.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ: Khó khăn đủ bề

.

​(ĐNĐT) - Thời gian qua, hoạt động sản, xuất kinh doanh (SXKD) của không ít doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) trên địa bàn Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn do phải chịu tác động mạnh từ những bất ổn của nền kinh tế thế giới và trong nước.

DNVVN đang gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)
DNVVN đang gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)

Số lượng tăng nhưng khó lớn mạnh!

Trong thời điểm khó khăn chung của nền kinh tế, việc bảo toàn vốn, đảm bảo SXKD ổn định đang là thách thức lớn đối với các DNVVN trên địa bàn Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung. Theo Sở KH-ĐT Đà Nẵng, những năm gần đây, số lượng DNVVN trên địa bàn tăng rất nhanh, nhất là từ khi Luật DN ra đời (năm 2005).

Đến nay, toàn thành phố ước tính có hơn 12.500 DN, trong đó số lượng DNVVN chiếm trên 90%. Một cán bộ thuộc Phòng Quản lý kinh doanh - Sở KH-ĐT Đà Nẵng cho rằng: “DN nhỏ thành lập dễ nhưng rất khó… lớn mạnh được. Nguyên nhân, do quy mô nhỏ, khó cạnh tranh và tạo được tác động lan tỏa tốt so với các DN Nhà nước, các DN liên doanh”.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Lý - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội DNVVN Đà Nẵng khẳng định: Khó khăn lớn nhất đối với DNVVN là thiếu vốn hoạt động. Để có đủ vốn hoạt động, các DN nhỏ ở Đà Nẵng phải dựa vào vốn vay của ngân hàng là chính. Nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, không phải ngân hàng nào cũng sẵn lòng đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn của DN, đặc biệt là đối với các DNVVN. Bởi lẽ, các DN nhỏ không chỉ hạn chế về nguồn lực tài chính mà giá trị tài sản thế chấp hầu như không đáng kể. Bên cạnh đó, nếu các DN nhỏ gặp rủi ro thì rất dễ bị phá sản. Đây chính là lý do các ngân hàng thương mại thường “né” cho các DN nhỏ vay vốn.

Giám đốc một DN chuyên gia công sản xuất giày dép than vãn: “Nếu trước đây, DN chúng tôi có thể thanh toán tiền mua nguyên liệu sản xuất bằng cách trả sau hoặc gối đầu cho nhà cung cấp với giá theo hợp đồng ký kết, thì thời điểm khó khăn vừa qua, điều này ít được nhà cung cấp chấp nhận, mà phải thanh toán ngay, nên chúng tôi gặp khó khăn về nguồn vốn. Trong khi đó, để vay được vốn của ngân hàng không hề đơn giản, vì tài sản thế chấp của chúng tôi có hạn. Điều này đã đẩy DN vào chỗ phải thu hẹp dần quy mô SXKD”.

Nỗi lo mặt bằng sản xuất

Không chỉ thiếu vốn trong hoạt động SXKD, các DNVVN trên địa bàn Đà Nẵng còn gặp khó khăn về mặt bằng sản xuất. Bên cạnh một số DN có mặt bằng sản xuất ổn định ở các KCN tập trung, phần lớn các DN nhỏ đều tận dụng diện tích mặt bằng nhà ở làm cơ sở SXKD, hoặc phải đi thuê mặt bằng sản xuất với chi phí khá cao.

Ông Nguyễn Trọng Khải, Giám đốc Công ty TNHH TM và chuyển giao công nghệ K&H kêu trời: “Hàng hóa ở thời điểm này rất khó bán, trong khi đó, hàng năm công ty phải trả tiền thuê mặt bằng mất hơn 300 triệu đồng, cứ đà này sẽ chẳng DN nào chịu nổi. Vừa qua, DN chúng tôi cũng đề xuất với các ngành chức năng của thành phố được thuê đất lâu dài để mở rộng nhà máy, nhưng đến giờ vẫn chưa được giải quyết”.

Cùng chung nỗi khó khăn về mặt bằng sản xuất như DN của ông Khải, ông Nguyễn Văn Danh, Giám đốc Công ty TNHH gạch TuyNen Đà Nẵng, than vãn: “Cách đây mấy năm, DN đã mạnh dạn bỏ ra cả chục tỷ đồng để mua lại nhà máy sản xuất gạch ở thôn Đông Sơn, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng). Cứ tưởng mua được nhà máy sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, thế nhưng mới sản xuất được hơn hai năm thì thành phố công bố khu vực này bị quy hoạch nên chỉ cho DN thuê đất theo từng năm một. Thấy bất ổn, chúng tôi liền ngưng hoạt động nhà máy để chờ thành phố cho thuê đất lâu dài rồi mới dám đầu tư vào đây. Nếu khu này bị quy hoạch, thành phố cần sớm giải tỏa để DN chuyển khu vực đầu tư nhà máy, còn không, nên cho DN thuê lâu dài để ổn định SXKD”.     

da
Ông Lý đề nghị, thành phố cần phải rà soát tình hình sử dụng đất ở các KCN để tránh lãng phí quỹ đất. (Ảnh chụp tại KCN Hòa Khánh)

Giải pháp hỗ trợ DN?

Với những diễn biến bất lợi như trên, để vượt khó, ổn định tình hình SXKD, đòi hỏi các DN nhỏ phải có giải pháp phù hợp. Hiện nay, chi phí đầu vào ngày càng tăng, nhưng DN rất khó trong việc điều chỉnh giá bán sản phẩm, bởi còn phải cân nhắc đến khả năng cạnh tranh với các mặt hàng cùng loại trên thị trường.

Để tồn tại, các DN đã phải tiết kiệm đến mức tối đa các khoản chi phí không cần thiết. Các dây chuyền sản xuất đều được tính toán lại khả năng sinh lợi, công suất của máy móc thiết bị, định mức nguyên liệu… để có kế hoạch SXKD sao cho đạt hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, các DN nhỏ cũng phải tăng cường công tác quản lý, từng bước đổi mới thiết bị, công nghệ và đàm phán với khách hàng để tăng giá đầu ra sản phẩm. Tuy nhiên, những giải pháp mà các DN nhỏ đưa ra cũng rất khó thực hiện vì thiếu vốn.

"Hiện ở các KCN đã được quy hoạch trên địa bàn thành phố vẫn còn khá nhiều khu đất trống, vì vậy thành phố cần phải rà soát tình hình sử dụng đất ở các KCN để tránh lãng phí quỹ đất. Nếu các DN nào đã thuê đất ở KCN mà không triển khai dự án, đề nghị thành phố sớm thu hồi để cho những DN khác có nhu cầu thực sự được thuê đất tại các KCN để triển khai dự án”.

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội DNVVN Đà Nẵng

Thực tế cho thấy, nhu cầu tín dụng của các DN nhỏ vẫn rất cao và các rào cản tín dụng đối với các DN nhỏ chưa được cải thiện nhiều. Các chính sách hỗ trợ DN nhỏ vượt qua các rào cản tín dụng vẫn chưa được quan tâm thỏa đáng.

Ông Lý kiến nghị: “Đứng về phía các DN, chúng tôi mong rằng trong thời gian đến, các ngân hàng thương mại cần quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa về nguồn vốn cho các DN nhỏ đẩy mạnh SXKD. Trong đó, cần tạo điều kiện để các DN đang thiếu điều kiện về tài sản thế chấp vẫn có thể vay được vốn ngân hàng nếu có dự án khả thi. Ngoài ra, phía ngân hàng cần phát triển các dịch vụ tư vấn lập kế hoạch, phương án SXKD, quản lý tài chính, quản lý dòng tiền cho DN để hỗ trợ DN quản lý tài chính hiệu quả hơn, nhằm giảm rủi ro cho DN và cả ngân hàng".

Hơn nữa, hiện thành phố đã có chủ trương thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng, vì vậy nếu Quỹ này sớm được hình thành sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các DNVVN trong việc tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi trong tình DN đang thiếu vốn như hiện nay.

Liên quan đến vấn đề mặt bằng sản xuất, ông Lý cho rằng, thành phố cần sớm quy hoạch một khu đất khoảng 200-300 ha dành riêng cho khối DNVVN thuê với giá ưu đãi. Địa điểm quy hoạch, diện tích cho thuê cũng như đơn giá cần được công bố cụ thể để các DN chủ động lập kế hoạch và mạnh dạn đăng ký đầu tư phát triển SXKD. 

Bài và ảnh: Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.