.
Du lịch trên sông Hàn: Cần sự đầu tư bài bản

Bài 2: Vực dậy tiềm năng

.

Để bảo đảm cho hoạt động du lịch đường sông, mới đây, Sở VH-TT&DL thành phố đã thực hiện quyết định tạm đưa các phương tiện đội tàu du lịch về tập kết tại bờ Đông sông Hàn. Việc chuyển sang neo đậu ở bờ Đông mặc dù gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của đội tàu du lịch nhưng theo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Đà Nẵng, đây là phương án lâu dài để đưa hoạt động du lịch đường sông đi vào ổn định, vực dậy tiềm năng vốn có của dòng sông Hàn.

Tăng cường công tác quản lý

Từ khi về neo đậu tại bờ Đông, các chủ tàu nêu bức xúc việc không thể hoạt động được. Hạ tầng và an ninh trật tự chưa được bảo đảm. Một số chủ phương tiện vì xót của nên lén lút sang bờ Tây hoạt động đón khách, gây nguy hiểm cho du khách và mất mỹ quan đô thị. Lý giải về vấn đề này, lãnh đạo Sở VH-TT&DL cho hay, việc đưa các tàu về bờ Đông là nhằm bảo đảm cho công tác quản lý các phương tiện thủy nội địa trên địa bàn thành phố đi vào ổn định. Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết: “Nhằm bảo đảm an toàn cho du khách, tránh xảy ra tình trạng đáng tiếc liên quan đến tai nạn tàu du lịch... gây tác động xấu đến hình ảnh Đà Nẵng, thành phố đã yêu cầu tạm dừng tất cả các hoạt động du lịch đường sông. Hiện nay, các tàu vẫn chưa được cấp phép theo quy định hiện hành vì thiếu chứng chỉ liên quan như nghiệp vụ du lịch, bằng thuyền trưởng... nên việc chuyển sang bờ Đông là nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị hoàn thiện thủ tục bảo đảm đầy đủ theo quy định về hoạt động vận chuyển hành khách thủy nội địa”.

Ngày 13-9, Sở VH-TT&DL tổ chức cuộc họp để giải đáp những thắc mắc của các chủ tàu. Theo đó, để giải quyết khó khăn về bến neo đậu, Sở VH-TT&DL đang phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng và Sở Xây dựng triển khai lập thiết kế và dự toán đầu tư cầu tàu tạm ở bờ Đông (trước khách sạn Danang Riverside), dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 10 tới với kinh phí là 200 triệu đồng. Sau khi thành phố đầu tư sẽ giao cho doanh nghiệp sử dụng và có thu phí.

Để thuận tiện cho việc xây dựng cầu tạm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố tiến hành di dời các tàu cá đang neo đậu dọc bờ Đông sông Hàn để bố trí khu vực neo đậu cho các tàu thuyền du lịch trước ngày 10-10; đồng thời triển khai thu dọn, sắp xếp ngư lưới cụ trên vỉa hè đường Trần Hưng Đạo về vị trí phù hợp.

Sở VH-TT&DL cũng sẽ phối hợp với Sở Giao thông vận tải kiểm tra lại tất cả hồ sơ của các tàu thuyền, hướng dẫn hoàn thiện thủ tục theo quy định để khi có cầu tàu, các đơn vị có đầy đủ điều kiện hoạt động ngay. Khi có bến tạm thời, Sở VH-TT&DL triển khai lắp đặt bảng cấm, hệ thống biển báo phục vụ an toàn giao thông đường thủy. Trong tháng 10, sẽ tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng thuyền trưởng chở khách, nghiệp vụ du lịch cho các thuyền viên và nhân viên... để các chủ phương tiện hoàn tất các thủ tục để tiếp tục hoạt động kinh doanh.

Xây dựng bờ Đông thành điểm đến hấp dẫn

Hiện nay, Sở VH-TT&DL đang phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng thành phố và Sở Xây dựng lập quy hoạch chi tiết hệ thống cảng tàu thuyền du lịch (với các tiện ích, dịch vụ kết hợp) theo dọc tuyến bờ Tây từ cầu chữ T (trước UBND thành phố) đến cầu Thuận Phước. Dự kiến đến tháng 5-2014, khi Cảng Đà Nẵng bàn giao Cảng Sông Hàn cho thành phố, hệ thống cảng tàu thuyền sẽ được đưa vào đầu tư xây dựng.

Theo đề án này thì 8 tháng sau, các tàu du lịch mới chuyển về hoạt động tại bến neo đậu ở bờ Tây. Nhiều chủ tàu cho rằng, việc chờ đợi ở bờ Đông thời gian dài như vậy trong điều kiện không có khách sẽ gây nhiều trở ngại cho hoạt động kinh doanh. Trong khi, không ít doanh nghiệp, cá nhân đã vay vốn đầu tư tàu du lịch với giá trị bình quân của một tàu khoảng 300 triệu đồng thì việc hoàn trả vốn vay cũng gặp không ít khó khăn. “Sắp tới sẽ có cầu tạm ở bờ Đông nhưng chúng tôi không dám hy vọng sẽ đón được khách vì bên này không nhộn nhịp, thuận lợi như ở bờ Tây”, ông Huỳnh Văn Cường, chủ tàu du lịch Vương Minh Tuấn, nói. Theo nhiều công ty lữ hành, hiện nay du lịch đường sông ở Đà Nẵng thiếu hẳn các hoạt động giải trí 2 bên bờ, vì vậy thành phố nên chọn địa điểm thích hợp có thể phát triển các dịch vụ du lịch về đêm để đầu tư xây dựng bến neo đậu lâu dài trong tương lai. “Để tour du lịch đường sông phát triển hơn nữa cần phải có các dịch vụ dọc tuyến như điểm dừng, điểm mua sắm cho khách tham quan. Thành phố nên tính đến phương án lâu dài, để các tàu du lịch có chỗ đậu an toàn, chứ không phải nay đậu chỗ này, mai đậu chỗ khác gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh”, ông Nguyễn Đức Trung, Giám đốc Công ty CP Thương mại và dịch vụ du lịch Đà Nẵng Xanh, đề xuất.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Chí Cường cho hay, việc đưa các tàu về neo đậu ở khu vực bờ Đông có thể được xem là thí điểm để sắp tới Sở VH-TT&DL trình thành phố các phương án cụ thể xây dựng khu vực này thành điểm dừng cho việc phát triển du lịch đường sông với các hoạt động vui chơi, giải trí, ăn uống, mua sắm… Còn ở khu vực bờ Tây, trong tương lai khó có thể triển khai thành điểm du lịch vì vướng các đơn vị sự nghiệp hành chính, các công trình trọng điểm của thành phố nằm dọc trên đường Bạch Đằng. “Bờ Đông trong tương lai có thể quy hoạch thành tuyến điểm du lịch với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí mà không ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương”, ông Trần Chí Cường cho biết. Về khó khăn, ông Cường cho rằng hiện nay ở bờ Đông, hạ tầng chưa hoàn thiện, các hoạt động vẫn chưa náo nhiệt như ở bờ Tây vì vậy phải mất thời gian dài mới xây dựng một cách bài bản và có nền nếp.

Đà Nẵng đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì việc xây dựng một bến tàu du lịch đường sông là điều cần thiết; từ đó góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tạo điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch đến với thành phố bên sông Hàn.  

HOÀNG HÂN
 

;
.
.
.
.
.