.

Làng nuôi chim cút

.

Ít nơi nào trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hoạt động chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững như thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang). Sau khi nuôi heo, gà hiệu quả kinh tế không cao, năm 2005, hàng chục hộ ở đây chuyển sang nuôi chim cút. Mấy năm gần đây, loài chim này đem lại cơ hội làm giàu cho hơn 60 gia đình.

Ông Lê Thiện (bên phải) tại trại nuôi cút đẻ của mình.
Ông Lê Thiện (bên phải) tại trại nuôi cút đẻ của mình.

Sau khi dẫn chúng tôi tham quan mấy dãy chuồng nuôi hàng chục nghìn con chim cút, ông Lê Thiện, “đại gia” của làng nuôi chim cút Trà Kiểm cho biết: Tổng đàn 20.000 con. Mỗi ngày thu 16.000 quả trứng. Với giá 400 đồng/quả, ngày nào cũng thu 6,4 triệu đồng. Nghe ông nói, quả thực chúng tôi bán tín bán nghi. Hiểu ý, ông trấn an: Thực ra, có bữa cao hơn nữa, hơn 17.000 quả chứ không ít. Tuy vậy, trong số đó, phải trừ 5,2 triệu đồng các khoản chi phí, bao gồm thức ăn, nhân công, điện nước… “Thu nhập cao và ổn định, nên phong trào nuôi chim cút ở Trà Kiểm phát triển rất mạnh. Nếu như năm 2005, chỉ dăm ba hộ thì nay trên 60 hộ nuôi. Nhiều gia đình nuôi từ 10.000 - 15.000 con.

Loài vật này ít dịch bệnh hơn gà, vịt. Đầu ra rất thuận lợi, giá cả ổn định. Ngày nào cũng có bạn hàng đến tận trại lấy hết số trứng vừa thu được”, ông Thiện cho biết thêm. Nói về kinh nghiệm nuôi cút đẻ, lão nông này “bật mí”: Chuồng trại phải cao ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông và luôn sạch sẽ. 2 ngày phun tiêu độc khử trùng/lần. Nhiệt độ trong chuồng ổn định ở mức 30 - 32 độ C là tốt nhất. Hiện nay, nuôi cút hộ nào cũng lắp đặt hệ thống phun sương làm mát. Khi cút 21 ngày tuổi thì tiêm vắc-xin phòng dịch và thường xuyên nhỏ vắc-xin.

Cùng với chị Nguyễn Thị Quy, thú y viên cơ sở xã Hòa Phước, chúng tôi đến thăm khá nhiều cơ sở nuôi cút ở Trà Kiểm. Đến đâu cũng thấy trại nuôi ở đây xây dựng rất cơ bản, cách biệt với nhà ở khá xa. Tại trại của bà Lê Thị Lực, có hơn 7.000 con cút đẻ. Dừng việc phun thuốc tiêu độc khử trùng trong chốc lát, đứng ngay nơi hàng nghìn con cút đang hòa nhịp, bà Lực tâm sự: Sau đợt dịch heo tai xanh gần chục năm trước, không chuyển nhanh sang nuôi cút, có lẽ đến nay đời sống gia đình vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. So các loài vật khác, nuôi cút hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Ngày nào cũng thu 6.000 quả trứng, bán ra 2,4 triệu đồng. Trừ hết chi phí lãi hơn 400.000 đồng. Nói về hộ nuôi cút làm giàu ở Trà Kiểm, bà Lực liệt kê một loạt, như ông Nguyễn Mai, bà Trần Thị Năm, ông Lê Hảo…

Có thể nói, nuôi cút đẻ đã và đang là thế mạnh kinh tế của thôn Trà Kiểm. Hiện tại, ở làng quê này 100% nhà xây, trong đó rất nhiều nhà 2 tầng, khuôn viên rất đẹp. Năm 2013, trong số gần 170 hộ chỉ còn 2 hộ nghèo. Đây cũng là thôn người dân đóng góp rất lớn để nâng cấp hạ tầng thôn xóm. Năm 2011, Trà Kiểm đi tiên phong trong số 118 thôn ở Hòa Vang trong việc nâng cấp hệ thống giao thông thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới. Với sự cống hiến rất lớn về đất đai, kinh phí và công sức của nhân dân, UBND huyện Hòa Vang khen và thưởng 50 triệu đồng.

Nói về sự đổi thay như thấy được từng ngày ở Trà Kiểm, ông Võ Trần Minh Long, Chủ tịch UBND xã Hòa Phước, đúc kết: Tất cả đều từ phát triển chăn nuôi. Bao đời nay, Trà Kiểm là nơi chăn nuôi rất phát triển. Khi gặp khó khăn, họ không bó tay mà mạnh dạn chuyển hướng. Nhiều năm nay, chim cút đã khẳng định được ưu thế về hiệu quả kinh tế. Vấn đề đặt ra là phải đưa phong trào này phát triển ra phạm vi toàn xã, đặc biệt chú trọng đến khâu phòng dịch và bảo đảm vệ sinh môi trường…

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.