.

Tiết giảm chi tiêu

.

Nhằm giúp doanh nghiệp (DN) có thêm thông tin, trao đổi về giải pháp tháo gỡ những bất lợi, khó khăn trong tình hình mới khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, Trung tâm Thông tin xúc tiến thương mại Đà Nẵng phối hợp với Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Trung tâm Nghiên cứu doanh nghiệp và kinh doanh - BSA tổ chức hội thảo với chủ đề “Những chính sách kinh tế vĩ mô 2011 và giải pháp của doanh nghiệp” diễn ra sáng 16-3 tại Đà Nẵng.

 

Mô tả ảnh.
Hội thảo thu hút hơn 200 DN của Đà Nẵng tham gia. Ảnh: TRỌNG HÙNG

 

Tại hội thảo, bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế - đã phân tích những thách thức của nền kinh tế vĩ mô năm 2011. Theo bà Phạm Chi Lan, những mối lo ở thời điểm hiện tại như hệ số tín nhiệm ở những nhà đầu tư nước ngoài cũng như những nhà đầu tư trong nước đang bị chấn động mạnh; lạm phát cao và nguy cơ lạm phát vẫn ở mức cao do các yếu tố gây ra lạm phát vẫn còn đó; thị trường tự do vẫn tiếp tục tăng sau khi Nhà nước đã có những động thái điều chỉnh tỷ giá. Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 3 năm gần đây liên tục tăng cao hơn tốc độ phát triển kinh tế (GDP).

15 năm qua, lạm phát tăng mạnh, trong khi tăng trưởng giảm. Đặc biệt, mức bội chi ngân sách ngày càng lớn, thể hiện thông qua tỷ trọng bội chi ngân sách trong GDP ngày càng lớn… Để giải quyết những bất ổn về vấn đề kinh tế trong thời điểm hiện nay, vấn đề cốt lõi là Nhà nước, các ngành, địa phương cần thay đổi tư duy, có tham mưu và phối hợp tốt; không chạy theo mục tiêu ngắn hạn và kiên quyết vì lợi ích chung của nền kinh tế. Về phía DN, cần phải chủ động nắm bắt thông tin từ nhiều phía, chính sách quản lý của Nhà nước, tình hình thị trường; chủ động tìm kiếm cơ hội cải cách, tái cấu trúc DN và hơn hết là tăng cường liên kết, hợp tác trong chuỗi cung ứng; hết sức tiết kiệm chi phí…

Cũng tại hội thảo, các DN của thành phố Đà Nẵng đã đưa ra những đề xuất về những giải pháp để vượt qua khó khăn, trong đó tập trung chủ yếu vào các giải pháp như cần có sự chia sẻ giữa chuỗi cung ứng và các nhà cung cấp, tập trung cho các sản phẩm phù hợp với nhu cầu hiện tại… Ông Phan Hải, Giám đốc Công ty Giày BQ cho rằng, để kiềm chế sự tăng giá của sản phẩm, hàng hóa, tự thân mỗi DN cần có ý thức trong việc tiết giảm chi tiêu không cần thiết để bù vào phần tăng giá. Ông Hải cũng cho rằng, Nhà nước nên có những chính sách hỗ trợ DN trong những dự án sản xuất những sản phẩm mang hiệu suất cao. Về lâu dài nên có quy định chặt chẽ hơn về rào cản kỹ thuật để hạn chế hàng ngoại kém chất lượng, cạnh tranh không lành mạnh với hàng trong nước.

Cũng theo ông Hải, trong những tháng đầu năm 2011, tình trạng biến động về giá đã gây không ít khó khăn cho DN. So với cùng kỳ năm 2010, mức tăng trưởng của công ty đã thấp hơn khoảng 10% so với mục tiêu đề ra. “Trước mắt DN sẽ chuẩn bị những giải pháp  tạm thời để đối phó với những biến động của nền kinh tế như hiện nay. Tuy nhiên, trong thời gian tới, chúng tôi buộc phải cân đối lại chiến lược kinh doanh, kế hoạch đầu tư cho hợp lý”, ông Hải nói.

Cùng quan điểm, ông Hứa Tự Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến thương mại Đà Nẵng cũng cho rằng: Tình trạng giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao như điện, nước, xăng dầu, sắt, thép, phân bón… cùng với tỷ giá đồng đô la Mỹ biến động mạnh, lãi suất ngân hàng tăng cao nên các DN xuất nhập khẩu đã gặp không ít khó khăn. Ông Anh cho rằng, phần lớn các DN xuất nhập khẩu trên địa bàn Đà Nẵng là những DN vừa và nhỏ, nên khi có biến động về thị trường, đa số DN không dám đầu tư sản xuất; thậm chí có nhiều DN phải điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận xuống thấp hơn nhiều so với năm 2010 và cũng có không ít DN đã chuyển mục tiêu từ có lãi sang mục tiêu đứng vững thị trường.

Trọng Hùng

 

;
.
.
.
.
.