.
Sản phẩm công nghiệp tiêu dùng của Đà Nẵng:

Bài 1: "Lép vế" ngay trên sân nhà

.

(ĐNĐT) - Đà Nẵng là một thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp tiêu dùng khá màu mỡ đối với nhiều doanh nghiệp (DN). Vậy nhưng, điều đáng buồn là có tới 70% lượng hàng hóa được đưa về Đà Nẵng từ hai đầu đất nước và nhập khẩu, hàng do DN địa phương sản xuất bị "lép vế" ngay trên sân nhà. Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và giải pháp nào để tạo sức bật cho sản phẩm công nghiệp của Đà Nẵng phát triển bền vững?

Những năm gần đây, các cơ sở thương mại tại Đà Nẵng ngày càng phát triển mạnh. Hàng loạt siêu thị, chợ mới theo mô hình hiện đại đã được khai trương và đi vào hoạt động, như: chợ đêm Nguyễn Kim, chợ đêm tại trung tâm thương mại Dragon Vĩnh Trung, siêu thị Lotte Mart, Co.opMart, BigC... Ngoài ra, việc mạnh dạn đầu tư mới, nâng cấp các chợ truyền thống ở địa phương đã làm cho văn minh thương mại ngày càng tốt và thu hút được nhiều khách hàng đến tham quan, mua sắm.

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, riêng trong năm 2012, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 51.280 tỷ đồng. Các chương trình bình ổn giá đã tập trung mạnh vào thị trường nội địa với việc hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” kết hợp với nhiều chương trình khuyến mại giảm giá để tăng doanh số bán ra. Nhờ đó, đã có tác động tích cực kích thích tiêu dùng, góp phần quan trọng trong việc bình ổn thị trường nội địa.

Ngay cả các siêu thị lớn trên địa bàn thành phố, hàng hóa do DN địa phương sản xuất cũng rất ít gặp
Tại các siêu thị lớn trên địa bàn thành phố, rất ít hàng hóa do DN địa phương sản xuất được bày bán

Chỉ cần nhìn vào tổng mức bán lẻ nêu trên đã cho thấy, sức tiêu thụ hàng hóa của thị trường Đà Nẵng là tương đối lớn. Tuy nhiên, qua khảo sát trên thị trường, các sản phẩm công nghiệp tiêu dùng được sản xuất tại Đà Nẵng ít xuất hiện ở các siêu thị, các chợ lớn trên địa bàn. Vậy, tại sao hàng hóa sản xuất tại Đà Nẵng lại bị hàng từ các địa phương khác “đánh bật” ngay trên “lãnh địa” của mình? Về vấn đề này, ông Văn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Đà Nẵng đưa ra hai nguyên nhân chính: Thứ nhất, do dây chuyền công nghệ sản xuất của các DN Đà Nẵng đã lạc hậu. Thứ hai, do DN không chịu đầu tư thay thế công nghệ, nguồn nhân lực chưa đạt chất lượng. Và đây chính là vấn đề then chốt khiến sản phẩm của DN Đà Nẵng chưa phong phú về mẫu mã, chưa đạt tiêu chuẩn cao về chất lượng nên khó có thể cạnh tranh được với các DN sản xuất trong nước, chứ đừng nói gì đến các sản phẩm ngoại nhập.

Tại thị trường Đà Nẵng, hàng hóa tiêu dùng đa phần là nhập khẩu hoặc được vận chuyển từ các DN phía Nam hoặc phía Bắc. Lượng sản phẩm sản xuất ở Đà Nẵng chủ yếu tập trung cho xuất khẩu hoặc sản xuất ra nhưng không đáp ứng được nhu cầu của người dân thành phố, buộc phải chuyển đi nơi khác tiêu thụ. “Chẳng hạn như, Đà Nẵng có tới vài nhà máy sản xuất xi-măng lớn, nhưng hầu hết công trình xây dựng trên địa bàn thành phố lại sử dụng sản phẩm xi-măng của các thương hiệu ở những tỉnh, thành khác như xi-măng Bỉm Sơn, Sông Gianh… Bởi những sản phẩm này được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại và tiên tiến, nên đạt chất lượng cho công trình, được người tiêu dùng lựa chọn”, ông Thiết nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Hương Quế cho hay: “Trước đây, sản phẩm mà DN làm ra chủ yếu là xuất khẩu sang các nước như Anh, Đức, Pháp, Mỹ… mà ít chú trọng đến thị trường nội địa. Thế nhưng, mấy năm trở lại đây, sản phẩm của DN đã có mặt ở hầu hết các siêu thị, các nhà bán sỉ và lẻ trên cả nước. Hiện chúng tôi đang vận động người Việt dùng hàng Việt nhưng cũng phải thừa nhận rằng, không dễ gì để đứng vững tại thị trường quê nhà”.

Riêng năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của DN Đà Nẵng chủ yếu tập trung vào các đơn vị mạnh như: Công ty CP dệt may Hòa Thọ, Công ty Yonezawa, Công ty Mabuchi Moto, Công ty CP Thủy sản thương mại Thuận Phước, Công ty Foster, Công ty điện tử Việt Hoa, Công ty Daiwa, Công ty Vinatex, Công ty XNK thủy sản miền Trung, Công ty LD giấy Việt Nhật và Công ty CP Dệt may 29/3. Trong khi các “ông lớn” này đa phần chú trọng thị trường ngoài nước thì các DN vừa và nhỏ khác ở Đà Nẵng lại không đủ sức để cạnh tranh ngay trên chính “lãnh địa” của mình. Và vì vậy, cứ nhìn vào các mặt hàng được tiêu dùng mạnh như: điện tử, điện lạnh, hàng gia dụng, hàng nội thất, đồ chơi trẻ em… thì sản phẩm “ngoại nhập” đang có mặt ở “mọi lúc, mọi nơi”, trong khi để tìm được những mặt hàng như trên do DN của địa phương sản xuất quả thật là “mỏi mắt”. 

Thực tế cho thấy, khi sản phẩm của các DN địa phương khan hiếm hoặc sản xuất ra nhưng không đáp ứng được yêu cầu của thị trường thì chính người tiêu dùng lại chịu thiệt thòi. Bởi họ luôn phải mua hàng hóa đắt đỏ hơn so với mặt bằng chung, nhất là tại các địa phương mạnh về sản phẩm công nghiệp trong cả nước. Thực trạng này được lý giải do công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng tại chỗ của Đà Nẵng quá mỏng. Trên thị trường Đà Nẵng, từ các mặt hàng lớn như: tivi, tủ lạnh, xe máy... đến cả sản phẩm tiêu dùng thông thường như: dầu ăn, đường, dầu gội, kem đánh răng... đều chuyển từ Bắc vào hoặc Nam ra. Như vậy, chi phí sẽ càng đội lên cao hơn so với hàng hóa được sản xuất tại địa phương. Vì nhiều lý do, khách quan là do khủng hoảng kinh tế, chủ quan là ở năng lực của chính DN, khiến cho việc sản xuất các sản phẩm công nghiệp tiêu dùng ngay tại Đà Nẵng gặp khó khăn. Hiện tại, rất nhiều DN Đà Nẵng phải chấp nhận tạm thời "nhường sân" cho các DN ngoại tỉnh hoặc các sản phẩm nhập khẩu, bởi sản phẩm làm ra không đủ sức cạnh tranh cả về chất lượng, mẫu mã, giá bán… Và như vậy, thị trường hơn 900 nghìn người dân của Đà Nẵng đã bị chính các DN ngoại tỉnh “hớt tay trên” DN địa phương.

Theo Sở Công thương Đà Nẵng: Trong năm 2012, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp của thành phố tăng 6,38% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 14.670 tỷ đồng, tăng 8,6% so với năm 2011. Đáng chú ý là sản xuất của một số sản phẩm như: động cơ điện siêu nhỏ, thép cán, đồ chơi trẻ em, giày các loại... có sản lượng tăng mạnh. Tuy nhiên, một số sản phẩm lại có mức tăng thấp như: quần áo may sẵn, thủy sản, lốp ô-tô...

Cũng trong năm 2012, trong khi xuất khẩu hàng hoá của các DN ở Đà Nẵng đạt 895 triệu USD thì nhập khẩu hàng hóa cũng chiếm tới 879,5 triệu USD.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: Trọng Hùng

 

 

;
.
.
.
.
.