Nhiều năm qua, ngành công nghiệp sản xuất thiết bị, vật tư cho ngành điện đã có bước phát triển vượt bậc. Đến nay, 80% các thiết bị, vật tư của ngành điện đã được sản xuất trong nước với chất lượng ngày càng cao, từng bước đạt chuẩn quốc tế, trong đó có nhiều sản phẩm được xuất khẩu.
Tại khu vực miền Trung và riêng thành phố Đà Nẵng, ngành công nghiệp sản xuất thiết bị, vật tư cho ngành điện đã có bước phát triển khả quan, với nhiều cơ sở sản xuất như Công ty CP Cơ điện miền Trung, Nhà máy sản xuất thiết bị đo đếm của Điện lực Thừa Thiên - Huế, Công ty Viễn thông điện lực... Trong số đó, Công ty CP Cơ điện miền Trung mỗi năm sản xuất trên 1 triệu mét dây điện các loại phục vụ cho các đường dây từ 15kV đến 500kV và hàng trăm ngàn mét dây dẫn các loại, hàng ngàn tấn thiết bị điện (đường ống, trụ điện…) để xây dựng các nhà máy thủy điện trong khu vực.
Lắp ráp máy biến áp 1.000kVA. |
Với sự đầu tư liên tục, có hệ thống với những lộ trình cụ thể, đến nay, Công ty CP Cơ điện miền Trung đã sản xuất được toàn bộ các loại ống thủy lực để xây dựng các nhà máy thủy điện trên toàn quốc, kể cả cho Nhà máy thủy điện Sơn La. Kỹ sư Đoàn Văn Hơn, Trưởng bộ phận sản xuất dây cáp điện và sửa chữa máy biến áp của công ty cho biết, hiện công ty có thể sản xuất toàn bộ các loại dây cáp cho các đường dây cao thế và sửa chữa toàn bộ các máy biến áp... Một số cơ sở sản xuất ngoài quốc doanh như Công ty CP Cơ khí Hà Giang – Phước Tường (quận Cẩm Lệ) đã trở thành một trong những thương hiệu với việc sản xuất các ống thủy lực cho các nhà máy thủy điện nhỏ và vừa trong khu vực.
Việc khắc phục nhanh sự cố điện ở thành phố Đà Nẵng những năm gần đây có sự đóng góp quan trọng của những kỹ sư, công nhân các cơ sở sản xuất, sửa chữa các thiết bị điện của các Điện lực trực thuộc Điện lực Đà Nẵng. Với công nghệ được đổi mới, đến nay, hầu hết các trạm thí nghiệm của các Điện lực trực thuộc Điện lực Đà Nẵng tự sản xuất và sửa chữa được các thiết bị đường dây hạ thế trên địa bàn thành phố. Ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó Giám đốc Điện lực Hải Châu khẳng định: Đây là nhân tố quan trọng hàng đầu để Điện lực Hải Châu rút ngắn thời gian khắc phục sự cố điện trên đường dây trong thời gian gần đây, bảo đảm cung cấp điện kịp thời cho các thuê bao bị ảnh hưởng do sự cố. Chẳng hạn như sự cố gãy trụ điện vào ngày 4-3 vừa qua tại khu tái định cư Thuận Phước do một máy xúc đất của một đơn vị thi công đã va vào trụ điện, gây ra mất điện. Nhờ có thiết bị thay thế và sự sáng tạo của những người thợ nên chỉ trong 2 giờ, sự cố đã được khắc phục, mà trước đây phải khắc phục trong 2 ngày.
Đầu năm nay, tại Khu Công nghiệp Hòa Cầm, Công ty Viễn thông và Công nghệ thông tin Điện lực miền Trung (IT&T) đã đưa vào hoạt động Xưởng sản xuất điện tử công suất nửa triệu công-tơ mỗi năm. Các sản phẩm có những tính năng vượt trội như nhỏ gọn, độ chính xác cao, mức tiêu thụ điện thấp, giá thành hợp lý. Riêng loại công-tơ DT01P-RF thời gian tới sẽ đưa vào sử dụng với số lượng gần 20 ngàn cái, sau khi đã được thử nghiệm ở những điều kiện khắc nghiệt, đáp ứng tiêu chuẩn TCVN 7589:2007. Với các công-tơ này, ngoài độ chính xác cao về đo, đếm điện còn có ưu điểm là người công nhân có thể ghi chỉ số công-tơ từ xa (không phải trèo lên cột để nhìn đồng hồ) nhờ các thiết bị hỗ trợ, mà vẫn bảo đảm tính chính xác.
Mặc dù ngành công nghiệp sản xuất thiết bị, vật tư cho ngành điện còn phải đổi mới công nghệ, đầu tư nhiều hơn nữa mới hòa nhập được với các nước trong khu vực, song những thành quả mà các cơ sở này đạt được trong những năm qua, ngoài việc tiết kiệm ngoại tệ để nhập khẩu thiết bị cho ngành điện, còn tạo điều kiện để ngành điện chủ động sản xuất, bảo đảm cung cấp điện ổn định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và cả nước.
Bài và ảnh: Đức Thịnh