.

Hợp tác xã nấm Hải Vân Nam

.

Theo chủ trương của Thành ủy về việc xây dựng mô hình hợp tác xã sản xuất-kinh doanh theo hướng chuyên, toàn thành phố hiện đã có 3 HTX sản xuất nấm, trồng hoa và kinh doanh dịch vụ. Trong đó có HTX Sản xuất-kinh doanh nấm Hải Vân Nam ở phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu.

 

Mô tả ảnh.
Trong một trại nấm của HTX.

HTX nấm Hải Vân Nam có 10 thành viên và 2 cơ sở sản xuất, với tổng diện tích nhà trại, sân phơi hơn 3.000m2. Cơ sở 1 ở tổ 58, phường Hòa Khánh Bắc, cơ sở 2 tại thôn Phú Thượng, xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang), sản phẩm chính là nấm sò (còn có tên là nấm bào ngư).

Nguyên liệu làm nấm sò là mùn cưa cây cao su, đặt mua ở Tây Nguyên, do bên bán chở đến tận nơi. Người sản xuất đem mùn ấy sàng bỏ tạp chất, phơi khô, ủ vôi 15 ngày, trộn với các chất phụ gia, rồi cho vào bịch ni-lông, bỏ vào nồi, đun lửa hấp liên tục trong vòng 10-12 giờ, để nguội 1 ngày đêm và lấy meo bỏ vào từng bịch để nuôi tơ. Lúc này, nguyên liệu đã kết dính với nhau nên dễ dàng tháo bỏ bao ni-lông, đem chất lên kệ và khoảng 20 ngày là tơ đã phủ trắng bịch. Đem từng bịch treo lên giàn, 5 ngày sau bắt đầu tưới nhẹ như phun sương mỗi ngày một lần và trên nền trại nấm cũng thường xuyên có nước để giữ ẩm, hơn 2 ngày sau là bắt đầu có nấm bán. Thời gian thu hoạch kéo dài từ 50-60 ngày.

Bình quân, mỗi ngày HTX nấm Hải Vân Nam bán được 100kg nấm sò với giá mỗi kg 20.000 đồng. Vào những dịp rằm, mồng một hằng tháng thì giá cao hơn. Thu hoạch xong nấm sò, HTX tận dụng các bịch nguyên liệu để sản xuất nấm rơm, bằng cách đóng hộc, vô meo, che kín, giữ nhiệt thích hợp (từ 35-370C) và 20 ngày sau là có bán. Nấm rơm hái trong vòng một tuần lễ là hết và cứ 1.000 bịch nguyên liệu đã qua chế biến nấm sò thì thu được khoảng 70kg nấm rơm. Giá nấm rơm đắt gấp đôi nấm sò và cũng tăng cao vào các dịp rằm, mồng một. Ngoài ra, HTX còn sản xuất được loại nấm xám để cung cấp cho các cơ sở làm nấm rim, nấm tẩm. Khi nấm sò bán không hết thì xé phơi, sấy khô, rồi cũng bán cho các cơ sở chế biến thức ăn từ nấm.

Chủ nhiệm HTX Phan Lợi cho biết: HTX được Hội Nông dân thành phố, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tạo mọi thuận lợi trong quá trình sản xuất-kinh doanh. Hiện nay, Sở Công thương đang giúp HTX đăng ký thương hiệu độc quyền với tên gọi “Nấm Quốc Tín”.

Tại cơ sở ở Hòa Sơn, HTX tập trung phát triển sản phẩm nấm mộc nhĩ (thường gọi là nấm mèo). Anh Đàm Thanh Trọng, Phó Chủ nhiệm HTX cho biết: Quy trình làm nấm mộc nhĩ cơ bản cũng giống nấm sò, chỉ khác ở công đoạn vô meo, hễ vô loại meo nào thì ra sản phẩm đó. Các loại meo nấm sò, mộc nhĩ thường có giá từ 16-20 ngàn đồng/kg và có bán ở nhiều nơi. HTX có 10 xã viên lao động thường xuyên, mức lương 2,5 triệu đồng/tháng và đến cuối mỗi năm mới chia lợi nhuận. Hiện nay, HTX đang xúc tiến sản xuất thêm một sản phẩm mới, đó là nấm linh chi - một loại nấm có giá trị cao, không chỉ ngon, bổ mà còn có công dụng chữa bệnh.

Ngoài hoạt động chuyên môn, Ban Chủ nhiệm HTX hết sức quan tâm đến các hoạt động nhân đạo-từ thiện, hằng tuần tổ chức nấu 300 suất cháo tình thương đem đến cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Riêng ông Phan Lợi đang tích cực giúp Hội Khuyết tật quận Liên Chiểu thành lập một cơ sở làm nấm để tạo việc làm cho những mảnh đời bất hạnh. Ông vốn là học viên của lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nấm đầu tiên do Hội Nông dân thành phố tổ chức năm 2005 và đã trở thành chủ cơ sở làm nấm lớn nhất toàn quận. Chủ trương phát triển kinh tế HTX theo hướng chuyên rất hợp với tâm nguyện của ông và ông đã đóng góp đến 60% trong tổng kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất của HTX Hải Vân Nam.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Quang Minh, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Khánh Bắc cho biết: Làm nấm sò kỹ thuật không khó, công việc cũng không nặng nhọc, vốn đầu tư ít mà hiệu quả cao và đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi ngành nghề trong quá trình đô thị hóa. Hơn nữa, làm nấm sò không gây ô nhiễm môi sinh, rất phù hợp với chủ trương xây dựng thành phố môi trường mà lãnh đạo thành phố đã đề ra.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.