.

Nợ đọng thuế

.

Theo báo cáo của Cục Hải quan và Cục Thuế, hiện tại con số nợ đọng thuế của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn xấp xỉ 737 tỷ đồng. Trong đó, nợ quá hạn và nợ khó thu gần 160 tỷ đồng. Nguyên nhân của các khoản nợ do ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật của một số DN chưa cao, còn lợi dụng sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp, lợi dụng chính sách ân hạn thuế của Nhà nước để chây ỳ nợ thuế, không nộp thuế đúng hạn, sau đó bỏ trốn hoặc tự giải thể.

Khó khăn trong SXKD là một trong những lý do làm cho DN phải nợ thuế. (ảnh có tính chất minh họa).
Khó khăn trong SXKD là một trong những lý do làm cho DN phải nợ thuế. (ảnh có tính chất minh họa).

Trên thực tế, việc thu hồi nợ thuế luôn là bài toán khó đối với các cơ quan quản lý. Mặc dù đã có nhiều biện pháp được triển khai, có thể nói là quyết liệt, nhưng kết quả đem lại vẫn chưa như mong muốn. Theo ông Đào Thế Nhựt, Phó Cục trưởng Cục Hải quan, trước tình hình nợ đọng thuế kéo dài của nhiều DN, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức xác minh thông tin tài khoản tiền gửi của DN tại ngân hàng để áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tài khoản tiền gửi nộp ngân sách Nhà nước, đồng thời thành lập tổ xử lý nợ tại văn phòng Cục và các Chi cục trực thuộc…

Tuy nhiên, trước những khó khăn về sản xuất kinh doanh và cũng do nhiều lý do khác, việc nợ đọng thuế vẫn tiếp diễn tại nhiều doanh nghiệp. Đáng chú ý là rất nhiều DN đã bỏ trốn, “mất tích”, hoặc ngừng hoạt động. Riêng đối với ngành Hải quan, hiện có 12 DN thuộc loại này với số thuế nợ đọng gần 2,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, số thuế nợ của các DN giải thể lên đến 42,9 tỷ đồng, DN phá sản gần 6 tỷ đồng… Ngoài ra, số DN nợ đọng thuế trên 90 ngày cũng tăng đột biến từ con số 7 DN năm 2010 lên 49 DN năm 2011 với số thuế nợ tăng trên 64 tỷ đồng.

Đứng trước bài toán khó, gây thất thu thuế, ngành Thuế cũng như ngành Hải quan thành phố đã phải áp dụng rất nhiều biện pháp để thu tất cả các khoản thu cho ngân sách Nhà nước. Đối với nhóm đối tượng nợ thuế, bên cạnh việc đốc thúc doanh nghiệp nộp thuế, cơ quan thu thuế còn tạo nhiều điều kiện để doanh nghiệp thuận tiện hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình như: Đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét xóa một số khoản nợ tồn đọng như nợ của doanh nghiệp đã giải thể, phá sản trong giai đoạn trước khi thực hiện Luật Quản lý thuế, hay các trường hợp miễn phạt do phát sinh từ các nguyên nhân khách quan khác…

Vừa qua, Cục Thuế đã mời các doanh nghiệp còn nợ đọng đến cơ quan thuế để xác định tình hình tài chính của mình, xác định thời gian, lộ trình nộp thuế; tập trung phân tích, nắm bắt thông tin về người nợ thuế, thụ lý hồ sơ để tiến hành cưỡng chế nợ theo quy định. Theo lãnh đạo Cục Thuế, tính đến 30-11, cơ quan thuế đã thông báo nợ thuế, tiền phạt đến 29.779 lượt đơn vị, lập giấy mời đến làm việc tại cơ quan thuế 794 lượt, yêu cầu cung cấp số hiệu, số dư tài khoản của 689 đơn vị; ban hành quyết định cưỡng chế phong tỏa tài khoản của 1.747 đơn vị, lập lệnh thu qua ngân hàng 174 lượt đơn vị và đăng báo 60 DN có số thuế nợ lớn, chây ỳ… Theo các cơ quan Hải quan và Cục Thuế, để giải quyết tốt việc thu hồi nợ đọng, cần có sự hỗ trợ, phối hợp của các cơ quan chức năng khác như Công an, Ngân hàng, Thanh tra…

Bài và ảnh: Nhật Anh

;
.
.
.
.
.