.

Hàng Tết sẵn sàng về nông thôn

.

Tính từ đầu năm đến nay, Co.op Mart Đà Nẵng đã thực hiện thành công 15 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn và các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố và các địa bàn lân cận, bán hàng với giá bình ổn, giảm từ 5% đến 50% so với bình thường.

Các doanh nghiệp cam kết giữ vững ổn định nguồn hàng, giá cả (ảnh trái). Công ty Đắc Vinh sẽ tổ chức bán lưu động thịt heo với giá thấp hơn so với thị trường.
Các doanh nghiệp cam kết giữ vững ổn định nguồn hàng, giá cả (ảnh trái). Công ty Đắc Vinh sẽ tổ chức bán lưu động thịt heo với giá thấp hơn so với thị trường.

Trung bình mỗi đợt thu hút 2.000 – 3.000 lượt khách tham quan và mua sắm, tổng doanh thu bán hàng khoảng 200 triệu đồng/đợt, qua đó tạo cơ hội mua sắm cho đối tượng thu nhập thấp.  Đến nay, siêu thị cũng đã hoàn thành kế hoạch dự trữ nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm với tổng giá trị ước khoảng 50 tỷ đồng và cam kết tiếp tục giữ ổn định giá.

Theo ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Co.op Mart Đà Nẵng, ngoài việc tập trung phục vụ cho người dân đến mua sắm tại Co.op Mart Đà Nẵng, từ nay đến Tết, đơn vị sẽ tổ chức 4 chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhân dân vùng còn khó khăn, xa trung tâm thành phố, phục vụ công nhân các khu công nghiệp. “Chúng tôi sẽ mở rộng thêm nhiều điểm bán hàng lưu động phục vụ nhân dân lao động ở vùng sâu, vùng xa. Nguồn hàng dự trữ hiện có trong kho rất lớn, bảo đảm có thể phục vụ tối đa nhu cầu của bà con”, ông Võ Hoàng Anh cho hay.

Dù chưa có kế hoạch đưa hàng lên miền núi, nhưng Siêu thị Big C cho biết đã đàm phán thành công với các nhà cung cấp trong việc chuẩn bị đủ nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm, số lượng đến thời điểm này đã tăng gấp 4 lần so với các tháng trước và cam kết bình ổn giá cả, trừ các mặt hàng tươi sống. Siêu thị này cũng tăng tuyến xe buýt miễn phí lên 20 chuyến mỗi ngày, đưa người tiêu dùng từ các vùng ven thành phố về mua sắm tại Siêu thị Big C. Ngoài ra, Big C cũng tăng số lượng và quy mô các chương trình khuyến mãi từ nay đến cuối năm và đầu năm tới để giảm gánh nặng chi phí tiêu dùng cho nhân dân.

Tham gia vào mạng lưới phân phối và bán lẻ hàng hóa ở địa bàn nông thôn còn có Công ty Kỹ nghệ súc sản Vissan tại Đà Nẵng. Đơn vị này đã có kế hoạch tổ chức hơn 500 điểm bán hàng trên toàn thành phố, kể cả các điểm bán hàng cố định tại xã Hòa Tiến, Hòa Phong…

Ông Lê Viết Tươi, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Sở đã giao nhiệm vụ cho Chi cục Quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, kiểm soát; ngăn chặn gian lận thương mại, tích lũy đầu cơ. Vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ 3,5 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vay không lấy lãi để chuẩn bị nguồn thịt heo, rau xanh và gạo phục vụ Tết Nhâm Thìn. Cùng với việc dự trữ hàng Tết tại các siêu thị, hệ thống chợ và các cửa hàng, Sở cũng đã đề xuất UBND thành phố về việc tổ chức bán hàng bình ổn giá tại một số địa phương phục vụ đồng bào khu vực nông thôn, miền núi, đưa hàng tới các khu công nghiệp, để tạo ra nhiều điểm bán hàng Tết với giá bình ổn. Cụ thể, sẽ tổ chức đưa 3 chuyến hàng thiết yếu về các xã miền núi như Hòa Phú, Hòa Bắc và 5 Phiên chợ hàng Việt về các khu công nghiệp.

Ông Trần Văn Đạm, Chi cục trưởng Chi cục QLTT thành phố cho hay, trong thời gian từ nay đến Tết Nhâm Thìn 2012, các Đội QLTT chú trọng hơn đến khu vực ngoại thành, nhằm kiểm tra, kiểm soát tình hình giá cả, chất lượng hàng hóa, tránh tình trạng tư thương lợi dụng cơ hội đưa hàng kém phẩm chất về nông thôn.

Bài và ảnh: Duyên Anh
 

;
.
.
.
.
.