Dệt may là một trong những ngành có nhiều cơ hội từ Hiệp định TPP khi thuế suất hạ xuống 0%. Đây chính là lợi thế để hàng dệt may Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao hơn so với một số nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới nhưng không phải là thành viên TPP. Vậy, ngành dệt may Đà Nẵng làm gì để tận dụng cơ hội này?
TIN LIÊN QUAN |
---|
Công ty CP Dệt may 29-3 mời các chuyên gia của các đối tác sang nơi sản xuất tham quan, đánh giá, kiểm tra việc sản xuất hàng veston. |
Phát huy thế mạnh và uy tín
Những doanh nghiệp ngành dệt may lớn trong khu vực như: Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ (Hòa Thọ), Công ty CP Dệt may 29-3 (Công ty 29-3) và Công ty CP Dệt Hòa Khánh (Dệt Hòa Khánh)… có bề dày kinh nghiệm tham gia xuất khẩu, mỗi đơn vị có thế mạnh và uy tín riêng trên thị trường để lựa chọn phương án tiếp cận phù hợp. Hòa Thọ là doanh nghiệp lớn nhất trong khu vực với 7 đơn vị thành viên và 3 công ty con, chủ yếu làm hàng xuất khẩu, thu hút trên 7.000 lao động với giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2013 dự kiến 100 triệu USD.
Ông Nguyễn Đức Trị, Tổng Giám đốc Hòa Thọ cho biết: Qua nhiều năm xây dựng, Hòa Thọ đã khẳng định được vị thế của mình trong ngành dệt may Việt Nam cũng như trên thị trường xuất khẩu thế giới. Hòa Thọ đã có chỗ đứng nhất định đối với khách hàng quốc tế cũng như với người tiêu dùng trong nước. Hiện Hòa Thọ đã có đầy đủ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được đổi mới với công nghệ tiên tiến và hiện đại hóa tới gần 90%; lực lượng lao động dồi dào, có kỹ năng và tay nghề may tốt… đạt tiêu chuẩn SA 8000 và được các khách hàng lớn chứng nhận như Motives, Snickers, Decathlon, Perry Ellis International... Vì vậy, Hòa Thọ đã và đang củng cố và phát huy tiềm năng thế mạnh của mình để đón đầu khi TPP được ký kết.
Thế mạnh lớn nhất của Công ty 29-3 là có nhiều mặt hàng được sản xuất từ khâu đầu đến khâu cuối tại doanh nghiệp, bảo đảm chất lượng theo yêu cầu nhà nhập khẩu. Chẳng hạn, các sản phẩm khăn xuất khẩu chất lượng cao với sợi yarn dyed (sợi nhuộm) và các mặt hàng quần áo may sẵn, kể cả veston. Vì vậy, để thực hiện TPP, Công ty 29-3 đang tích cực chủ động liên kết với các nhà cung cấp nguyên liệu trong các nước tham gia TTP để bảo đảm nguồn cung nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm xuất khẩu. Đồng thời, Công ty 29-3 sẽ gia tăng các giá trị của sản phẩm dệt may thông qua việc giảm các đơn hàng CMT (gia công), hướng đến FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm), OEM (gia công sử dụng thiết bị của mình) song song với việc phát triển thương hiệu riêng (OBM) trong thị trường nội địa.
Hợp tác, hoàn thiện chuỗi sản phẩm từ trong nước
Với mức thuế suất bằng 0%, ngành dệt may tham gia xuất khẩu sẽ có khoản tích lũy và tăng trưởng tương đương với khoản thuế hiện nay mà các đơn vị đang phải chịu khi xuất khẩu vào các thị trường các nước tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều này càng trở nên có ý nghĩa khi 50% sản lượng xuất khẩu của ngành dệt may là vào thị trường Mỹ (tương đương với 10 tỷ USD trong năm 2013). |
Theo yêu cầu của TPP, để được hưởng thuế suất ưu đãi trên, ngành dệt may phải tuân thủ công thức do TTP đặt ra là “từ sợi trở đi”, có nghĩa là các khâu đoạn từ kéo sợi, dệt - nhuộm - hoàn tất và may phải được làm tại các nước thành viên. Nhưng trong thực tế, ngành dệt may ở nước ta chưa đáp ứng được, khâu sản xuất sợi chỉ được khoảng trên 40% và sản xuất vải chỉ đáp ứng được khoảng 12% so với nhu cầu (tính tới thời điểm hiện tại), chưa kể khâu nhuộm. Vì vậy, việc khép kín chuỗi dây chuyền sản xuất để được hưởng ưu đãi trên theo công thức “từ sợi trở đi” mà TPP đặt ra là rất khó khăn.
Dệt Hòa Khánh là đơn vị tuy nhỏ, nhưng lại có ưu điểm là một số mặt hàng sản phẩm chủ lực của công ty được sản xuất theo chu trình khép kín, đáp ứng được yêu cầu như màn tuyn xuất khẩu và dây chuyền sản xuất vải thành phẩm sợi yarn dyed. Tuy nhiên, do quy mô nhỏ chỉ đáp ứng được một phần vải cho các dây chuyền may xuất khẩu, vì thế việc mở rộng quy mô sản xuất của công ty để được hưởng lợi từ TTP cũng rất hạn chế.
Việc đầu tư toàn bộ các công đoạn trong một thời điểm nhằm đáp ứng yêu cầu của TPP là rất khó khăn đối với các doanh nghiệp, nhưng đây là cơ hội không thể bỏ qua của ngành dệt may. Để ngành dệt may hội nhập và đáp ứng được các yêu cầu của TPP, theo ông Nguyễn Chánh, Giám đốc Dệt Hòa Khánh, là phải liên kết với nhau, khai thác lợi thế, năng lực thiết bị công nghệ thị trường của nhau, kể cả liên kết hợp tác cùng đầu tư đổi mới công nghệ tạo sản phẩm đầu vào chất lượng cao cho may xuất khẩu. Đồng thời phát huy vai trò đầu tàu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, của Tập đoàn Dệt may Việt Nam.
Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp phải căn cứ vào thế mạnh, khả năng tài chính của mình để đổi mới công nghệ và quản trị doanh nghiệp, sớm đầu tư phân khúc vào công đoạn dệt - nhuộm hoàn tất, (không nhất thiết phải đầu tư mới hoàn toàn, đầu tư đầy đủ). Ngoài ra, rất cần có sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước trong chính sách miễn, giảm, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ lãi suất vay thấp, chính sách hỗ trợ lao động dệt may, tạo điều kiện hoạt động thuận lợi để doanh nghiệp ổn định, bảo đảm sản xuất, tái đầu tư đổi mới công nghệ.
Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH