.

Kiểm soát chặt buôn lậu, gian lận thương mại qua cửa khẩu

.

(ĐNĐT) - Theo Cục Hải quan Đà Nẵng, từ đầu năm 2013 đến nay, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn thành phố mặc dù không phức tạp, song không ít trường hợp các doanh nghiệp (DN) lợi dụng sự thông thoáng về thủ tục hải quan nhằm trục lợi bất chính. Gần đây còn xuất hiện một số hành vi khai báo hàng hóa không đúng số lượng, chủng loại…, đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho cơ quan Hải quan trong đấu tranh ngăn chặn.

Nhiều mặt hàng, nhiều đối tượng trọng điểm

Theo thống kê của Phòng Phòng chống buôn lậu và xử lý vi phạm (Cục Hải quan Đà Nẵng), trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 89 vụ vi phạm hành chính (tăng 10 vụ so cùng kỳ năm trước), với tổng số tiền phạt hơn 300 triệu đồng.

rgv
Kiểm tra an ninh tại sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Trong đó, hàng hóa vi phạm khá đa dạng với nhiều mặt hàng trọng điểm, như: các loại vũ khí, chất nổ, hóa chất cấm nhập; chất ma túy, thuốc gây nghiện; rượu, thuốc lá ngoại; mỹ phẩm, hàng điện tử, hàng gia dụng; các loại băng đĩa, tài liệu có nội dung phản động, đồi trụy; ngoại tệ, vàng, đá quý, đồ cổ; gỗ xuất khẩu, ôtô nhập khẩu… Tuyến và địa bàn trọng điểm chủ yếu là tuyến cảng biển quốc tế và tuyến hàng không quốc tế.

Các đối tượng trọng điểm cũng được xác định là khá đa dạng và trên phạm vi rộng. Từ các phương tiện (tàu từ các nước Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore… nhập cảnh Cảng Đà Nẵng và chuyển cảng; máy bay xuất nhập cảnh và quá cảnh tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng; xe container chuyên dụng chở hàng chuyển phát nhanh…)... tới cá nhân (thuyền viên tàu viễn dương; khách du lịch xuất nhập cảnh theo đường biển nhiều lần; tổ lái, phi hành đoàn, hành khách xuất nhập cảnh theo đường hàng không…). Ngoài ra, còn có DN nhập khẩu các lô hàng có giá trị lớn, thuế suất cao; DN nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu gia công, sản xuất xuất khẩu; DN nhiều lần vi phạm pháp luật hải quan; DN mà cơ quan Hải quan chưa đủ thông tin đánh giá mức độ chấp hành pháp luật…

Ông Nguyễn Thái Hoan, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Đà Nẵng (Cục Hải quan Đà Nẵng), cho biết trên tuyến đường hàng không, từ đầu năm đến nay, Chi cục đã phát hiện và xử lý 35 vụ vi phạm hành chính về Hải quan; trong đó, chủ yếu là sai phạm trong hành vi vận chuyển hàng hóa, ngoại tệ; nhập văn hóa phẩm… trái phép. Chỉ tính riêng vụ nhập khẩu văn hóa phẩm có nội dung vi phạm, đơn vị này đã thu giữ và tiêu hủy 114 cuốn sách, 2 bản đồ sai phạm...

Bên cạnh các vi phạm đã bị phát hiện, bắt giữ trên tuyến đường hàng không thì hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên các tuyến đường biển cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức. Theo ông Nguyễn Quang Lãng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Đà Nẵng (Cục Hải quan Đà Nẵng), trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đã phát hiện và xử lý 51 vụ vi phạm hành chính về lĩnh vực Hải quan, xử phạt số tiền hơn 115 triệu đồng, trong đó một số hành vi vi phạm chủ yếu như: khai sai mã số; chậm làm thủ tục hải quan theo quy định; nộp chứng từ chậm; xuất hàng thừa so với khai báo...

Đơn cử là vụ việc đầu tháng 2-2013, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Đà Nẵng đã kiểm tra, phát hiện 480 cuốn lịch để bàn và sổ tay (xuất xứ Đài Loan) do Công ty TNHH TCIE Việt Nam nhập về. Sau khi gửi cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đà Nẵng kiểm tra, đã phát hiện toàn bộ số hàng này có nội dung, hình ảnh vi phạm nghiêm trọng quy trình về xuất nhập khẩu văn hóa phẩm của Nhà nước Việt Nam.

Tình trạng một số DN lợi dụng hình thức khai báo thủ tục hải quan điện tử, sử dụng các thủ đoạn tinh vi như giảo mạo chứng từ hồ sơ hải quan, khai tăng, khai khống, khai sai về trị giá, số lượng, chủng loại, chất lượng hàng xuất khẩu... để được hoàn thuế, khấu trừ thuế giá trị gia tăng, gây thất thu cho ngân sách có chiều hướng gia tăng. Điển hình là đầu tháng 3-2013, Đội Kiểm soát Hải quan phối hợp với Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Đà Nẵng kiểm tra lô gỗ xuất khẩu của Xí nghiệp XNK tư nhân Vân Hà, phát hiện doanh nghiệp có hành vi khai thừa so với khai báo 62m3 gỗ, số lóng gỗ không có dấu búa hoặc ký hiệu của nước xuất khẩu là 6 lóng (6,124m3) và số gỗ không khai báo là 5,6m3.

Tăng cường kiểm soát cửa khẩu

Theo ông Nguyễn Quang Lãng, để công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại qua cửa khẩu cảng đạt hiệu quả hơn, thời gian tới, Chi cục sẽ chú trọng tới công tác nâng cao năng lực của cán bộ công chức trong việc khai thác, sử dụng các nguồn thông tin trong hệ thống quản lý Hải quan như: quản lý rủi ro, thông tin giá tính thuế, thông tin quản lý vi phạm và thông tin nghiệp vụ ở các khâu trong quy trình nghiệp vụ, nhất là các cán bộ công chức ở bộ phận thu thập, phân tích thông tin nghiệp vụ và áp dụng quản lý rủi ro của Chi cục.

Đồng thời, sẽ tăng cường kiểm tra bằng việc sử dụng các phương tiện nghiệp vụ như máy soi chiếu, chó nghiệp vụ… trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa, hành lý, phương tiện, hành khách xuất nhập cảnh.

dsd
Nân cao năng lực của cán bộ, công chức ngành Hải quan có ý nghĩa quan trọng trong việc khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn thông tin trong hệ thống quản lý.

Phó Cục trưởng Cục Hải quan Đà Nẵng Phạm Ngọc Thuần, cho biết Cục Hải quan sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và nắm tình hình tại các địa bàn, đối tượng trọng điểm nhằm thu thập các thông tin liên quan tới hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại để có biện pháp điều tra, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý kịp thời.

Đặc biệt là chú trọng công tác giám sát, kiểm soát các nhóm hàng nhập khẩu có mức thuế suất cao, dễ lợi dụng để gian lận, trốn thuế; các hành vi gian lận trong khai báo hải quan như: khai sai về số lượng, sai về mã hàng, xuất xứ… trong lĩnh vực gia công hàng hóa, sản xuất hàng xuất khẩu, tạm nhập - tái xuất...

Ngoài ra, Cục cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp tốt cùng các lực lượng chức năng trên địa bàn như: an ninh cửa khẩu, an ninh hàng không, Bộ đội Biên phòng… trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm qua biên giới như ma túy, vũ khí, chất nổ, hàng hóa vi phạm môi trường, văn hóa phẩm đồi trụy..

Bài và ảnh: Đắc Mạnh

;
.
.
.
.
.