.

Về làng bánh khô mè Quan Châu

.
Rất ít người Đà Nẵng biết rằng, cách đây nhiều năm, tại xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang có một làng sản xuất bánh khô mè Quan Châu có tiếng gần xa, được những bà con người Việt xa quê hương nhớ tới với hương vị thơm ngon, đậm đà của xứ Quảng.

Mô tả ảnh.
Bánh khô mè Quan Châu do gia đình chị Lan sản xuất được nhiều người Việt ở nước ngoài ưa chuộng.
Bí quyết bánh ngon

Chúng tôi trở lại thôn Quan Châu, xã Hòa Châu vào những ngày giáp Tết âm lịch Tân Mão. Nhìn hai bên đường dẫn vào thôn, đã thấy không khí mùa xuân đang tràn về trong từng ngôi nhà mới rộng rãi và khang trang hơn, với rất nhiều vườn cây cảnh như: mai, vạn thọ, bon-sai tạo dáng… có giá trị được chăm chút kỹ lưỡng. Đến nhà chị Nguyễn Thị Lan, một trong những gia đình còn giữ được cái nghề làm bánh khô mè ngót hai mươi năm qua, đã thấy không khí sản xuất bắt đầu nhộn nhịp. Bánh do gia đình chị sản xuất rất được ưa chuộng, với vị bánh ngọt thanh, mềm, thường dùng làm quà cho người thân ở nước ngoài.

Chị Lan cho biết, để đáp ứng nhu cầu đặt mua bánh của khách hàng, gia đình chị phải thuê thêm nhân công để tăng sản lượng bánh, với trung bình 4.000 đến 5.000 lát bánh/ngày. Thu nhập từ mùa vụ cuối năm này cũng đủ để gia đình chị trang trải, mua sắp trong dịp Tết. “Để làm được bánh ngon, bên cạnh việc chăm chút cho từng công đoạn như xay bột gạo, chần mè… thì quan trọng nhất vẫn là kỹ thuật thắng nước đường vừa chín tới để tẩm bánh. Bởi, chỉ cần nước đường chín quá sẽ có mùi khét của bánh, còn thắng chưa tới sẽ làm bánh không dẻo, thơm và rất dễ bị bể”- chị Lan chia sẻ. 

Anh Đoàn Văn Thọ, con trai bà Huỳnh Thị Chiến - một trong số ít gia đình giữ nghề làm bánh khô mè truyền thống cho biết, trên thị trường hiện có một số làng nghề sản xuất bánh khô mè có pha trộn nguyên liệu bột sắn thay vì bột gạo. Do vậy, chiếc bánh nhẹ, không ngon và giá thành thường rẻ. Sở dĩ khô mè Quan Châu tuy không phát triển mạnh thương hiệu nhưng vẫn giữ được khách hàng, là do sử dụng nguyên liệu không pha trộn.

Loay hoay xây dựng thương hiệu

Thấy được tiềm năng phát triển của làng bánh khô mè truyền thống Quan Châu, cách đây hơn 5 năm, một tổ hợp sản xuất bánh khô mè Quan Châu được chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí xây dựng. Ban đầu, tổ hợp này do Hội LHPN xã Hòa Châu đứng ra huy động các gia đình tham gia. Tuy nhiên, sau khoảng một năm duy trì sản xuất, tổ hợp này đành đóng cửa vì nhiều lý do khách quan. Kể từ đó, các gia đình tùy theo năng lực sản xuất của mình bắt đầu trở về nhà mở lò sản xuất trở lại. Hiện nay, có khoảng 5 gia đình sản xuất bánh khô mè quanh năm và cung ứng ra thị trường số lượng lớn. Còn lại, gần 50% hộ gia đình tại thôn Quan Châu làm bánh khô mè trong dịp lễ, Tết để ăn và làm quà biếu cho người thân.

Người dân ở đây cho biết, cách đây hơn 1 năm, có một doanh nghiệp đặt vấn đề bao tiêu gia công cung ứng đầu vào và đầu ra cho sản phẩm bánh khô mè. Tuy nhiên, việc bỏ thương hiệu “khô mè Quan Châu” khiến người dân không đồng tình, vì thế, thương vụ này cũng đành bỏ dở. Hiện tại, các hộ gia đình sản xuất bánh khô mè thống nhất lấy chung một thương hiệu: “Khô mè Quan Châu” nhưng bên dưới nhãn hiệu chung có số điện thoại, địa chỉ riêng từng gia đình. Tuy nhiên, do chưa thực hiện công tác quảng bá, nên thương hiệu này vẫn chưa được nhiều người biết đến. Đây cũng là trăn trở của những người dân có tâm huyết về việc  gìn giữ làng nghề truyền thống của  thôn Quan Châu, xã Hòa Châu hiện nay.

Bài và ảnh: Việt Dũng
;
.
.
.
.
.