.

Bài học nào từ vụ lúa hè thu?

.

Thời tiết thuận lợi, không hề bị khô hạn, thế nhưng năng suất lúa hè thu năm nay thấp hơn khá nhiều so các vụ trước. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên và đâu là bài học cần rút ra đối với sản xuất lúa ở Đà Nẵng?

Vợ chồng ông Phạm San ở thôn Tân An, xã Hòa Châu (Hòa Vang) đang tuốt lúa bằng máy đạp chân (phía sau là các thửa ruộng lúa có canh tác nhưng không có thu do sâu bệnh, chuột gây hại).
Vợ chồng ông Phạm San ở thôn Tân An, xã Hòa Châu (Hòa Vang) đang tuốt lúa bằng máy đạp chân (phía sau là các thửa ruộng lúa có canh tác nhưng không có thu do sâu bệnh, chuột gây hại).

Nhà nông cũng phải ăn gạo chợ

Vụ hè thu năm nay, toàn thành phố canh tác 2.492,7ha, giảm 254,7ha so vụ hè thu năm 2012. Số liệu từ Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật thành phố cho thấy, năng suất bình quân đạt 54 tạ/ha, giảm so vụ hè thu trước gần 3 tạ/ha. Còn theo bà con nông dân thì năng suất lúa hè thu năm nay thấp hơn nhiều so các vụ hè thu trước; hàng trăm ha chỉ đạt từ 2 - 3 tấn/ha và không ít diện tích mất trắng hoàn toàn.  

Vào vụ gặt, về những xã trọng điểm lúa của huyện Hòa Vang, chúng tôi thường bắt gặp nỗi buồn của nhà nông. Ông Ngô Văn Đăng, ở thôn Phong Nam, xã Hòa Châu tâm sự: Chưa khi nào lúa hè thu mất mùa như vụ hè thu năm nay. Gia đình canh tác 18 sào, năng suất chỉ đạt 2 - 3 tấn/ha. Chuột phá dữ quá. Có đám không còn để thu hoạch. Bà Ngô Thị Thu Hồng, trú cùng thôn góp chuyện: Vụ này nhà ai cũng mất nặng. Nhà tôi canh tác 3 sào mà thu chỉ độ 5 tạ thóc. Thứ sâu bệnh gây hại, thứ chuột phá, thu hoạch lúa mà buồn hết chỗ nói!

Nhiều diện tích ở vùng trọng điểm lúa Hòa Tiến cũng mất mùa nghiêm trọng. Ông Võ Sau, ở thôn Yến Nê 2 cho biết: Vừa thu hoạch xong 5 sào, mỗi sào chỉ 3 bao lúa tươi, tính ra năng suất chỉ khoảng 2 tấn/ha là nhiều.  Hộ ông Nguyễn Hiền, cũng ở Yến Nê 2, có 5 sào lúa mà đưa về vỏn vẹn 11 bao lúa tươi. Gương mặt buồn rầu, lão nông này chia sẻ: Chuột cắn phá đến nỗi không còn để thu hoạch. Vụ tới, nếu không có giải pháp diệt chuột hiệu quả chắc nhà nông tiếp tục có làm mà không có thu.

Mất mùa nặng nhất có lẽ ở thôn Tân An, xã Hòa Châu. Ít nhất 5 - 6ha khu vực gần sông, trên các thửa ruộng chưa gặt, lúa lơ thơ cứ như lúa chét. Vợ chồng ông Phạm San cho biết: Sản xuất 5 sào, 4 sào không phải gặt. Nhặt nhạnh trên 1 sào còn lại chỉ 3 - 4 bao lúa tươi. Tốn bao công sức, vốn liếng đầu tư mà kết quả như thế này đây. Nhà nông cũng phải ăn gạo chợ.

Ông Phạm Hồng Vân, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, cho biết: Vụ hè thu này, chuột gây thất thu nặng 282ha, bệnh khô vằn gây hại 386ha, sâu cuốn lá nhỏ 461ha… Riêng chuột gây hại thất thu khoảng 700 tấn thóc, trị giá hơn 3,5 tỷ đồng.    

Bài học nào rút ra từ vụ hè thu?

Có thể rút ra 3 bài học chính từ vụ sản xuất lúa hè thu năm nay.

Thứ nhất, công tác diệt chuột triển khai không đến nơi đến chốn. Nhiều năm nay, cơ quan chức năng mà cụ thể là Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, ngành nông nghiệp các địa phương và nông dân đang bó tay trước nạn chuột phát sinh rất mạnh, gây hại nghiêm trọng trên diện rộng. Chúng tôi đã đến nhiều xã, gặp bất cứ cán bộ nông nghiệp và người nông dân nào cũng phàn nàn về tình trạng chuột phá hại lúa. Nhưng hỏi về biện pháp diệt chuột, mọi người đều lảng tránh.

Thứ hai, việc phòng trừ sâu bệnh không kịp thời, hiệu quả. Hiện tại, cơ quan chức năng và nông dân đang đổ lỗi cho nhau về thực trạng này. Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật cho rằng, nông dân không gắn bó với đồng ruộng, sâu bệnh phát sinh vẫn thờ ơ, không triển khai dập dịch đến nơi đến chốn. Thậm chí cán bộ kỹ thuật đưa thuốc, bình bơm ra tận ruộng, nhiều nông dân vẫn bỏ mặc không quan tâm. Có người còn đòi hỏi hỗ trợ cả kinh phí phun thuốc họ mới triển khai. Còn nông dân cho rằng, chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh của cơ quan chức năng chưa kịp thời. Thường thì, khi sâu bệnh đã phát sinh trên diện rộng mới ra quân. Nhiều người không thật tin tưởng đến chất lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt chuột được đưa ra sử dụng.

Thứ ba, nông dân chưa chú trọng thâm canh lúa. Đa số hộ sản xuất lúa theo kiểu được mất nhờ trời; ít quan tâm đầu tư, chú trọng chăm sóc, nhất là phòng ngừa dịch bệnh, chuột. Ngoài ra, cũng phải thấy rằng, các loại lúa NX30, Xi23 đã quá lâu trên đồng ruộng Đà Nẵng, không tránh khỏi thoái hóa và dễ nhiễm sâu bệnh, dẫn đến năng suất thấp.

Rút kinh nghiệm của vụ hè thu 2013, ngành Nông nghiệp và huyện Hòa Vang chỉ đạo cơ sở và ngành chức năng tập trung khắc phục những hạn chế, thiếu sót đã qua, có biện pháp tích cực hơn bảo đảm cho vụ hè thu sắp tới đạt năng suất cao hơn. Trong các biện pháp, cần chú trọng cách diệt chuột hiệu quả để nông dân yên tâm sản xuất.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.