.

FDI ở Đà Nẵng - Kỳ 1: Những đóng góp quan trọng

.

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển và lớn mạnh của các doanh nghiệp (DN) trong nước, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Cơ cấu, quy mô, lĩnh vực hoạt động của loại hình DN này không ngừng được mở rộng và trở thành bộ phận hữu cơ ngày càng quan trọng của nền kinh tế, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Sản xuất đồ chơi ở Công ty cổ phần Keyhinge Toys Việt Nam.  Ảnh: THÀNH LÂN
Sản xuất đồ chơi ở Công ty cổ phần Keyhinge Toys Việt Nam. Ảnh: THÀNH LÂN

Bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư phát triển

Tính đến tháng 10-2013, Đà Nẵng thu hút được 278 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 3,3 tỷ USD. Hiện tại có 35 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư vào Đà Nẵng với 18/21 ngành trong hệ thống kinh tế quốc dân. Vốn đầu tư chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt-may, y tế, công nghệ thông tin… Cụ thể, ở lĩnh vực kinh doanh bất động sản, các DN FDI đã đầu tư 26 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư lên đến 1,83 tỷ USD, công nghiệp chế biến, chế tạo có 83 dự án với tổng vốn đầu tư trên 667 triệu USD… Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Đà Nẵng ngày càng tăng, góp phần bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển của thành phố. Đầu tư nước ngoài đã góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, qua đó tạo việc làm, nâng cao đời sống người lao động…

Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho biết, công tác thu hút FDI trên địa bàn thành phố trong thời gian qua diễn biến theo hướng thuận lợi, đặc biệt là giai đoạn 2006-2010. Trong 3 năm 2006-2008, thu hút FDI tăng mạnh cả số lượng và quy mô đầu tư. Nếu như trong giai đoạn 2001-2005 thành phố chỉ mới thu hút được 34 dự án với tổng vốn đăng ký gần 325 triệu USD, thì giai đoạn 2006-2010 đã tăng gấp 3,5 lần về số dự án và gấp 6 lần về tổng vốn đăng ký đầu tư.

Tuy nhiên, trong 3 năm gần đây (2011-2013), tình hình thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn có dấu hiệu chững lại và hụt hơi so với nhiều địa phương trong khu vực. Mặc dù 3 năm có đến 105 dự án đăng ký đầu tư, nhưng tổng vốn đầu tư mới chỉ đạt 493 triệu USD chỉ bằng khoảng 1/4 so với giai đoạn 2006-2008.

Với lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển kinh tế hiện có, song tình hình thu hút FDI vào thành phố trong thời gian gần đây đã không đạt như kỳ vọng. Và theo báo cáo của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư thành phố, 10 tháng đầu năm 2013 đã có 35 dự án được cấp mới, nhưng vốn đăng ký chỉ đạt hơn 147,8 triệu USD. Tình trạng này cho thấy việc suy giảm thu hút vốn đầu tư FDI ở Đà Nẵng vẫn đang tiếp diễn mà chưa có dấu hiệu khả quan nào về việc phục hồi. Điều đó thể hiện qua việc tổng vốn FDI được cấp mới và tăng thêm trên địa bàn trong 10 tháng qua chỉ hơn 1/3 so với năm 2007 và chưa bằng 1/2 so với năm 2008.

Công nhân lao động làm việc trong Nhà máy TCIE.
Công nhân lao động làm việc trong Nhà máy TCIE.

Đóng góp đáng kể vào ngân sách và xuất khẩu

Theo Cục Thuế thành phố, các DN FDI đóng góp cho ngân sách Nhà nước ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Hiện nay, các dự án vẫn còn trong thời hạn hưởng ưu đãi của Luật Đầu tư, nhưng nguồn thu đã có tính ổn định và tăng trưởng bền vững. Trong 3 năm gần đây (2010-2012) số thu bình quân từ khối DN này ước đạt 48 triệu USD/năm, trong đó nhiều DN nộp thuế lớn như Công ty TNHH VBL Đà Nẵng đóng bình quân 14 triệu USD/năm, Công ty Silver Shores đóng khoảng 3 triệu USD/năm... Riêng trong năm 2012, mặc dù gặp nhiều khó khăn do suy giảm kinh tế, nhưng các DN FDI đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước hơn 44,3 triệu USD, đạt trên 81% dự toán...

Bên cạnh đó, các DN FDI cũng đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố. Riêng 9 tháng đầu năm 2013, các DN FDI đã xuất khẩu 654 triệu USD, đạt 73,9% kế hoạch năm, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm công nghệ cao được sản xuất bởi DN FDI từ Đà Nẵng đã bắt đầu có mặt trên thị trường thế giới như các loại mô-tơ điện tử, cần câu cá, gậy đánh golf, thiết bị điện cao cấp… Sản xuất công nghiệp của khối FDI đã có những bước đi bền vững, hàm lượng giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, hiện đại. Ông Loh Chun Ying, Chủ tịch TCIE Việt Nam, cho biết mặc dù mới khai trương từ tháng 6-2013, nhưng TCIE Việt Nam đã có một đội ngũ công nhân lành nghề, người Việt Nam đủ sức vận hành các dây chuyền lắp ráp ô-tô. Trong thời gian đến, công ty sẽ tiếp tục đưa công nhân sang đào tạo tại Malaysia, với mong muốn lao động người địa phương sẽ nắm bắt và tiếp cận được công nghệ hiện đại, phong cách làm việc khoa học và chuyên nghiệp.

Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN


Kỳ 2: Đẩy mạnh thu hút đầu tư bằng cách nào?

;
.
.
.
.
.