.

Sản xuất vật liệu xây dựng vẫn khó khăn

.

Bước vào giai đoạn nước rút thực hiện các kế hoạch sản xuất, kinh doanh nhưng các doanh nghiệp (DN) sản xuất và cung ứng vật liệu xây dựng (VLXD) tiếp tục khó khăn. Đầu tư công cắt giảm và xây dựng giảm sút, cùng với sự đóng băng của thị trường bất động sản là nguyên nhân chính tác động lên ngành sản xuất này.

Sản xuất gạch lát vỉa hè phục vụ các dự án hạ tầng đô thị cầm chừng.
Sản xuất gạch lát vỉa hè phục vụ các dự án hạ tầng đô thị cầm chừng.

Từ các công ty sản xuất, kinh doanh cho đến các cửa hàng buôn bán nhỏ đều đang khốn khó khi tìm kiếm thị trường cho VLXD suốt gần một năm nay. Ông Nguyễn Tám, chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh thép xây dựng tại phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, than phiền khi hàng chục lao động phải “ngồi chơi xơi nước” vì sản phẩm làm ra chưa bán được. Bản thân ông là chủ cơ sở cũng quanh quẩn ở nhà rồi đi uống cà-phê tán gẫu. Tiếp cận đến nhiều cơ sở kinh doanh VLXD trên địa bàn thành phố, tất cả đều có chung tâm trạng không vui vì kinh doanh ế ẩm. Theo đó, doanh số bán của hầu hết các mặt hàng VLXD từ sắt thép, xi-măng, gạch ngói đến các mặt hàng trang trí nội thất như sơn, gỗ, kính, thiết bị vệ sinh... đều giảm từ 30 - 50%, có nơi giảm đến 80% so với những năm trước.

Xi-măng cũng trong tình trạng tương tự. Công ty Xi-măng – VLXD - Xây lắp Đà Nẵng cho biết, lượng tiêu thụ xi-măng đang giảm mạnh, khoảng 30 - 40%, tình hình kinh doanh của công ty cũng đang gặp nhiều khó khăn. Giá xi-măng từ đầu năm đến nay đã tăng đến 3 lần, cùng với chính sách cắt giảm đầu tư công, thị trường nhà đất đìu hiu, khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng, người dân phải thắt chặt chi tiêu, nên nhu cầu xây sửa nhà cửa cũng giảm.

Trong khâu sản xuất, nhiều DN sản xuất cầm chừng. Anh Nguyễn Có, phụ trách kỹ thuật Công ty CP gạch men Cosevco cũng cho biết, các chuyền sản xuất đều hoạt động cầm chừng bởi bộ phận bán hàng liên tục cập nhật hàng tồn kho. Các DN sản xuất VLXD khác trên địa bàn thành phố cũng loay hoay hoạt động cầm chừng. Những năm qua, hoạt động sản xuất gạch block, gạch lát thủ công phát triển mạnh để cung ứng cho các dự án hạ tầng khu dân cư thì nay cũng không sản xuất.

Ảnh hưởng nặng nề nhất có lẽ thuộc về ngành thép. Hầu hết các nhà máy sản xuất thép cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng đang co cụm, giảm mạnh công suất. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nêu một thực tế: Trong khi thị trường ảm đạm, các DN ngành thép thường vay vốn ngân hàng lớn lại phải đau đầu đối phó với lãi suất tăng cao. Giá nhiên liệu đầu vào như điện, xăng dầu biến động làm tăng giá thành sản xuất và lợi nhuận của các đơn vị kinh doanh sắt thép giảm rõ rệt. Hơn nữa, thị trường đầu ra đang khó khăn khiến nhiều DN “khóc dở mếu dở”. Ông Cường cho biết thêm, cung vượt xa cầu đang đẩy ngành thép vào cơn bĩ cực. Theo ông Nguyễn An, Tổng Giám đốc Công ty Thép Thái Bình Dương (KCN Hòa Khánh), để đẩy mạnh tiêu thụ, các DN sản xuất thép trong nước phải cạnh tranh gay gắt thông qua việc tăng chiết khấu bán hàng, áp dụng chế độ hỗ trợ vận chuyển đến tận chân công trình, trợ giá đối với những công trình lớn... Bên cạnh đó, để thu hồi vốn trả nợ ngân hàng, các nhà sản xuất và các nhà phân phối thép buộc phải giảm giá bán để đẩy mạnh bán hàng tồn kho. Nếu không có sự cải thiện về thị trường cũng như nguồn vốn, DN ngành thép có nguy cơ thua lỗ nặng và sẽ ngừng sản xuất để cắt lỗ.

Mới đây, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam chủ động hỗ trợ các DN, đơn vị thành viên nâng cao năng lực quản lý nhân lực, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Ông Trần Phước Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Giám đốc Chi nhánh tại miền Trung cho biết thêm, Hiệp hội sẽ làm đầu mối để các DN tìm kiếm thị trường, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm của nhau để hỗ trợ phát triển với các nhóm sản phẩm: nhà đất, kết cấu VLXD...

Bài và ảnh: TRIỆU VĂN

 

;
.
.
.
.
.