.

Thu nhập cao từ trồng rừng

.

Nhân chuyến công tác cùng với Hạt Kiểm lâm Hòa Vang về kiểm tra bảo vệ rừng, tôi được anh Lê Đình Thám, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Hòa Vang giới thiệu một người trồng rừng khá nổi tiếng trên địa bàn là anh Huỳnh Tam.

Anh Huỳnh Tam (bìa phải) đang giới thiệu khu rừng trồng của mình.
Anh Huỳnh Tam (bìa phải) đang giới thiệu khu rừng trồng của mình.

Chúng tôi tới thăm mô hình trồng rừng kinh tế của gia đình anh ở xã Hòa Khương. Theo lời anh kể, trước đây là cán bộ của Xí nghiệp Liên hiệp Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ), vì thế anh có nhiều thuận lợi trong việc triển khai trồng và chăm sóc rừng. Với những kiến thức đã được học và tích lũy qua công việc, anh nhận đất giao khoán để trồng rừng khi Nhà nước có chủ trương cho dân nhận đất trồng rừng.

Ban đầu gia đình anh được nhận vài hec-ta đất đồi và bỏ hoang, vì vậy phải tập trung đầu tư cải tạo để trồng rừng bằng cây bạch đàn và keo. Không ngại khó khăn, vất vả, hằng ngày anh cùng vợ cần mẫn đào từng hố đất, ươm từng mầm xanh. Qua thời gian, thấy trồng rừng đem lại hiệu quả, anh lại nhận thêm nhiều hec-ta đất rừng nữa để trồng keo, bạch đàn. Đến nay, cùng với những người trong “hội” trồng rừng, anh nhận quản lý và trồng hơn 350ha rừng. Hơn 10 năm trở lại đây, thu nhập từ rừng trồng của gia đình anh đạt trên 500 triệu đồng/năm, khá ổn định. Từ nguồn thu đó, cuộc sống khó khăn trước đây lùi dần, gia đình anh đã xây được nhà cửa khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt và cả ô-tô.

Chuyện trò với chúng tôi, anh cho biết bằng kinh nghiệm trồng rừng của mình, anh chọn lựa các loại giống cây phù hợp với chất đất nơi đây. Mỗi cánh rừng, mỗi quả đồi, anh đều quy hoạch chi tiết. Anh làm đường giao thông liên khoảnh, liên lô để thuận lợi cho việc chăm sóc, bảo vệ và vận chuyển. Ban đầu anh trồng với mật độ dày, sau đó tỉa cây bán dần, vừa tận dụng quỹ đất, vừa tạo nguồn thu trước mắt. Khi tỉa đến mật độ thích hợp, anh dừng lại và chăm sóc cây thành cây lấy gỗ, không bán cây làm nguyên liệu giấy như nhiều hộ khác đang làm. Với cách làm này, rừng của anh luôn đạt hiệu quả kinh tế cao.

Khác với nhiều rừng trồng trên địa bàn, thu nhập từ rừng của anh thường gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi, dù cùng diện tích, cùng chăm sóc như nhau. Và bí quyết để có được điều này, đó là chất lượng cây giống. Để có giống cây tốt, anh phải vào tận TP. Hồ Chí Minh và Tam Kỳ mua cây giống. Ngoài việc được đào tạo bài bản về ngành lâm nghiệp, anh còn tích cực, chủ động phối hợp với phòng nông nghiệp, trạm khuyến nông và các công ty lâm nghiệp cung ứng cây giống, phân bón, tập huấn khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Do làm đúng kỹ thuật, nên rừng của anh phát triển nhanh và đều. Mặt khác, do tự túc được vốn đầu tư nên anh có nhiều phương án cho việc trồng mới cũng như khai thác rừng sao cho hiệu quả nhất.

Trên con đường mới mở dẫn vào vùng đồi rừng trồng của gia đình anh, hai bên đường là những hàng keo lai thẳng tắp cao lớn đang đến mùa thu hoạch. Chỉ tay vào gốc keo lai to hơn bắp chân người, anh bảo rừng keo này mỗi ha sẽ cho 200 tấn gỗ, tính ra mỗi ha sẽ cho thu nhập khoảng 85 triệu đồng. Ngoài ra, để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất, anh còn tính toán cặn kẽ các khoản chi phí khác như mở đường, phân bón, công chăm sóc... Chỉ riêng việc mở đường vào khai thác, anh chấp nhận mở đường xa hơn nhưng phải bảo đảm được xe vào tận nơi, không phải vận chuyển cách quãng. Cách làm này đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Đất không phụ công người, đến nay anh đã có hàng chục héc-ta rừng trồng. Giờ đây về Hòa Vang hỏi anh Huỳnh Tam trồng rừng thì ai cũng biết. Mặc dù đã có của ăn của để nhưng anh vẫn miệt mài trên con đường làm giàu từ rừng…

Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN

;
.
.
.
.
.