhánh Vietnam Airlines tại Hong Kong, các chuyến bay sẽ giúp Đà Nẵng ngày càng được nhiều người Hong Kong nói riêng cũng như du khách quốc tế nói chung biết tới như một điểm đến mới, hấp dẫn trong khu vực.

 Ngày 26-10, Công ty cổ phần Hàng không Mê Kông đã có thông báo chính thức mở thêm bốn đường bay đến Đà Nẵng và hai đường bay đến Đà Lạt. Theo đó từ ngày 31-10, Air Mekong sẽ bay 32 chuyến bay/ngày. Hiện Air Mekong đang khai thác các đường bay từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đến Phú Quốc, Côn Đảo, Đà Lạt, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Đà Nẵng.

Cùng thời điểm, nằm trong chuỗi khảo sát các tỉnh miền Trung, các nhà làm du lịch của hai địa phương Đắk Lắk và Đà Nẵng bước đầu đã có những buổi hội kiến giao lưu, giới thiệu trao đổi thông tin hiểu biết lẫn nhau về tiềm năng, cơ hội, thế mạnh của mỗi địa phương, đồng thời cam kết hỗ trợ xây dựng tour, tuyến kết nối du lịch để cùng nhau phát triển.

 Sở VHTT&DL Đà Nẵng cho biết sẽ phối hợp với Khách sạn Silver Shores Hoàng Đạt tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế Trung Quốc (CITM 2010) tổ chức tại Trung tâm Triển lãm quốc tế mới Thượng Hải (Trung Quốc) diễn ra từ ngày 18 đến 21-11. Tại đây, trong gian hàng rộng 90m2 sẽ giới thiệu các điểm đến du lịch tiêu biểu của Đà Nẵng. Bên cạnh đó, cũng quảng bá thêm một số hình ảnh về Huế, Hội An và Mỹ Sơn, thể hiện vị trí của Đà Nẵng là cửa ngõ đến với các di sản văn hóa thế giới ở miền Trung...

Hướng đến sự phát triển bền vững

Thời gian qua, ngành du lịch Đà Nẵng đã có những bước chuyển mình rõ nét mang lại sắc thái mới cho sự phát triển chung của thành phố. Trong 6 tháng đầu năm 2010, tổng doanh thu chuyên ngành du lịch ước đạt 571.822 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2009, đạt 56% kế hoạch 2010 và thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 1.429 tỷ đồng. Riêng trong tháng 10, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch tại thành phố ước đạt gần 141 nghìn lượt người.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đánh giá, sự nhộn nhịp của khách du lịch trong nước chủ yếu chỉ diễn ra trong 3 tháng hè (từ đầu tháng 6 đến hết tháng 8). 9 tháng còn lại trong năm, nguồn thu chủ yếu của các cơ sở dịch vụ phụ thuộc vào nguồn khách quốc tế và khách công vụ, tạo nên tính thời vụ rõ nét trong hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Mặt khác, vào những thời điểm lượng khách đổ về  Đà Nẵng tăng vọt lại gặp một trở ngại là hệ thống nhà nghỉ, khách sạn không được đầu tư, quan tâm đúng mức. Chẳng hạn, vào mùa Festival pháo hoa quốc tế, các khách sạn luôn báo “cháy phòng” trước cả tháng. Các đoàn khách có nhu cầu ở khách sạn ven biển gần như không thể đáp ứng được. Các khách sạn ở khu vực này thường không liên kết với hãng lữ hành mà chỉ chuộng khách lẻ để dễ dàng đẩy giá phòng lên cao.

So với Khánh Hòa - điểm đến du lịch cùng địa bàn miền Trung, với trên 400 khách sạn, resort và gần 2.600 phòng, thì toàn địa bàn trung tâm thành phố Đà Nẵng chỉ có hơn 140 khách sạn với tổng số 1.600 phòng. Tâm lý của số đông khách du lịch nói chung, nhất là khách nội địa vẫn không muốn tiêu quá nhiều tiền cho việc lưu trú, với những khách sạn cao cấp đang tập trung đầu tư khá nhiều tại Đà Nẵng. Các hãng lữ hành đều chung quan điểm, chính quyền địa phương cần sớm có hướng đầu tư đúng đắn hơn vào việc nâng cao cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống khách sạn, nhà nghỉ ven biển và có sức chứa lớn.

Một điểm khác cũng cần lưu ý, đó là nguồn nhân lực của ngành du lịch tại Đà Nẵng vẫn chưa đào tạo kịp thời. Trong số hơn 300 hướng dẫn viên (HDV) du lịch, có tới 1/3 chưa có bằng đại học. Trong đó, số HDV sử dụng thành thạo các thứ tiếng như Tây Ban Nha, Trung Quốc, Thái, Nhật… quá ít ỏi, mặc dù du khách quốc tế đến từ các quốc gia này đang ngày càng tăng. Kế đến, đội ngũ nhân viên đầu bếp, phục vụ phòng, phục vụ bàn… ở Đà Nẵng cũng rất thiếu, nhất là các khu nghỉ mát 4 - 5 sao.

“Tháng khuyến mãi kích cầu du lịch năm 2010” của Đà Nẵng được phát động ngay vào thời điểm cuối năm, hẳn không phải là một phiên chợ ngẫu nhiên, mà là một hành trình chuẩn bị lâu dài, qua đó cần có sự đánh giá, điều chỉnh chiến lược nghiêm túc để thành phố không ngừng là một điểm đến ngày càng  hấp dẫn và bền vững.

TRẦN TRUNG SÁNG
;
.
.
.
.
.