.

Doanh nghiệp chủ động ứng phó với cúp điện

.
(ĐNĐT) – Giá điện đã tăng nhưng tình hình thiếu điện không giảm, việc cúp điện luân phiên chắc chắn sẽ xảy ra. Các doanh nghiệp sản xuất ở Đà Nẵng đang lên kế hoạch ứng phó với cúp điện. 

 

Mô tả ảnh.
Các doanh nghiệp đang có kế hoạch ứng phó với cúp điện, còn công nhân có thể sẽ phải làm thêm ca 3 cho ngày hôm sau nếu hôm trước bị cắt điện

Mặc dù thời gian qua thành phố Đà Nẵng chưa xảy ra tình trạng cắt điện luân phiên do thiếu điện, song mùa khô đang đến gần, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng đã trình UBND thành phố phương án tiết giảm điện, trong khi các doanh nghiệp đang tìm cách chủ động “ứng phó” nếu tình trạng cắt điện luân phiên xảy ra.

Tiêu thụ cao nhưng chưa phải cắt luân phiên

Ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng cho biết, mặc dù sản lượng điện Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) phân bổ cho Điện lực Đà Nẵng trong tháng 3 này là 3,64 triệu kW/ngày, nhưng nhu cầu tiêu thụ trên thực tế trong những ngày đầu tháng 3 đã ở mức 3,8 triệu kW/ngày, thậm chí có ngày cao nhất lên tới 4,1 triệu kW, tuy nhiên thành phố Đà Nẵng vẫn chưa phải cắt điện luân phiên.
 
Sản lượng dự kiến cung cấp trong mùa khô năm 2011 cho Đà Nẵng: tháng 4: 4,37 triệu kW/ngày; tháng 5: 4,62 triệu kW/ngày và tháng 6 là 4,55 triệu kW/ngày.
 
“Chúng tôi sẽ căn cứ vào nhu cầu tiêu thụ trong thực tế của từng tháng để có sự điều chỉnh. Nếu nhu cầu tiêu thụ cao hơn thì phải thực hiện theo quyết định về cắt giảm và điều tiết điện đã được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt”, ông Chính nói.

Theo đó, việc tiết giảm điện và điều hòa phụ tải được thực hiện tùy theo tình hình thực tế và theo những hợp đồng mua bán điện giữa Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng với các khách hàng.

Việc tiết giảm điện sẽ được thực hiện luân phiên, không cắt kéo dài đối với một khu vực hoặc một phụ tải điện, đảm bảo công bằng giữa các khu vực, các nhóm khách hàng sử dụng điện, nhất là chú ý tới những nhu cầu bảo đảm cung cấp điện cho sản xuất, sinh hoạt thiết yếu của nhân dân.

Riêng khách hàng sử dụng điện lớn như nhà máy thép, xi măng, cao su và khách hàng có lượng điện năng tiêu thụ lớn hơn hoặc bằng 3 triệu kWh/năm sẽ thực hiện tiết giảm trên thỏa thuận giữa Điện lực Đà Nẵng với khách hàng.
 
Thực hiện tiết giảm điện 3 ngày/tuần với các nhà máy thép Thái Bình Dương, thép Liên Chiểu, thép Đa Na – Ý ở tất cả các mức tỷ lệ tiết giảm công suất hoặc các mức tỷ lệ tiết giảm điện năng (lớn hơn hoặc bằng 5%) để dành công suất hoặc sản lượng điện được phân bổ phục vụ cho mục đích khác.
 
Đối với các khách hàng sử dụng điện còn lại, sẽ thực hiện tiết giảm khi mức tỷ lệ tiết giảm công suất (hoặc mức tỷ lệ tiết giảm điện năng) trên 10% với thời gian tiết giảm trong ngày từ 5 giờ đến 17 giờ (hoặc từ 5 giờ đến 12 giờ tùy theo điều kiện thực tế cụ thể).

Với các ngày quy định điện năng tiết giảm nhỏ hơn 0,27 triệu kWh (<5%) thì thực hiện tiết giảm hoặc hạn chế công suất của một trong các nhà máy thép trên nhằm đảm bảo cung cấp điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
 
Doanh nghiệp chủ động ứng phó

“Chúng tôi cũng đã làm việc với các nhà máy, khách hàng có nhu cầu tiêu thụ lượng điện lớn trên địa bàn thành phố thông báo về việc tiết giảm và các nhà máy phải lên phương án chuẩn bị nguồn diesel dự phòng nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất của nhà máy. Chúng tôi sẽ có thông báo cụ thể trên các phương tiện thông tin đại chúng trước 5 ngày để các đơn vị, khách hàng có sự chuẩn bị”, ông Chính nói.

Về phương án “ứng phó” với việc cắt giảm điện, đại diện các doanh nghiệp đều cho hay: trong tình hình thực tế như hiện nay, dù không muốn song họ vẫn phải chấp thuận việc cắt điện theo phương án của ngành điện.

Ông Nguyễn An, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Thái Bình Dương, cho hay hiện công ty đã chuẩn bị hệ thống máy phát điện dự phòng khi cắt điện đột xuất. “Tuy nhiên, đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thép như chúng tôi, mong muốn lớn nhất là làm sao ngành điện có thể tính toán và có thể cắt gộp lại một lần, thay vì cắt theo lịch 3 ngày/tuần. Vì việc này vừa giảm tiêu hao năng lượng trong quá trình sản xuất cho công ty, vừa chủ động được công việc. Công ty cũng chủ động hơn trong việc sắp xếp được thời gian cho các công nhân về quê thăm gia đình”, ông An nói.

Trang bị máy phát điện đề phòng khi cắt luân phiên cũng là phương án được Nhà máy chế tạo cơ khí Lilama 7 - chuyên sản xuất kết cấu thép (đóng tại KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) áp dụng để đảm bảo sản xuất ổn định.  
 
Ông Nguyễn Hồng Thái, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lilama 7, cho hay bất cứ lúc nào công ty cũng đề phòng trường hợp bị cắt điện nên luôn sẵn sàng chuẩn bị máy phát, bởi quá trình hàn xì mà không có điện một chút thì công việc cũng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, và kéo theo giá thành sản phẩm tăng cao.

Theo tính toán của ông Thái, mỗi lần chạy máy phát điện, chi phí cho tiền dầu tăng gấp chục lần so với chi phí sử dụng điện. “Chúng tôi cũng sẽ tính toán việc tăng thêm ca 3 với ngày hôm sau để bù lại, nếu như hôm trước bị cúp điện”, ông Thái cho biết.
 
Tiếp xúc với chúng tôi, các doanh nghiệp đều cho rằng, việc chạy bằng máy phát điện sẽ tốn kém nhiên liệu trong khi công suất không cao, doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề là điều không thể tránh khỏi. Hơn nữa, việc phải chạy bằng dầu nhiều lần trong tuần khiến cho tuổi thọ máy phát điện bị giảm nhanh chóng, tuổi thọ của các thiết bị sản xuất cũng bị ảnh hưởng theo.

Bài và ảnh: Đắc Mạnh
;
.
.
.
.
.