.

KCN Liên Chiểu chưa lấp đầy

.
Khu công nghiệp (KCN) Liên Chiểu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng từ năm 1998 tại phường Hòa Hiệp (nay là phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) theo Quyết định số 344/QĐ-TTg ngày 18-4-1998, diện tích 373,5ha, tổng vốn đầu tư 36,88 triệu USD, do Công ty Xây dựng số 7 (nay là Tổng Công ty Miền Trung) làm chủ đầu tư.
 
Mô tả ảnh.
Nhiều khu vực tại KCN Liên Chiểu đang trồng cây lâm nghiệp.
Từ đó đến nay, đã 3 lần khu công nghiệp này thay đổi chủ đầu tư và điều chỉnh về diện tích. Ngày 5-8-2004, Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng thay thế Tổng Công ty Xây dựng miền Trung làm chủ đầu tư. Gần 2 năm sau, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ,  UBND thành phố Đà Nẵng có Quyết định số 3683/QĐ-UBND ngày 9-6-2006 chuyển đổi chủ đầu tư sang Công ty CP Đầu tư Sài Gòn- Đà Nẵng. Và ngày 22-1-2007, UBND thành phố ban hành Quyết định số 571/QĐ-UBND về thu hồi 307,7ha đất cho Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng thuê thời hạn 50 năm để thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng.

Trước năm 2007, qua 2 đơn vị chủ đầu tư, nhiều hạng mục thuộc cơ sở hạ tầng ở KCN Liên Chiểu đã cơ bản hình thành, phần lớn diện tích đã san ủi mặt bằng, một số tuyến đường chính được xây dựng, hệ thống điện, cấp nước… khá hoàn thiện, 11 doanh nghiệp đã xây dựng nhà xưởng đi vào sản xuất. Từ năm 2007 đến nay, Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng đầu tư tiếp 130 tỷ đồng nữa san ủi mặt bằng còn lại, hoàn thiện 3 tuyến giao thông dang dở, xây dựng mới 5 tuyến khác, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải… và có thêm 10 doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ ngơi. Có thể nói, đến thời điểm hiện nay, khi trạm xử lý nước thải đi vào hoạt động, cơ sở hạ tầng ở KCN Liên Chiểu khá hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu cho các doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, cán bộ của Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng, đầu năm 2010, một lần nữa diện tích khu công nghiệp lại được điều chỉnh từ 307,7ha xuống 289,3ha, trong đó đất thương phẩm (dùng để các doanh nghiệp xây dựng) 206ha. Hiện tại, 2 tuyến đường đang thi công dang dở do vướng khâu giải tỏa mặt bằng.

Trong số  21 doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất kinh doanh ổn định lâu dài tại KCN Liên Chiểu, chỉ có duy nhất 1 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, đó là Công ty TNHH Cheng Huei Việt Nam của Đài Loan, chuyên sản xuất khuôn đúc gạch men. Doanh nghiệp này xây dựng cơ ngơi trên phạm vi khá khiêm tốn, chỉ 2.500m2. Trước ngày KCN Liên Chiểu được thành lập, đã có một số doanh nghiệp quy mô lớn hoạt động ổn định từ nhiều năm trước, như Công ty CP CN Hóa chất Đà Nẵng, Công ty CP Xi-măng Ngũ Hành Sơn, Công ty Xi-măng Hải Vân, Công ty Vật tư đường sắt Đà Nẵng… Các doanh nghiệp này chiếm diện tích 23ha.  Điều này đồng nghĩa với sau hơn 10 năm được thành lập, KCN Liên Chiểu chỉ thu hút được 16 doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng trên phạm vi hơn 70ha. 

Có thể nói, với lợi thế ở cửa ngõ phía bắc của thành phố Đà Nẵng, quốc lộ 1A chạy qua, gần ga tàu lửa, cảng biển, cơ sở hạ tầng khá hoàn thiện, thuận lợi trong xử lý ô nhiễm môi trường, so với các KCN khác trên địa bàn Đà Nẵng, sự phát triển của KCN Liên Chiểu khá chậm. Đến nay, hơn 100ha đất thương phẩm chưa khai thác, nhiều khu vực đang là nơi trồng cây lâm nghiệp của người dân địa phương, hoặc hoang hóa.  

Trao đổi về xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư, ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết, mục tiêu của công ty sẽ xây dựng KCN Liên Chiểu thành KCN hiện đại, đồng bộ và chỉ thu hút các doanh nghiệp bảo đảm yêu cầu sản xuất sạch và đặc biệt coi trọng việc bảo vệ môi trường. Thời điểm hiện tại, có 20 doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư, trong đó 4 DN sẽ triển khai xây dựng trong năm 2011 này. Về cơ sở hạ tầng, công ty sẽ tiếp tục đầu tư hàng chục tỷ đồng nữa để hoàn thiện mạng lưới giao thông nội bộ và các hạng mục khác đáp ứng yêu cầu của một KCN hiện đại.

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu
;
.
.
.
.
.