.

Sự lựa chọn thời tăng giá: Tiết kiệm chi tiêu

.

Để chống chọi với “bão giá”, giảm những cơn... đau tim bất ngờ khi thấy bảng báo giá mới, nhiều bà nội trợ đã chọn cho mình giải pháp an toàn mà hiệu quả khi đồng tiền chỉ có chừng ấy, đó là: Tiết kiệm chi tiêu.

Cái khó ló cái khôn

 

Mô tả ảnh.
Người tiêu dùng đắn đo, chọn hàng khuyến mãi để tiết kiệm phần nào.

Với lương tháng chỉ khoảng hơn 2 triệu đồng làm ở văn phòng một tờ báo, chồng với mức lương công an chỉ khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng, con gái mới 2 tuổi, chị Nguyễn Lan Phương (phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) cũng đau đầu khi tính toán chi tiêu với các khoản tiền nhà và điện, nước: 1,5 triệu đồng, tiền gửi con nhóm trẻ gia đình: 600 ngàn đồng, tiền ăn tằn tiện của hai vợ chồng: 1,9 triệu đồng, 1 triệu đồng còn lại cố co kéo để chi xăng xe, đám cưới, giỗ chạp…

 

Bây giờ mọi thứ đều tăng, bà chủ nhà sắp sửa tăng giá tiền phòng, giá xăng tăng... Mất mấy ngày suy nghĩ, thay vì cau có, than thở với chồng, chị lập hẳn một kế hoạch chi tiêu hợp lý. Nếu trước nay sáng nào hai vợ chồng cũng đi ăn bún bò mất 20 ngàn đồng rồi đi làm, thì nay chị mua sẵn cá xay bỏ tủ lạnh, sáng cố gắng dậy sớm hơn bình thường 15 phút để nấu bún cá, vừa ngon, bổ, rẻ, lại hợp vệ sinh, mà giá thành chỉ bằng một nửa giá ăn ở quán. Đi chợ, chị cũng phải tính toán chu đáo. Nào là những mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày và để được lâu như: bột giặt, sữa tắm, nước mắm, dầu ăn, nhân có những đợt giảm giá khuyến mãi kèm quà tặng tại Siêu thị BigC, chị mua luôn với số lượng lớn để dành dùng dần.

Chị cũng tỷ tê với ông xã giảm bớt các cuộc nhậu nhẹt, bù khú với bạn bè, dành nhiều thời gian dẫn con gái đi ra khu công viên đầu đường Thanh Thủy chơi, vừa đỡ tốn tiền, vừa… tăng thêm tình cảm cha con. Nếu trước đây phần ai… nấy đến cơ quan thì nay… ba người trên một chiếc xe máy: Đầu tiên đưa con đến nhà trẻ, sau là anh chở chị đến cơ quan rồi đến chỗ làm để tiết kiệm xăng. Tủ lạnh của chị Phương bây giờ lúc nào cũng đầy thức ăn. Mỗi lần đi chợ Đống Đa, chị xách một lúc mấy túi đồ ăn để ăn dần dù nhà chỉ có ba người.

Còn chị Lê Quỳnh Thi (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) thì lại có cách tiết kiệm chi rất hiệu quả. Chị nhẩm tính: Đi chợ nấu cho 6 miệng ăn gồm 2 vợ chồng, 3 đứa con và một mẹ già, cầm 70 ngàn đi loanh quanh một lúc là hết veo mà nhìn lại chẳng có gì nhiều, vậy là chọn giải pháp đi chợ thật trưa. “Đi chợ trưa thì chấp nhận đồ ăn không tươi ngon và không lựa được nhiều như đi sớm, nhưng bù lại giá khá mềm, có khi giảm còn một nửa và có thể trả giá thoải mái”. Không chỉ vậy, chị còn quán triệt trong cả gia đình về tiết kiệm điện, ở mỗi nơi trong nhà chị đều có dán dòng chữ “Nhớ tắt đèn trước khi ra khỏi phòng” để nhắc nhở mọi người.

Người giàu cũng... mếu

So với nhiều người trong xóm thì gia đình anh Lê Văn Quang (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) được xếp vào loại khá giả. Chồng làm phó trưởng phòng ở một công ty viễn thông lớn, lương tháng 15 triệu đồng, vợ làm kế toán cho một doanh nghiệp ăn nên làm ra, lương cũng ngót nghét chục triệu đồng. Đứa con gái nhỏ chỉ mới hơn 1 tuổi được giữ tại nhà bởi một người giúp việc với lương tháng 2 triệu đồng, chưa kể cơm ăn ngày 3 bữa. Vậy mà trong thời buổi giá tăng, họ cũng phải cắt giảm chi tiêu. “Vào quán nhậu sơ sơ với vài người bạn bây giờ cũng mất hơn 1 triệu đồng/lần. Nếu trước đây, một tuần nhậu 4 lần thì giờ chỉ cuối tuần tôi mới nhậu. Mỗi khi có việc đi Hà Nội, tôi toàn đi máy bay nhưng nay thì đi tàu cho rẻ. Xăng tăng giá, giờ thật cần thiết mới lái ô-tô ra đường” - Anh Quang nói.

Còn với Mai Phương, vợ của giám đốc một công ty tư nhân nhỏ đang hoạt động hiệu quả, bản thân thu nhập cũng khá nên lâu nay cô vẫn có thói quen mua sắm “thả phanh”. Thứ gì cô mua cũng phải nhất: Đồ ăn ngon nhất, quần áo đẹp nhất, thích gì mua nấy không hề suy nghĩ hay mặc cả. Nhưng gần đây, Phương đã phải suy nghĩ lại, tính toán chặt chẽ hơn khi mua sắm, bởi bao nhiêu tiền cũng hết theo đà tăng giá, tiền để dành thì ngày càng ít. Cô đã ngừng chạy theo mốt, chỉ sắm sửa những gì thật cần thiết. “Ông xã dự định mua một chiếc ô-tô để tiện đưa vợ con đi làm, đi học và tiện cho công việc, nhưng giá xăng tăng thế này thì đành tạm gác lại” - Phương nói. Dự định cho con gái nhỏ theo học ở trường tiểu học chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế trong thành phố cũng phải bỏ và thay vào đó là một trường công lập với mức phí thấp hơn.

Đấy chỉ là những ví dụ về việc cắt giảm chi tiêu thời “bão giá”. Và trong khi chờ đợi  Chính phủ có những chiến lược để bình ổn giá, thì mỗi người tiêu dùng hãy là nhà thông thái, chi tiêu hợp lý để đứng vững trước cơn bão giá này.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.