.

Hàng ngoại “chạy” theo USD

.
Hơn một tháng qua, giá USD trên thị trường tự do liên tục tăng mạnh, khiến hàng ngoại cũng “chạy” theo tăng giá, vì hầu hết doanh nghiệp trong nước nhập hàng đều phải quy đổi USD theo tỷ giá của thị trường tự do.

Mô tả ảnh.
Thay vì nhập hàng Trung Quốc, nhiều cửa hàng đã bổ sung hàng Việt trong quầy hàng của mình. Trong ảnh: Khách hàng đến mua sắm giày, dép tại chợ Hòa Khánh.
Bắt đầu vào cuối tháng 9, khi giá USD trên thị trường tự do liên tục “nhảy múa” theo chiều hướng tăng mạnh đã tạo nên mặt bằng giá mới cho nhiều chủng loại hàng hóa nhập khẩu. Ngay cả đến hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc như quần áo, giày dép, đồ phụ trang... là những mặt hàng có giá khá rẻ ở thị trường trong nước hiện cũng tăng giá. Chị Vân, chủ quầy quần áo ở chợ Cồn cho biết giá quần áo Trung Quốc đã nhích lên từ vài tháng nay và tăng mạnh nhất là vào đầu tháng 11. Hiện giá mỗi bộ quần áo được sản xuất tại Trung Quốc đã tăng từ 15-20 nghìn đồng so với đầu tháng 9.

Khảo sát ở các chợ trên địa bàn cho thấy, ngoài mặt hàng quần, áo của Trung Quốc tăng giá, trong đó còn có nhiều nhóm hàng khác giá cũng tăng lên khá cao so với thời điểm cách đây vài tháng. Chị Nguyễn Thị Hoài Thắm, chủ quầy hàng giày, dép tại chợ Hòa Khánh cho hay: Giá mỗi đôi giày, dép được các chủ hàng chuyên phân phối hàng nhập từ Trung Quốc, Đài Loan đẩy lên từ 5-10 nghìn đồng. Cũng theo chị Thắm, sự tăng giá này được các nhà nhập khẩu hàng Trung Quốc giải thích là do đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc và tỷ giá đồng USD tăng mạnh trong thời gian qua.

Khoảng một tháng trở lại đây, thị trường hàng nhập khẩu từ các nước khác cũng biến động khá mạnh do tỷ giá USD trên thị trường tự do tăng mạnh. Nếu thời điểm cuối tháng 9, giá USD trên thị trường tự do dao động ở mức 19.700 đồng/USD thì vào đầu tháng 11, tỷ giá đồng USD trên thị trường tự do có thời điểm được quy đổi lên đến 21.000 đồng/USD, song vẫn thấp hơn mức giá USD được các cửa hàng bán điện tử, điện lạnh, máy ảnh… tính cho người tiêu dùng khi mua các mặt hàng này. Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ các cửa hàng bán hàng nhập khẩu áp dụng mức quy đổi USD cao là do các mặt hàng nhập khẩu đã được các nhà bán lẻ niêm yết giá cao lên từ 5-15% (tùy mặt hàng) so với tháng trước.

Những tưởng khi hàng ngoại nhập tăng giá sẽ xảy ra hiện tượng các nhóm hàng nhập khẩu, đặc biệt là hàng Trung Quốc, dần mất đi lợi thế. Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy, chỉ một nhóm hàng ngoại giá rẻ là bị ảnh hưởng mạnh do lợi thế giá rẻ bị thu hẹp, còn lại các mặt hàng có hàm lượng kỹ thuật - công nghệ cao như điện máy, điện tử, thời trang cao cấp… thì dường như không mấy ảnh hưởng về sức mua, dù giá vẫn tăng. “Sau khi giày, dép của Trung quốc tăng mỗi đôi từ 5-10 nghìn đồng, tôi đã tính đến chuyện tăng lượng hàng Việt Nam trong quầy hàng của mình. Hiện tại, khá nhiều nhà sản xuất giày, dép ở Sài Gòn đã chào hàng với mẫu mã, kiểu dáng khá phong phú, bắt mắt và giá cả hoàn toàn cạnh tranh được với nhóm hàng đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, với các mặt hàng “mốt” hơn thì cửa hàng buộc phải giảm lãi để thu hút khách vì hàng Việt Nam chưa đủ sức thay thế”, chị Thắm nói.

Ông Lê Viết Tươi, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng khẳng định: Đà Nẵng hiện có đủ hàng hóa để cung cấp cho thị trường, hoàn toàn không có chuyện khan hiếm hàng. Tuy nhiên, đối với các mặt hàng nhập khẩu tăng giá trong thời gian qua là do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng vì tỷ giá USD trên thị trường tự do biến động tăng mạnh trong thời gian gần đây. “Nhằm chống đầu cơ và tăng giá bất hợp lý, Sở Công thương đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường liên tục triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để bình ổn giá cả. Và trong quá trình kiểm tra giá bán hàng hóa, nếu phát hiện cửa hàng, trung tâm thương mại, siêu thị… bán hàng sai với giá niêm yết sẽ xử lý ngay”, ông Tươi nói.

Bài và ảnh: Trọng Hùng
;
.
.
.
.
.