.

Nhật Bản bơm 183 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng

.

(ĐNĐT) - Nhật Bản đã có những động thái mạnh mẽ để vực dậy nền kinh tế và thị trường tài chính, được dự báo sẽ bị tác động rất lớn sau thảm họa động đất, sóng thần.

Mô tả ảnh.
Nền kinh tế Nhật được dự báo bị ảnh hưởng nặng nề bởi động đất, sóng thần. Ảnh: AP
Ngày 14-3, chỉ số Nikkei lúc đóng cửa đã giảm 6,18%, các thị trường chứng khoán đã bị sốc trước trận động đất 8,9 độ Richter và một cơn sóng thần làm thiệt mạng hàng nghìn người, hàng triệu người không điện, nước và nhà cửa.

Ngân hàng Đầu tư Thụy Sĩ đã ước tính thiệt hại về kinh tế do động đất không ít hơn 171 tỷ USD, mặc dù Bộ Trưởng Tài chính Nhật, Yoshihiko Noda cho biết, hiện vẫn còn quá sớm để đưa ra một con số chắc chắn để định ra một nguồn ngân sách bổ sung.

Ngân hàng Trung ương Nhật đã tăng gấp đôi kế hoạch mua các tài sản của mình lên 10.000 tỷ Yên, (122 tỷ USD) và giữ ở mức lãi suất từ 0 đến 0,1%. Trước đó, ngân hàng này thông báo rằng sẽ bơm một lượng tiền kỷ lục là 15.000 tỷ Yên (183 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng.

Một loạt các nhà sản xuất có tên tuổi như Sony Corp, Toyota và Panasonics đã ngưng các dây chuyền sản xuất, do các nỗ lực tái khởi động đã bị cản trở bởi các đợt dư chấn.

Khoảng 1/5 công suất phát điện của các nhà máy điện hạt nhân đã bị cắt giảm do thảm họa. Các nhà máy nhiệt điện cũng ngưng hoạt động theo, buộc nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này phải cắt điện luân phiên để tiết kiệm năng lượng.

Các nhà kinh tế cho rằng, bộ ba thảm họa động đất, sóng thần và sự cố nhà máy điện hạt nhân đã giáng một đòn chí mạng vào nền kinh tế vốn đã ốm yếu, làm cho nó lại càng thêm khó khăn và lâu dài hơn để phục hồi so với những kỳ vọng ban đầu.

Các nhà phân tích đang thận trọng hơn đối với dự báo một sự phục hồi kinh tế nhanh của Nhật, tương tự như sau vụ động đất Kobe năm 1995, một phần do tình trạng nợ nần vốn đã lớn gấp đôi giá trị tổng sản phẩm quốc nội của Nhật, có nghĩa là chính phủ còn quá ít khả năng để cứu vãn.

“Lần này, chính phủ không thể chi trả được nhiều như sau trận động đất năm 1995, bởi tình hình tài chính khắc nghiệt của Nhật Bản”, Takuji Okubo, chuyên gia kinh tế trưởng của tập đoàn tài chính hàng đầu Châu Âu, Societe Generale ở Tokyo, cho biết.

Quang Hiển (Theo Reuters)
;
.
.
.
.
.