.

Tìm thị trường tại Đà Nẵng

.

Liên tục những tháng gần đây, nhiều cuộc giao thương được tổ chức nhằm đưa hàng hóa các tỉnh phía Nam ra thị trường Đà Nẵng. Chủ động đặt vấn đề giá cả, chất lượng và “khẩu vị” doanh nghiệp (DN), các tỉnh đang từng bước “lấy lòng” người tiêu dùng Đà Nẵng.

Nhiều doanh nghiệp các địa phương đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường Đà Nẵng.
Nhiều doanh nghiệp các địa phương đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường Đà Nẵng.

Doanh nghiệp tìm thị trường

Trong chương trình hợp tác phát triển thương mại giữa các địa phương, nhiều đoàn DN với sự “đỡ đầu” của Sở Công thương Bến Tre, An Giang, Lâm Đồng đã đưa sản phẩm thế mạnh đi giới thiệu. Dẫn đầu đoàn DN đến Đà Nẵng, bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang đặt vấn đề: “Qua khảo sát hệ thống phân phối, bán buôn bán lẻ, chúng tôi nhận thấy Đà Nẵng là thị trường tiềm năng để nhắm vào. Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nơi đây không chỉ đối với khách hàng địa phương mà lượng khách vãng lai mỗi năm rất lớn. Đây là cơ hội để các DN của chúng tôi mở rộng địa bàn tiêu thụ sản phẩm”. Theo bà Mai, hiện tỉnh An Giang có 16 đơn vị xuất khẩu gạo với sản lượng 20.000 - 30.000 tấn/năm, năng lực xuất khẩu rau, quả 600.000 tấn, cá 200.000 tấn…

Mong muốn được cung ứng hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng về thị trường Đà Nẵng và miền Trung, ông Huỳnh Quang Đấu, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Rau quả thực phẩm An Giang nói: “Thực tình mà nói, thị trường trong nước tiềm năng nhưng thời gian qua công ty chỉ chú trọng xuất khẩu. Nhận thấy Đà Nẵng là thị trường có khả năng xâm nhập tốt nên chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ, một khi được chấp nhận thì sẽ phải làm đến nơi đến chốn. Đặc biệt, về giá cả rất cạnh tranh, khẩu vị phải phù hợp với người miền Trung. Qua những khách du lịch, tôi biết người Đà Nẵng cũng rất thích những đặc sản vùng đồng bằng sông Cửu Long như mắm cá linh, các loại mắm kho hộp”.  

Với nhiều DN tỉnh Bến Tre, đây mới chỉ là bước khởi đầu đi chào hàng. Các đặc sản của Bến Tre vốn nổi tiếng từ lâu như kẹo dừa, dầu dừa, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa. Là tỉnh duy nhất trong cả nước có tới 70.000 hec-ta dừa với sản lượng 500 triệu trái dừa mỗi năm, cung cấp cho khoảng 100 DN, 300 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến. Đại diện DNTN Quỳnh Mai (kinh doanh hàng nông sản) cho biết: “Trước đây chúng tôi chuyên bán sản phẩm qua Trung Quốc nhưng thấy tình hình làm ăn khá bấp bênh nên muốn quay về với khách hàng nội địa. Lần đầu tiên mang hàng ra Đà Nẵng, chúng tôi muốn tìm hiểu khẩu vị từng vùng miền để có những điều chỉnh phù hợp hơn cho sản phẩm. Sau này, khi đã thâm nhập được thị trường, nếu bạn hàng có nhu cầu sẽ vận chuyển hàng tới tận nơi…”.

Tạo điều kiện cho hàng Việt

Trước triển vọng hợp tác lâu dài, đại diện Sở Công thương Lâm Đồng cho rằng: Lâu nay các DN nông sản Lâm Đồng đã bỏ quên một thị trường lớn, đầy tiềm năng ở miền Trung. Những sản phẩm xuất xứ từ Đà Lạt có chất lượng, an toàn, giá trị cạnh tranh cao nhưng chưa được giới thiệu đầy đủ, chưa có chiến lược kết nối trong phân phối, giao thương tại khu vực này. “Các DN Đà Nẵng hoàn toàn yên tâm vì đã có những đối tác tin cậy. Chúng tôi sẽ cung ứng các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường tại đây nhằm góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Huỳnh Ngọc Cảnh, Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng khẳng định.

Qua khảo sát, phần lớn hàng hóa ở Đà Nẵng do các tỉnh miền Tây cung ứng là cá, lúa gạo, rau màu, trái cây, thực phẩm đóng hộp… với sản lượng hằng năm rất lớn. Hàng loạt mặt hàng đặc sản như kẹo dừa, bưởi Năm Roi, mắm cá Châu Đốc, khô bò, xôi phồng đã trở nên quen thuộc với người dân Đà Nẵng.

Theo lãnh đạo Sở Công thương Đà Nẵng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của Đà Nẵng cao hơn so với các địa phương miền Trung. Nguồn hàng cung ứng từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam chiếm tới 70% tiêu dùng của người dân. “Chúng tôi rất ủng hộ và tạo điều kiện để hàng Việt có chất lượng về thị trường Đà Nẵng. Điều đó sẽ hạn chế được hàng Trung Quốc kém chất lượng ồ ạt trong các chợ. Song cũng cần bàn về cách làm thị trường cho hiệu quả để DN vào thị trường này. Phải xác định rõ, bán cho ai, chiến lược maketing như thế nào, muốn thâm nhập hệ thống phân phối cần có lộ trình…”, ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng nhấn mạnh. Tiếp xúc với các DN phía Nam, nhiều ý kiến cũng nêu nhu cầu Đà Nẵng đang cần tiêu thụ gạo nhưng lâu nay vẫn nhập hàng theo kiểu nhỏ lẻ, không chủ động thị trường dẫn đến giá bán cao. Nên chăng, sắp tới các DN miền Tây cần xây dựng hệ thống dự trữ gạo vì đây là mặt hàng thiết yếu.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.