.
Bất cập đào tạo nghề lao động nông thôn

Đừng để mô hình kinh tế chết yểu

.

Đào tạo nghề gắn liền với mô hình tại chỗ của nông dân đang là hướng đi tích cực và chủ đạo trong thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020” theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 1956) tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, bên cạnh một số đạt thành tựu, vẫn có mô hình ra đời chỉ gần một năm thì bị giải thể.

Tổ hợp tác may phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) phát huy hiệu quả.
Tổ hợp tác may phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) phát huy hiệu quả.

Phường Hòa Quý là một trong những địa phương có diện tích đất nông nghiệp cũng như số hộ nông dân bị ảnh hưởng bởi các dự án lớn nhất quận Ngũ Hành Sơn, với hơn 270.000m2 đất ruộng và 422 hộ. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm thời kỳ hậu giải tỏa ở đây có những bước đi tích cực, song vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm. Hiện nay, HTX may Hòa Quý với hơn 100 lao động và 4 dây chuyền may hoạt động hiệu quả, thu nhập bình quân hơn 2 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, tổ hợp tác làm nấm đã xây dựng thành trung tâm, ngoài trồng nấm thành phẩm bán ra thị trường còn cung cấp phôi nấm cho 20 hộ dân khác trồng nấm trên địa bàn phường. Thế nhưng, thành tựu này chưa đáng kể so với con số hơn 1.500 lao động thiếu việc của cả phường.

Ông Nguyễn Đức, Phó Chủ tịch UBND phường, cho biết hiện thanh niên trên cả phường đông. Hết ruộng sản xuất, thanh niên không chịu học nghề, không đi làm thêm phụ gia đình, mà chỉ ngồi quán cà-phê, quán nhậu. Bao nhiêu tiền bồi thường, hỗ trợ từ dự án rồi cũng hết sạch.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, qua tổng kết 3 năm thực hiện Đề án 1956 có 38 hợp đồng với các cơ sở dạy nghề, mở 155 lớp đào tạo học viên là LĐNT. Bên cạnh đó, với kinh phí 9,7 tỷ đồng hỗ trợ từ chương trình mục tiêu, các cơ sở dạy nghề công lập được tiếp nhận đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất để dạy nghề cho LĐNT, như Trung tâm Dạy nghề huyện Hòa Vang được đầu tư mua sắm trang thiết bị cho các ngành nghề nấu ăn, sửa chữa xe máy, trồng nấm, trồng hoa cây cảnh và hỗ trợ nâng cấp phòng học với tổng kinh phí 4,7 tỷ đồng; Trung tâm Dạy nghề Liên Chiểu được đầu tư mua sắm thiết bị dạy nghề điện lạnh, nấu ăn, may, buồng bàn bar, lễ tân, nhà hàng, tin học, sửa chữa điện thoại với kinh phí 3 tỷ đồng; Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hòa Vang, được đầu tư mua sắm thiết bị điện tử, may, nấu ăn, tin học với kinh phí 1 tỷ đồng; Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Ngũ Hành Sơn được đầu tư thiết bị dạy nghề điện tử, may và nấu ăn với kinh phí 1 tỷ đồng. Ngoài ra, hằng năm Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực về dạy nghề cho cán bộ và giáo viên dạy nghề cho lao động nông thôn.

Mặc dù các cơ sở dạy nghề, trường nghề cũng như bộ phận cán bộ, giáo viên dạy nghề được đầu tư kinh phí không hề nhỏ, nhưng kết quả thực hiện trên thực tế qua báo cáo của các địa phương chưa cao. Một số thành tựu đạt được sau 3 năm thực hiện đề án như triển khai thí điểm một số mô hình tiêu biểu: Năm 2011, đào tạo nghề nuôi cá diêu hồng cho 60 LĐNT ở xã Hòa Phong; năm 2012, mở lớp đào tạo nghề mây tre đan cho 30 bà con dân tộc Cơtu ở 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc), hình thành 2 tổ hợp tác gia công các mặt hàng mây tre đan cho HTX An Khê để xuất khẩu; cuối năm 2012, tổ chức lớp đào tạo trồng nấm, trồng hoa cây cảnh tại xã Hòa Liên, chuyển đổi mục tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng mô hình trồng hoa ở xã Hòa Liên và trồng nấm ở xã Hòa Bắc với kinh phí 480 triệu đồng,...

Cũng có mô hình ra đời chưa đầy năm đã bị đóng cửa. HTX Mây tre đan xuất khẩu ở Hòa Quý là một ví dụ. Từ giữa năm 2012, HTX được thành lập, với việc mở 2 khóa, đào tạo khoảng 50 học viên, sau đào tạo đều có việc làm tại chỗ và có thu nhập. Song đến tháng 5-2013, mô hình này tan rã do sản xuất không hiệu quả, bị phía nhập hàng ép giá dẫn đến thu nhập giảm quá thấp, người lao động bỏ việc.

Để đào tạo gắn liền với mô hình kinh tế tại chỗ phát triển bền vững, cơ quan chức năng cần có giải pháp tốt nhất, bảo đảm sự phát triển về quy mô cả về chất lượng và số lượng, quan trọng hơn cả là bảo đảm nguồn thu nhập ổn định cho người lao động. Có như thế, các mô hình kinh tế tại chỗ mới không bị chết yểu và trở thành hướng đi tích cực trong Đề án 1956.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.