.

Gánh nặng chi phí khai thác nguồn nước mặt

.

Đà Nẵng có nguồn tài nguyên nước dồi dào, nhưng những tác động từ quy hoạch phát triển kinh tế vùng và quy hoạch phát triển thủy điện đã đặt ra nhiều vấn đề bức xúc về an toàn cấp nước. Để bảo đảm  nguồn nước cấp cho thành phố, Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đang đối diện với việc bội chi kinh phí, tăng giá thành sản xuất nước…

Nguồn nước mặt tại cầu Đỏ bị nhiễm mặn, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất nước sinh hoạt.
Nguồn nước mặt tại cầu Đỏ bị nhiễm mặn, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất nước sinh hoạt.

Dawaco hiện có 4 nhà máy sản xuất nước với tổng công suất thiết kế 207.000m3/ngày đêm. Năng lực khai thác hiện tại đạt từ 180-200.000m3/ngày đêm, riêng Nhà máy Nước Cầu Đỏ đã chiếm 150.000m3/ngày-đêm, các Nhà máy Sân bay Đà Nẵng, Hải Vân, Sơn Trà chiếm dưới 50.000m3/ngày-đêm.

Tuy nhiên, việc sản xuất nước sinh hoạt tại thành phố luôn gặp nhiều khó khăn bởi Nhà máy Nước Cầu Đỏ chiếm trên 85% sản lượng nguồn nước cấp nhưng thiếu nguồn nước mặt để sản xuất. Tại cầu Đỏ, nước mặt những năm gần đây luôn bị nước mặn xâm nhập và cạn kiệt do các nhà máy thủy điện chặn dòng. Ông Nguyễn Hữu Ba, Phó Giám đốc Dawaco cho biết, trong 9 tháng qua, công ty gặp nhiều khó khăn trong sản xuất bởi tình hình nước sông ở cầu Đỏ nhiễm mặn. Theo đó, nguồn nước mặt tại cầu Đỏ bị nhiễm độ mặn vượt quá tiêu chuẩn cho phép 185 ngày (tương ứng với 6 tháng) nên chỉ vận hành khai thác nguồn nước tại chỗ 3 tháng. Dawaco cho biết, độ nhiễm mặn nguồn nước mặt tại cầu Đỏ có thời điểm lên 6.961mg/lít.

Để cung cấp nước cho thành phố, Dawaco phải vận hành trạm bơm An Trạch đưa nước thô về Nhà máy Nước Cầu Đỏ xử lý. Theo đó, Dawaco vận hành trạm bơm An Trạch với 3.862 giờ, lượng nước khai thác 22.338.790m3. Do phát sinh khai thác nước thô từ An Trạch nên Dawaco đã chi phí phát sinh 10,3 tỷ đồng để chi trả việc khai thác nguồn nước thủy lợi và điện năng. Tính từ năm 2011 đến nay, khi vận hành trạm bơm nước thô An Trạch, Dawaco đã chi phí phát sinh 22,4 tỷ đồng. Ngoài ra, giá các loại vật tư hóa chất cũng tăng nên chi phí sản xuất nước tăng lên đáng kể. Trước tình hình này, Dawaco kiến nghị HĐND và UBND thành phố cho phép tăng giá nước để bù đắp chi phí sản xuất.

Hiện Dawaco thực hiện tính giá nước cho đối tượng sử dụng nước theo Quyết định số 46/2010/QĐ-UBND ngày 20-12-2010. Mức giá bình quân đã bao gồm thuế và phí bảo vệ môi trường là 6.450 đồng/m3, trong đó giá nước sinh hoạt tại đô thị 5.012 đồng/m3, giá nước khu vực nông thôn 3.879 đồng/m3.

Qua tham khảo các mức giá nước của các đơn vị sản xuất nước các tỉnh, thành phụ cận cho thấy, mức giá nước ở thành phố là thấp. Những năm qua, do tình hình kinh tế khó khăn nên Dawaco chưa đề xuất tăng giá nước nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, Dawaco đang gặp khó khăn lớn về việc phát sinh chi phí trong sản xuất nên cần thiết phải đề xuất tăng giá bảo đảm chi phí.

Dawaco cho biết thêm, tuy khó khăn do phát sinh chi phí sản xuất trong việc vận hành khai thác nước mặt, công ty đang mở rộng phục vụ về địa bàn nông thôn. Trong 9 tháng qua, Dawaco cung cấp 1.123.902m3 nước phục vụ địa bàn nông thôn. Đầu năm 2013, Dawaco đã đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt cho khu vực Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang và các xã lân cận với giá trị xây lắp 10,6 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu đưa tỷ lệ 85% số hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch sinh hoạt vào năm 2015, Dawaco cần nguồn kinh phí để đầu tư phát triển mạng lưới. Ngoài ra, mạng lưới cấp nước tại nhiều khu dân cư bị xuống cấp gây xì vỡ, do đó Dawaco cần nguồn vốn từ 100-150 tỷ đồng để đầu tư thay thế.

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.