.

Cảng Đà Nẵng: Thành công từ chuyển hướng đầu tư

.

7 tháng đầu năm, tổng lượng hàng hóa thông qua Cảng Đà Nẵng đạt trên 2,6 triệu tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Riêng hàng container tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt 79.000 Teus, tăng 34% so với năm 2011. Đặc biệt trong tháng 7 vừa qua, dù đang trong mùa thấp điểm của vận tải đường biển, thế nhưng lần đầu tiên Cảng đã chạm mốc 12.300 Teus hàng container thông qua cảng. Điều gì đã giúp Cảng Đà Nẵng có được thành công ấn tượng này?

Vận chuyển hàng container đang là một thế mạnh của Cảng Đà Nẵng.
Vận chuyển hàng container đang là một thế mạnh của Cảng Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Hữu Sia, Phó Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng phân tích: Mặc dù tỉnh nào ở miền Trung cũng có cảng biển, nhưng tất cả đều là cảng hàng rời, vì vậy khả năng cạnh tranh không cao, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh về giá cước vận chuyển, thời gian vận chuyển, bảo đảm an toàn hàng hóa rất gay gắt, thì các cảng rời không thể giải quyết bài toán này. Ngược lại, với đặc điểm của cảng container thì đó chính lại là ưu điểm vượt trội, vì vậy khi hệ thống cảng container của Cảng Tiên Sa được nâng cấp, ngay lập tức đã tạo nên một sức hút tốt với các nhà sản xuất lẫn nhà vận chuyển đường biển trong và ngoài nước. Thực tế vài năm gần đây, cả giá cước vận tải lẫn thời gian vận chuyển hàng container từ Cảng Tiên Sa liên tục được rút ngắn. Ví dụ, trước đây một chuyến tàu từ Đà Nẵng đi Hồng Kông phải mất 7 ngày, nay rút xuống còn khoảng 5-6 ngày; đi Đài Loan khoảng 8-9 ngày, rút xuống còn 6-7 ngày; đi Singapore từ 5 ngày xuống còn 4 ngày... Bên cạnh đó, giá cước cũng giảm mạnh, ví dụ một container hàng loại 20 feet từ Cảng Tiên Sa đi Đài Loan hơn một năm trước 300 USD thì nay còn 200-250 USD, đi Hồng Kông từ mức 220 USD giảm xuống 180-200 USD, đi Trung Quốc từ 400 USD giảm xuống khoảng 250-300 USD... Đặc biệt từ đầu năm đến nay, mặc dù giá xăng dầu trên thị trường liên tục biến động tăng là chính, thế nhưng giá cước tại Cảng Đà Nẵng vẫn không thay đổi, đây là điều được khách hàng đánh giá cao.

Bên cạnh đó, công tác tiếp thị mở rộng thị trường cũng được quan tâm đặc biệt. Theo ông Sia, “trước đây Cảng Đà Nẵng chỉ ngồi một chỗ để chờ khách hàng đến ký các hợp đồng vận chuyển, nhưng bây giờ chuyện đó không còn nữa, thay vào đó là phải đến từng khách hàng để giới thiệu về mình, cũng như tư vấn chọn phương thức vận chuyển tốt nhất, để từ đó họ chọn lựa. Nhờ cách làm này mà ngoài việc giữ được thị trường truyền thống, Cảng Đà Nẵng cũng ký được nhiều hợp đồng vận chuyển hàng hóa cho các doanh nghiệp phía Bắc như Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế. Hiện nay, mặt hàng gỗ, cát và hàng nông sản từ Nghệ An, Quảng Bình… trước đây chủ yếu vận chuyển bằng đường bộ ra Cảng Hải Phòng, sau đó mới xuất đi nước ngoài bằng đường biển, nay nguồn hàng này đã chuyển vào Đà Nẵng vì giá cước cạnh tranh và thủ tục nhanh gọn hơn. Đặc biệt, mặt hàng giày da, túi xách, quần áo... của các doanh nghiệp từ Quảng Ngãi đến Quảng Trị đều vận chuyển về Cảng Đà Nẵng bằng đường bộ, để sau đó chuyển sang vận tải bằng đường biển. Theo các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, lý do chọn Cảng Đà Nẵng vì giá cước đường biển giảm mạnh, cùng với việc rút ngắn đoạn đường vận chuyển bằng đường bộ đã giúp tiết kiệm chi phí đầu ra, từ đó tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.

Mục tiêu phấn đấu của Cảng Đà Nẵng là trong năm 2012 đạt 4,3 triệu tấn hàng hóa thông qua cảng. Tuy nhiên, với kết quả sản xuất kinh doanh từ đầu năm đến nay, Cảng Đà Nẵng quyết tâm năm nay sẽ đạt mức 4,4 triệu tấn hàng.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN
 

;
.
.
.
.
.