.

Nguy cơ xóa sổ một làng nghề

.
Làng chiếu Cẩm Nê, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Những năm thập niên 70 của thế kỷ trước, 90% số hộ gia đình đều kiếm sống bằng nghề dệt chiếu thì bây giờ chỉ còn những ông già, bà lão của gần chục gia đình duy trì công việc này.

Mô tả ảnh.
Nghệ nhân Phan Tấn đang giới thiệu một số mẫu chiếu Cẩm Nê.
 
Trong tấm bia đá được dựng giữa sân nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Cẩm Nê ghi rõ: “Nghề chiếu Cẩm Nê có nguồn gốc từ Hoằng Hóa, Thanh Hóa được truyền vào đây khoảng từ thế kỷ XV, thời điểm mà vua Lê Thánh Tôn chiến thắng Chiêm Thành, sáp nhập thành Bồ Bàn vào Quảng Nam-Đà Nẵng… Chiếu Cẩm Nê cũng từng xuất hiện ở nội triều các vua nhà Nguyễn, những nghệ nhân làm chiếu Cẩm Nê xưa từng được các triều đại vua sắc phong, ban thưởng”.
 
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, chiếu Cẩm Nê trở thành một thương hiệu nổi tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc, là khởi nguồn cho các làng nghề làm chiếu sau này trên khắp các tỉnh, thành. Theo lời kể của nghệ nhân Phan Trà, 81 tuổi, những năm 70 – 80 của thế kỷ trước, đời sống của người dân làng Cẩm Nê khá giả hơn tất cả các làng khác trong vùng do nghề dệt chiếu rất phát triển. Có hàng trăm gia đình dệt chiếu nhưng sản phẩm nào làm ra đều được các lái buôn đến tận nơi thu mua hết. “Chiếu Cẩm Nê được làm bằng sợi cói xoắn đôi, không chắp nối, vừa bền lại vừa đẹp, mùa đông thì nằm rất ấm, còn mùa hè thì mát rượi”, nghệ nhân Phan Trà cho biết thêm.

Tuy nhiên, trong khi các làng nghề tại nhiều địa phương khác đang bước vào thời kỳ thịnh nhất thì làng chiếu Cẩm Nê lại đang mai một, đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Bằng chất giọng tâm đắc của một người hơn 40 năm tận tụy với nghề, nghệ nhân Phan Tấn (74 tuổi) cho biết: “Đã lâu lắm rồi không còn thấy cái cảnh nhà nhà dệt chiếu. Đi khắp làng giờ cũng chỉ lác đác mấy nhà còn duy trì cái nghề này; đáng buồn hơn, đội ngũ dệt chiếu bây giờ đều là người già cả, tay yếu mắt mờ”. Theo ông Phan Văn Nhiên, Chủ nhiệm HTX Hòa Tiến 1, hiện chỉ có 9 gia đình còn duy trì nghề dệt chiếu, trong đó chỉ có 5 gia đình dệt liên tục, số còn lại làm tranh thủ vào dịp nông nhàn.

Theo lý giải của nhiều cụ cao niên trong làng - những người một thời chung thủy với nghề dệt chiếu - có nhiều nguyên nhân khiến làng chiếu Cẩm Nê ngày càng mai một. Những vùng nước lợ chuyên cung cấp nguyên liệu cói cho làng như Hòa Xuân, Bàn Thạch, Nam Ô đang ngày càng bị thu hẹp, cải tạo để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản. “Giờ đây chúng tôi phải vào tận Bình Định, Long An, hoặc ra Thanh Hóa để mua nguyên liệu, mỗi chuyến như vậy cũng tốn gần 100 triệu đồng, số tiền này quá lớn đối với những nông dân già cả như chúng tôi”, bác Nguyễn Tề, một trong số ít người còn dệt chiếu, cho biết. Với số vốn đầu tư ngày một nhiều nhưng tiền công, lợi nhuận từ nghề này lại chẳng khá hơn để có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng ngày càng đắt đỏ. Mỗi chiếc chiếu được bán với giá 100 ngàn đồng (loại 0,8m x 2m), 200 ngàn đồng (loại 1,6m x 2m), sau khi trừ các chi phí, cũng chỉ thu lãi từ 20 – 40 ngàn đồng.

Bên cạnh đó, công việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn, chịu khó, trong khi tiền công lại thấp, hoàn toàn không phù hợp với thế hệ trẻ. “Nhờ dệt chiếu tui mới nuôi được 12 người con của mình ăn học trưởng thành, nhưng giờ đây tất cả đều quay lưng với cái nghề của tổ tiên để kiếm sống bằng chuyên môn mà chúng đã được đào tạo”, nghệ nhân Phan Tấn tâm sự. Đó cũng là thực tế của thế hệ trẻ tại làng quê này, tất cả đều xuôi về thành phố để kiếm sống, không ai còn mặn mà với làng nghề vang tiếng một thời này.

“Địa phương cũng đã phối hợp với chính quyền các cấp triển khai các đề án nhằm vực dậy làng nghề giàu truyền thống này nhưng xem ra rất khó thực hiện bởi phần lớn hậu duệ của những ông tổ đặt nền móng cho làng chiếu Cẩm Nê đều đã tìm những công việc mới phù hợp với khả năng và xu thế”, ông Phan Văn Nhiên cho biết.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG
;
.
.
.
.
.