.

Giải pháp đưa ngành vật liệu xây dựng thoát khủng hoảng

.

Doanh nghiệp phải thực sự nỗ lực tiết giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời nếu tận dụng tốt hiệu ứng tích cực của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thì thị trường Vật liệu xây dựng (VLXD) sẽ bớt khó khăn hơn trong thời gian tới. Các chuyên gia trong ngành nhận định như vậy khi đề cập đến giải pháp đưa ngành VLXD vượt qua khủng hoảng, bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp (DN) từ cơ chế chính sách.

Thị trường bất động sản đóng băng tác động lớn đến sản xuất và thị trường VLXD.
Thị trường bất động sản đóng băng tác động lớn đến sản xuất và thị trường VLXD.

Tại hội thảo tìm giải pháp đưa ngành VLXD vượt qua khủng hoảng do Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam tổ chức mới đây, Tiến sĩ Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hiệp hội VLXD Việt Nam, cho biết ngoài yếu tố suy giảm kinh tế toàn cầu thì tình trạng nhập khẩu VLXD là nguyên nhân làm cho ngành sản xuất VLXD trong nước chồng chất khó khăn. Thời gian qua thị trường VLXD tồn tại một nghịch lý, đó là sức tiêu thụ chậm, hàng tồn kho nhiều nhưng giá nhiều loại sản phẩm như xi-măng, thép không giảm mà có chiều hướng tăng cao. Vì vậy, khi phân tích nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ VLXD, các chuyên gia trong ngành không quên nhắc đến những giải pháp làm thế nào để hạ giá thành và đưa đến người tiêu dùng những sản phẩm tốt với giá hợp lý nhất.

Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, trên cơ sở lượng tiêu thụ của thị trường hiện nay, các DN nên phối hợp với nhau để chia sẻ thị phần chứ không theo kiểu mạnh ai nấy chạy. “Phải đẩy mạnh xuất khẩu, vì hiện nay cung vẫn luôn lớn hơn cầu. Bên cạnh đó, DN cố gắng đưa tiến bộ kỹ thuật vào để giảm chi phí, giảm tiêu hao, nâng cao khả năng cạnh tranh. Làm thế nào để chi phí sản xuất thấp nhất thì mới tạo ra sức cạnh tranh, tạo điều kiện DN phát triển, người tiêu dùng cũng có lợi hơn”, ông Nghi nhấn mạnh.

Mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng nhìn chung năng lực của ngành sản xuất VLXD vẫn đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, cái khó ở đây lại là việc làm thế nào để người tiêu dùng ưu tiên sử dụng các loại sản phẩm vật liệu xây dựng trong nước thay vì các sản phẩm ngoại nhập. Giải được bài toán đó thì ngành sản xuất VLXD vượt qua được khó khăn trước mắt. Ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam cho rằng, cần tuyên truyền, cổ động “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” vì hàng của chúng ta đủ chủng loại, mẫu mã kích thước và đủ loại trang trí bề mặt. “Đơn cử như các tấm lát từ gạch ceramic của chúng ta không còn nhỏ nữa mà đã có các kích cỡ 60 x 60, 80 x 80, 120 x 120. Tất cả những kích thước đó đều thỏa mãn mức yêu cầu tiêu dùng của người Việt Nam”, ông Huy cho hay.

Tuy nhiên, theo TS. Trần Văn Huynh đề xuất, cần vận động người dân sử dụng hàng VLXD trong nước theo khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tất cả các công trình xây dựng của Việt Nam nên dùng VLXD của Việt Nam, có như vậy thì chúng ta mới tạo cho ngành VLXD trong nước đứng vững ngay trên “sân nhà” của mình. “Nếu các công trình, dự án đầu tư xây dựng sử dụng VLXD trong nước thì mỗi năm tiết kiệm được kim ngạch nhập khẩu hàng tỷ USD”, ông Trần Văn Huynh nhấn mạnh.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng theo hướng quan tâm đến các thương hiệu và DN Việt. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai, độ lan tỏa của chương trình nhìn chung mới chỉ dừng lại ở một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong khi các lĩnh vực khác như VLXD lại gặp phải không ít khó khăn do sự cạnh tranh khốc liệt của hàng nhập khẩu giá rẻ. Để tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất VLXD, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước và phát triển tự thân của các DN, các chuyên gia đều cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc sử dụng hàng sản xuất trong nước nhằm giải phóng hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho thị trường VLXD.

Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.