Hoạt động đánh bắt hải sản ở quận Sơn Trà đã khởi sắc khi nhiều chủ tàu mạnh dạn đầu tư nâng công suất và đóng mới tàu công suất lớn vươn khơi. Hiện tại, ở Sơn Trà có 107 tàu công suất từ 90 CV trở lên, chiếm gần 2/3 tàu đánh bắt xa bờ cả thành phố, tăng 31 chiếc so năm 2010. Hai phường có số tàu đánh bắt xa bờ nhiều nhất là Nại Hiên Đông 43 chiếc, An Hải Bắc 38 chiếc. Từ đầu năm đến nay, ngư dân đánh bắt 12 nghìn tấn hải sản các loại, tăng so cùng kỳ năm ngoái gần 10%.
Sản phẩm từ tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Sơn Trà. |
Biết cặp tàu đánh bắt xa bờ của lão ngư kỳ cựu Phạm Phương ở tổ 29, phường An Hải Bắc, vừa trở về sau chuyến biển 20 ngày từ ngư trường xa, chúng tôi đến Cảng cá Thọ Quang khi trời chưa sáng hẳn. Tuy bận rộn với việc bán cá, nhưng ông Phương rất cởi mở khi chúng tôi hỏi về tình hình sản xuất trên biển. “Không như trước đây, ra khơi chủ yếu là tàu của ngư dân mình. Chuyến này vừa chớm vùng biển Hoàng Sa đã thấy lố nhố nhiều tàu cá của Trung Quốc. Biết sẽ khó khăn, song đã ra đến nơi rồi cũng phải buông lưới đánh bắt. Thật may, không bị gây khó dễ gì. Tuy vậy, năng suất không đạt lắm, mỗi tàu chỉ khoảng 7-8 tấn. Bán hết cá, khả năng thu 450 đến 500 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 50-60 triệu đồng”, ông cho biết. Theo ông Phương, cặp tàu đánh bắt xa bờ này đi 6 chuyến biển từ đầu năm đến nay, đưa về gần trăm tấn cá. Nghề này quanh năm bám biển, mỗi tháng chỉ ở nhà được vài ba ngày. Phải tranh thủ từng ngày, bởi vài ba tháng nữa, bão gió dồn dập, muốn ra khơi cũng đành chịu. Ông cho biết tàu ĐNa 90525 công suất 450 CV hạ thủy đã lâu, nay rất cần đóng mới tàu lớn hơn thay thế, nhưng kẹt vốn. Ra biển gặp tàu sắt của ngư dân Trung Quốc to gấp 2-3 lần tàu ngư dân mình, cảm thấy đánh bắt hải sản trên biển của ta bị lép vế.
Cũng tại Cảng cá Thọ Quang, chúng tôi gặp ông Nguyễn Thân, ở tổ 28 phường An Hải Bắc, thuyền trưởng tàu ĐNa 90269 đang chuẩn bị ra khơi. Ông cho biết, tàu cập cảng 4 ngày trước đưa về gần chục tấn cá, bán được hơn 400 triệu đồng, lãi 45 triệu đồng. Chuyến này dự kiến đi 15 ngày tại ngư trường Hoàng Sa. Mặc dù ngoài đó đang “nổi sóng”, song ngư dân đều quyết tâm, hơn nữa đánh bắt tại đó quen rồi. Đây là chuyến thứ 7 kể từ đầu năm. Cố gắng bám biển vài chuyến nữa nghỉ mùa mưa bão. Tìm hiểu thêm, chúng tôi biết ông đang lập dự án xin vay vốn đóng mới tàu công suất gần 1.000 CV. Năm nay, cặp tàu của thuyền trưởng ngoài 40 tuổi này đánh bắt rất hiệu quả. Có chuyến chỉ trong vòng 2 tuần, trúng đậm thu 900 triệu đồng.
Nói về hoạt động đánh bắt hải sản của địa phương, ông Võ Văn Xừng, cán bộ phụ trách thủy sản phường An Hải Bắc, cho biết so năm 2010, số lượng tàu giảm nhưng công suất tăng. Từ đầu năm đến nay, 10 tàu đã nâng công suất thêm 2.000 CV. Hiện tại, ngoài các ông Phạm Phương, Nguyễn Thân nêu trên, các ông Lê Văn Xí ở tổ 28, Lê Văn Khăng ở tổ 24 cũng có cặp tàu đánh bắt rất hiệu quả. Nhiều năm nay, các chủ tàu và là thuyền trưởng này đều là Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp quận và thành phố.
Tàu đánh bắt xa bờ của phường Mân Thái không nhiều, nhưng hiện tại có tàu công suất lớn nhất của ngư dân miền Trung 948 CV, đó là tàu ĐNa 90567 của ông Trần Văn Mười, hạ thủy tháng 2-2012. Từ đó đến nay, tàu này liên tục bám biển với nghề câu mực khơi. Hiện tại tàu đang đánh bắt chuyến thứ 3 tại vùng biển phía Nam. Mặc dù giá mực giảm chỉ còn 50 nghìn đồng/kg hiện nay, song tàu này vẫn chưa tính chuyện đổi nghề. Ông Trần Văn Mười cho biết tàu công suất lớn, khi ra khơi đánh bắt không chỉ ngư dân mà người ở nhà cũng yên tâm. Có điều không được phấn khởi cho lắm do giá mực xuống thấp quá.
Bám biển ở ngư trường xa bờ đang là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong thời điểm hiện nay. Việc ngư dân Sơn Trà bất chấp những áp lực trên biển, nỗ lực vươn khơi bám biển tại các ngư trường đáng được ghi nhận. Và họ rất cần sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả từ chính quyền các cấp và cơ quan chức năng. Trong đó, việc đầu tư chuyển đổi ngành nghề đánh bắt và hỗ trợ vốn vay ưu đãi để đóng mới tàu cá công suất lớn hơn là vấn đề cần phải tính đến.
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU