.

Muôn nẻo đời thường: Khổ vì phụ tùng xe máy “dỏm”

.
Cách đây một tháng, sau khi phải hứng chịu trận mưa lớn, đoạn đường Nguyễn Văn Linh đã bị ngập nước, thấy nhiều người đi xe máy băng qua khu vực này mà không hề gì, anh Nguyễn Văn Tân (quê Quảng Nam) cũng liều mình băng qua. Tuy nhiên, chỉ đi được 10 mét, xe của anh Tân đã bị hỏng, phải mang đi sửa. “Bác sĩ” tại tiệm sửa xe thông báo xe của anh bị hỏng bu-gi và đề nghị thay bu-gi mới với giá 17.000 đồng.
 
Mô tả ảnh.
Người tiêu dùng khó phân biệt được hàng xịn, hàng nhái…
Thấy giá quá rẻ, anh Tân thay liền, nhưng không ngờ chiếc bu-gi này chỉ “sống” được chưa đầy một tháng sau khi xe phải dầm mưa vài lần. Quá bực mình, lần này anh Tân quyết định dắt bộ đến tận cửa hàng chính hãng thay chiếc bu-gi xịn với giá 50 nghìn đồng. “Đúng là tiền nào của ấy, từ hôm thay bu-gi xịn, máy nổ êm và dầm mưa đến cả chục lần cũng chẳng thấy tắt máy. Hơn nữa, thay phụ tùng ở các cửa hàng chính hãng còn được nhân viên tư vấn tỉ mỉ về cách bảo quản và cho biết sử dụng hàng dỏm sẽ gây nên nhiều tác hại đối với xe” - anh Tân nói.

Dạo qua một số cửa hàng bán phụ tùng xe máy, chúng tôi đã hoa cả mắt vì phụ tùng xe máy hiện có xuất xứ từ nhiều nơi, kể cả nước ngoài, phổ biến nhất là hàng Trung Quốc với đủ chủng loại và giá cả cũng khá thấp so với hàng chính hãng. Trong vai người tiếp thị sản phẩm bu-gi Trung Quốc, chúng tôi tìm đến một cửa hàng bán phụ tùng xe máy lớn trên đường Hoàng Diệu. Vừa giới thiệu hàng xong, chủ cửa hàng này đã lắc đầu: “Mặt hàng này bây chừ khó bán lắm vì miền Trung đang vào mùa mưa, sử dụng bu-gi Trung Quốc chỉ phù hợp với mùa nắng, còn mùa mưa chỉ được “năm bữa nửa tháng” là hỏng liền”. Thế nhưng khi chúng tôi ra về, chủ cửa hàng này vẫn ới một câu: “Cậu cứ cho báo giá, nếu được tôi sẽ a-lô”.

Theo khảo sát của chúng tôi, mặc dù các doanh nghiệp sản xuất phụ tùng xe máy trong nước cũng tung ra nhiều dòng sản phẩm, tuy nhiên trên thị trường, hàng ngoại nhập, hàng lậu, hàng nhái vẫn chiếm thị phần lớn với giá cả tương đối rẻ. Tại Đà Nẵng, ngoài các loại vỏ, ruột xe do Công ty CP Cao su Đà Nẵng sản xuất hiện được nhiều người biết đến và ưa dùng thì chưa có doanh nghiệp nào tạo được uy tín với khách hàng về sản phẩm này. Chủ tiệm sửa chữa xe máy trên đường Tôn Đức Thắng cho hay: “Nếu không phải người trong nghề thì khó có thể phân biệt được đâu là hàng nhái, hàng chính hãng vì thị trường phụ tùng xe máy hiện có trên 60% là hàng Trung Quốc. Nhiều mặt hàng nhái y hệt phụ tùng chính hãng. Ngay cả các mặt hàng nhập khẩu cũng bị làm giả, làm nhái hết sức kỹ xảo.

Theo các cửa hàng bán phụ tùng xe máy, phụ tùng chính hãng chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn trong danh mục hàng hóa bởi các hãng xe có tiếng như Honda, SYM, Yamaha, Suzuki... thường chỉ phân phối phụ tùng chính hãng thông qua các cửa hàng ủy nhiệm là chính, còn tại các cửa hàng nhỏ, hàng chính hãng có rất ít. Phụ tùng xe máy xuất hiện nhiều hàng giả, hàng nhái, làm sao ngăn chặn? Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Long, Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Đà Nẵng cho rằng: Để phân biệt được thật – giả đối với mặt hàng này, cần phải có sự phối hợp của các ngành liên quan, đặc biệt là các nhà sản xuất phụ tùng xe máy chính hãng.
 
Trong thời gian qua, Chi cục QLTT Đà Nẵng cũng chưa nhận được đơn khiếu nại từ khách hàng về mua phải hàng giả, hàng nhái mặt hàng này từ những cửa hàng cụ thể. Cũng theo ông Long, trong tháng 6 và 7 vừa qua, chi cục đã tịch thu 12 nghìn phụ tùng xe máy nhập lậu, trị giá 130 triệu đồng. Ngoài ra, chi cục xử phạt gần 20 triệu đồng đối với Công ty CP Tập đoàn Honlei Việt Nam (Nam Định) và Công ty TNHH Cường Thủy (Hà Nội) trong lĩnh vực vi phạm sở hữu công nghiệp đối với 60 chiếc xe máy được 2 công ty này chở đến thị trường Đà Nẵng tiêu thụ.     

Vậy để tránh thay phải hàng nhái, hàng giả cho xe gắn máy, người tiêu dùng phải làm gì? Theo lời khuyên của chủ tiệm sửa xe uy tín trên đường Nguyễn Chí Thanh: Khi có nhu cầu sửa chữa, thay thế phụ tùng, khách hàng nên đến các trung tâm bảo hành, đại lý ủy quyền chính thức của các hãng xe hoặc các cơ sở lớn, uy tín lâu năm để được phục vụ, vừa bảo đảm chất lượng, vừa tránh được tình trạng tiền mất mà lại vớ phải hàng “dỏm”.

Bài và ảnh: Trọng Hùng
;
.
.
.
.
.