.

Chợ quê: Bán-mua đều khó

.

Giá cả tăng cao khiến nhiều người dân ở các vùng nông thôn phải “thắt lưng buộc bụng” trong chi tiêu. Nhiều gia đình đã phải tìm mọi cách để thích nghi với sự thay đổi của thị trường.

Khó... cho người bán, kẻ mua

 

Mô tả ảnh.
Ế ẩm, nhiều người bỏ chợ quê ra chợ phố bán hàng.

Không chỉ những chợ quê có tên tuổi như chợ Túy Loan, chợ Non Nước... mà ngay những chợ xép, chợ tự phát nằm lọt thỏm giữa khu dân cư cũng trở nên “vắng vẻ” hơn bởi ảnh hưởng của việc tăng giá. Theo chân chị Nguyễn Thị Nở, ở tổ 5 phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ ghé vào chợ xép gần nhà chị mới thấy rõ điều này. Chỉ vào hàng thịt, chị Nở nói nhỏ: “Đừng tưởng chợ quê mà rẻ. Thịt ở đây nhiều lúc còn hiếm hơn ở chợ lớn đó”. Thu nhập của vợ chồng chị Nở chỉ vào khoảng 2 - 3 triệu đồng/tháng, nhà lại có 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Việc giá cả tăng cao, tăng mãi thế này mâm cơm của gia đình chị từ ra giêng đến giờ thiếu hẳn thịt, cá. Cứ mỗi bữa xách giỏ đi chợ lại không biết mua gì cho cả nhà ăn.

 

Cứ tưởng chợ quê cái gì cũng rẻ, dễ mua nhưng dạo quanh một vòng mới thấy, giá cả những mặt hàng thiết yếu ở chợ xép thế này vẫn tăng “theo” đúng giá thị trường như thịt heo (mông) 90 ngàn đồng/kg, thịt bò 175 ngàn/kg, các loại tôm, cá đánh bắt từ đồng giá cũng tăng từ 20 - 30 ngàn đồng/kg, nhất là tôm đồng từ 12 ngàn đồng/lạng tăng lên 15 ngàn đồng/lạng. Trong khi đó, các loại cá biển xem ra “hiếm” hơn rất nhiều. Trong các mặt hàng, chỉ có rau xanh là đã giảm giá.

Cứ tưởng giá cả tăng cao chỉ làm khó người mua nhưng ngay cả người bán cũng phải căn ke, tính toán khi lấy hàng. Chị Ngô Thị Nga, chủ sạp rau, quả ở chợ này cho biết: “Ở đây vùng quê, hầu như ai cũng có trồng thêm rau trong vườn nhà nên rau bán ở chợ thường bị... ế. Mấy tháng nay tôi chỉ lấy mấy loại người ta không trồng như xúp lơ, khoai tây, cà rốt, su hào, bắp cải... lấy ít vậy mà bán vẫn dư hàng”. Một chủ sạp thịt heo lại than thở: “Người ở quê mình vốn tiết kiệm. Giá tăng thì không mua hàng. Một ngày tôi chỉ lấy khoảng 15kg thịt các loại mà có hôm vẫn ế. Buôn bán kiểu này khó quá”. Một lý do khác khiến những người bán hàng như chị Nga sợ tăng giá là bởi, chợ xép ở quê thường người bán người mua đều quen mặt nhau. Chuyện mua nợ, mua chịu diễn ra như cơm bữa. Bây giờ giá tăng nếu cứ bán theo kiểu đó thì người kinh doanh như chị biết lấy đâu ra vốn mà lấy hàng. 

Tận dụng “cây nhà lá vườn”

Để sống chung với giá, gia đình chị Nở phải hạn chế việc mua những món ngon, đắt tiền mà tăng sử dụng những thứ “cây nhà lá vườn”. Từ kinh nghiệm bao năm nay, thời gian sau Tết giá cả thường tăng cao, gia đình chị trồng thêm vạt rau sau vườn, nuôi thêm mấy con gà đẻ trứng. Thay vì dùng gas như trước, bây giờ chị Nở chuyển qua dùng củi. Một tháng nhà chị dùng hết khoảng 30 bó củi, cũng chỉ chưa tới 300 ngàn, lại tận dụng được than để nấu nhiều thứ nữa. Trong khi dùng gas (385 ngàn đồng/bình 13kg) lại cứ phải căn ke sợ hết. Giá dầu ăn cũng tăng cao nên chị mua mỡ heo về chiên lên lấy mỡ dùng. Còn chị Nga lại tiết kiệm vốn bằng cách, lấy rau vườn đem ra chợ bán.

Giá cả tăng cao khiến các mặt hàng xuất phát ở quê trở nên được ưa chuộng. Chị Nga đang tính đường lấy hàng ở quê ra bán ở chợ phố. Thấy mấy người làm vậy mà có lời hơn.

Bà Hồ Thị Thu Giang, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ nói: “Đời sống của người dân ở các vùng nông thôn Cẩm Lệ còn nhiều khó khăn, nhất là các gia đình có con đi học. Chúng tôi cũng tạo mọi điều kiện để người dân vay vốn sản xuất, chuyển đổi ngành nghề nhằm nâng cao đời sống, tăng thu nhập”. 

Người dân ở vùng nông thôn vốn quen thắt lưng buộc bụng, nay giá cả tăng cao, cố thêm một chút cũng không có vấn đề gì. Nhưng thiết nghĩ, Nhà nước cần bình ổn giá để chất lượng bữa cơm, đời sống của người dân được nâng lên cao hơn.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.