Thời gian gần đây, hàng thủ công mỹ nghệ ở Đà Nẵng phần nào tạo được uy tín trên thị trường về mẫu mã, chất lượng và giá thành. Tuy nhiên, để đủ sức cạnh tranh, bước đầu xây dựng thương hiệu trong tương lai, các cơ sở sản xuất này cần đầu tư nhiều hơn nữa.
Lao động tham gia lớp đào tạo nghề do TTKC & TVPTCN ĐN tổ chức (Ảnh chụp tại HTX Bảo Trung). |
Nhìn vào bản hợp đồng của HTX Chế biến kinh doanh hàng xuất nhập khẩu Bảo Trung ở xã Hòa Nhơn (Hòa Vang) ký với đối tác Nhật Bản xuất khẩu 60 nghìn sản phẩm mỹ nghệ bằng mây tre trị giá 370 nghìn USD trong năm 2012, có thể thấy, mặt hàng do cơ sở này sản xuất đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Bởi, thị trường Nhật Bản nổi tiếng khó tính, yêu cầu rất cao về chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Hơn 60% người Nhật hiện nay có xu hướng sử dụng sản phẩm cao cấp và chấp nhận bỏ nhiều tiền để được sử dụng những sản phẩm bền, đẹp. Ông Hà Tấn Vĩnh, Phó Chủ nhiệm HTX chia sẻ, để có được hợp đồng kinh tế này, 2 bên đã có khoảng 6 tháng tìm hiểu. Thời gian đó, đối tác ở Nhật Bản đã cử chuyên gia đến HTX thẩm định về năng lực sản xuất kinh doanh, tay nghề của người lao động lẫn chất lượng sản phẩm.
Được biết, HTX Chế biến kinh doanh hàng xuất nhập khẩu Bảo Trung thành lập năm 1999, tiền thân là tổ hợp tác làm hàng thủ công mỹ nghệ mây tre. Với diện tích nhà xưởng 15.000m2, 100% sản phẩm làm ra xuất khẩu đi các nước, HTX hiện có khoảng 50 lao động chính và 200 lao động thời vụ, mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người. Ngoài cơ sở chính ở Hòa Nhơn, HTX còn mở cơ sở tại một số huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, mỗi tháng xuất ra thị trường khoảng 10 ngàn sản phẩm. Năm 2011, doanh thu của HTX khoảng 7 tỷ đồng và năm 2012, ước doanh thu 10 tỷ đồng, giải quyết được việc làm lúc nông nhàn cho nhiều lao động địa phương.
Chính thức xuất hiện trên thị trường năm 2009, cở sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Quang Huy tại tổ 16, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng nhanh chóng tạo được uy tín. Đây là cơ sở chuyên sản xuất thuyền buồm cổ, trống rượu với đủ loại kích cỡ, mẫu mã, quy trình sản xuất bằng thủ công đơn giản, tỉ mỉ từng chi tiết. Chỉ với 5 đến 7 lao động chính, cơ sở đã cho ra đời hàng trăm sản phẩm, thu hút sự chú ý của các đơn vị chuyên tổ chức sự kiện, hội chợ. Theo ông Lê Văn Phiếu, chủ cơ sở, nhờ mẫu mã đẹp, chất liệu tốt, cơ sở đã được Sở Công thương hỗ trợ tham gia những hội chợ như Festival Huế, Đà Lạt, Hội chợ hàng Việt, Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ khu vực miền Trung-Tây nguyên tổ chức tại Ninh Thuận, Hội chợ Hành lang kinh tế Đông Tây tại Thái Lan. “Nhờ mạnh dạn tham gia nhiều hội chợ, chúng tôi mới biết được sản phẩm của mình có tính ưu việt, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Thời gian tới, cơ sở sẽ hướng đến mục tiêu từng bước mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao uy tín, chất lượng, mẫu mã”, ông Phiếu nói.
Có thể thấy, mặt hàng thủ công mỹ nghệ ở Đà Nẵng thời gian gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, được thị trường chú ý. Tuy nhiên, để đưa mặt hàng này chiếm lĩnh các thị trường lớn, cần có kế hoạch rõ ràng, bài bản. Ông Hà Tấn Vĩnh cho rằng, hiện nay, mặt hàng thủ công mỹ nghệ tạo được uy tín trên thị trường một phần nhờ vào tính ưu việt của nó như tuổi thọ tăng (có sản phẩm dùng 20 năm), nguyên liệu thân thiện, gần gũi với môi trường. Đây là những yếu tố quan trọng giúp mặt hàng này tồn tại và phát triển. Dù tạo được chỗ đứng, nhưng việc tiếp cận thị trường Mỹ hay EU dường như quá sức với các cơ sở sản xuất tại Đà Nẵng. Bởi, các đơn hàng từ thị trường này thường rất lớn về số lượng, chú ý yếu tố thương hiệu, trong khi chất lượng lao động tại địa phương không thể đáp ứng. Chưa kể, quy mô sản xuất cũng như chiến dịch quảng bá, giới thiệu mặt hàng đi các nước còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí. Để từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, cơ sở rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng trong việc hướng dẫn quy trình thủ tục, định hướng phát triển giúp hàng thủ công mỹ nghệ Đà Nẵng đủ sức cạnh tranh vào các thị trường lớn.
Đây không chỉ là khó khăn của riêng các cơ sở thủ công mỹ nghệ ở Đà Nẵng, bởi theo ông Lê Bá Ngọc, Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) nhận định, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đang gặp khó khăn do thiếu sáng tạo trong việc làm mới mẫu mã, kiểu dáng, lạc hậu so với xu hướng tiêu thụ của thế giới. Theo Vietcraft, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) tính đến hết tháng 8-2012 đạt 1,1 tỷ USD. Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam, chiếm tỷ trọng khoảng 40%, tiếp đến thị trường EU với khoảng 30%. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần liên kết, hợp tác với các đơn vị liên quan để xây dựng, phát triển thương hiệu, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
HUỲNH LÊ