.

Đột phá trong sản xuất

.

Tiếp sau vụ đông xuân được mùa, năng suất lúa đạt hơn 60 tạ/ha, cao nhất kể từ trước đến nay, huyện Hòa Vang đang khai thác tiềm năng, phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế nhằm tạo bước đột phá trong sản xuất, cải thiện thu nhập.

Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi cá nước ngọt cho nông dân.
Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi cá nước ngọt cho nông dân.

Mấy năm gần đây, thôn miền núi Trường Định (xã Hòa Liên) là điểm sáng phát triển kinh tế hộ từ nuôi tôm nước lợ. Với 12ha ao hồ, một năm nuôi 2 vụ, 16 gia đình đang có mức thu nhập hàng tỷ đồng, điều mà hàng chục năm trước không ai dám mơ tới. Điển hình trong “làng” nuôi tôm phải kể đến ông Hồ Văn Hổ với 4ha hồ xây dựng khá cơ bản. Năm 2011, cả 2 vụ đều trúng đậm, năng suất 4,5-5 tấn/ha/vụ, ông thu khoảng 4 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi ròng 1,8 tỷ đồng. Ông cho biết: Trải qua nhiều nghề, rốt cuộc không hiệu quả bằng nuôi tôm. Năm nay, nhiều khả năng năng suất tương đương năm ngoái. “Hồi đó không mạnh dạn bán nhà hàng, về quê đầu tư đào ao thả tôm, bây giờ làm gì có cơ hội thu tiền tỷ/năm như hiện nay. Quả là mạnh dạn khai thác tiềm năng, đầu tư đúng hướng, nuôi tôm thu nhập đâu thua kém các hoạt động kinh tế khác. Sau lứa tôm này sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng ao nuôi thêm vài ba ha nữa”, ông Hổ cho biết.

Nhiều năm thu tiền tỷ từ nuôi tôm, ông Hồ Văn Hai (anh ruột ông Hổ) cho biết chỉ trong phạm vi 1,7ha ao nuôi, năm ngoái thu 1,1 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí, lãi ròng 600 triệu đồng. Năm nay, nếu không gặp bất lợi về thời tiết, nhiều khả năng cũng thu như vậy. Ông Hai cho rằng thu nhập từ 1,7ha ao tôm bằng nguồn thu của 40-50ha lúa. Theo ông, mở rộng quy mô vùng tôm Trường Định là vô cùng cần thiết. Hiện tại, khoảng 60ha đất lúa kém màu mỡ, không chủ động nước tưới, thu nhập rất thấp là quỹ đất khá lớn để phát triển vùng tôm.

Tin vui cho thôn Trường Định là UBND huyện Hòa Vang đã có chủ trương mở rộng vùng tôm thêm 35-40ha nữa. Ông Trần Văn Trường, Chủ tịch UBND huyện cho rằng, mở rộng nuôi tôm là mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều gia đình và đây là hướng đi tốt nhất ở Hòa Liên. Ông Võ Văn Thành, trưởng thôn Trường Định nhận định, với điều kiện thổ nhưỡng và nước tưới ở Trường Định, chuyển đất lúa sang nuôi tôm là hợp lý nhất. Có như vậy, đời sống, thu nhập người dân mới cải thiện. Còn Trưởng phòng NN&PTNT huyện Huỳnh Văn Thới cho biết có một số giải pháp đã được đặt ra. Tuy vậy, khó khăn nhất là kinh phí đầu tư. Nhân dân rất quyết tâm, song vốn liếng hạn chế. Để chuyển đổi hàng chục ha đất lúa sang nuôi tôm cần vốn đầu tư lớn và chỉ có thể thành hiện thực khi có sự hỗ trợ kịp thời của thành phố, bằng việc triển khai dự án nuôi tôm.

Ngành nông nghiệp Hòa Vang đang khai thác tiềm năng, lợi thế về nguồn nước từ hồ Đồng Nghệ, đồi núi ở các xã miền núi đẩy mạnh nuôi cá nước ngọt, nuôi dê bách thảo… Đến nay, tại 2 xã Hòa Phong, Hòa Khương, hơn 100 hộ nuôi cá nước ngọt trên phạm vi gần 200ha. Nhiều gia đình ăn nên làm ra từ hoạt động này. Hoặc như từ nguồn hỗ trợ 160 con giống, 20 hộ ở 8 xã trung du, miền núi đã nuôi dê bách thảo rất hiệu quả. Mới bước sang năm thứ 2, tổng đàn dê tăng thêm 40-50 con. Phát triển nhanh và ổn định là đàn dê của các hộ Trần Tứ ở thôn Nam Thành (xã Hòa Phong), Phạm Văn Bạn ở thôn Phước Sơn (xã Hòa Khương), Trần Văn Phúc ở thôn An Châu (xã Hòa Phú).

Ngoài ra, ngành nông nghiệp Hòa Vang đặc biệt chú trọng đến phát triển mô hình kinh tế quy mô nông hộ, bằng cách hỗ trợ cây, con giống, tiến bộ KHKT, tạo điều kiện về vốn vay và cả vật tư, thiết bị. Từ sự hỗ trợ thiết thực và hiệu quả này, hàng trăm hộ có hướng làm ăn hiệu quả, cải thiện thu nhập. Đơn cử như gia đình ông Hồng Văn Định ở thôn Hòa Trung (xã Hòa Ninh), sau khi được Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến ngư- nông-lâm hỗ trợ 170 cây tre giống và 100 con gà, tập huấn kỹ thuật chu đáo, đã vươn lên là hộ khá giả. Ông đã có nguồn thu 50-70 triệu đồng/năm từ măng tre điền trúc và nuôi gà an toàn sinh học. Sau khi được Phòng giao dịch Hòa Sơn thuộc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Hòa Vang cho vay 500 triệu đồng, ông Lê Văn Tám ở thôn 1 (xã Hòa Ninh) đã đầu tư trồng hơn 2.000 cây ổi và 500 bụi tre lấy măng, nuôi hàng trăm con gà thả vườn. Chỉ mới gần 2 năm đầu tư, đến nay ông Tám đang hái quả ngọt khi thu lứa ổi đầu tiên mà theo ông nhiều khả năng sẽ đạt 200 tấn/năm. Với ông Lê Ích Dũng ở thôn Khương Mỹ (xã Hòa Phong), nuôi cá đã khởi sắc hẳn khi Phòng NN&PTNT huyện, Trung tâm Khuyến ngư-nông- lâm hỗ trợ 1 máy nổ và 3 giàn sục khí. Ông cho biết 4-5 năm nay chỉ nuôi quảng canh, một năm thu hơn 1 tấn là nhiều. Nay có máy sục khí, nuôi thâm canh, nhiều khả năng 6 sào ao thu 3-4 tấn cá điêu hồng/năm, lãi ròng 100 triệu đồng/năm trong tầm tay.

Không thể kể hết các điển hình nông dân sản xuất giỏi. Mỗi hộ mỗi kiểu và quy mô riêng, nhưng có điểm giống nhau là rất nỗ lực, mạnh dạn đầu tư và đều nhận sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả từ ngành nông nghiệp huyện và thành phố. Ông Huỳnh Văn Thới cho biết thêm: Bộ mặt nông thôn chỉ có thể thay đổi khi đời sống mỗi nhà được nâng lên. Để đời sống cải thiện, không có cách nào khác hơn đó là đẩy mạnh sản xuất. Tùy điều kiện từng vùng và từng gia đình, Phòng đã triển khai các chương trình phát triển kinh tế khá phù hợp, nhờ vậy mà nông dân đều phát huy nội lực của mình.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.