.

Du lịch có trách nhiệm

.

Ngành du lịch nên chuyển hướng phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, chú trọng đầu tư vào chất lượng nhằm đảm bảo tính bền vững trong tương lai. Trong đó, du lịch có trách nhiệm với những ưu thế vượt trội được nhiều đại biểu đánh giá là sự lựa chọn hàng đầu, là con đường dẫn đến thành công lâu dài.

Du lịch trách nhiệm và xu hướng tất yếu của phát triển du lịch bền vững. TRONG ẢNH: Lặn ngắm san hô ở bán đảo Sơn Trà.
Du lịch trách nhiệm và xu hướng tất yếu của phát triển du lịch bền vững. TRONG ẢNH: Lặn ngắm san hô ở bán đảo Sơn Trà.

Đó là nhận định được nhiều đại biểu thống nhất tại hội nghị “Chính sách du lịch có trách nhiệm” diễn ra tại Đà Nẵng ngày 14-11, với sự tham dự của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn và Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh.

Còn “ăn xổi ở thì”

So sánh với các nước cùng trong khu vực châu Á như Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc..., các đại biểu cho rằng năng lực cạnh tranh về du lịch của Việt Nam còn kém, tính liên kết thiếu bền vững dù tài nguyên du lịch hết sức dồi dào. Trong khi các nước tìm cách hưởng lợi du lịch suốt cả năm thì cách làm du lịch ở nước ta vẫn còn “ăn xổi ở thì”, mùa hè thì quá tải, còn mùa đông thì vắng khách. Chính xu hướng phát triển đại trà, thiếu đồng bộ, mang tính mùa vụ đã khiến hình ảnh du lịch của một số địa phương xấu đi trong mắt nhiều du khách.

Vì vậy, nhiều đại biểu cùng thống nhất quan điểm nên đưa ngành du lịch chuyển hướng phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, chú trọng đầu tư vào chất lượng nhằm bảo đảm tính bền vững trong tương lai. Trong đó, du lịch có trách nhiệm với những ưu thế vượt trội được nhiều đại biểu đánh giá là sự lựa chọn hàng đầu, là con đường dẫn đến thành công lâu dài. “Chính sự tăng trưởng và phát triển không kiểm soát của du lịch ở nhiều địa phương đã gây ra những tác động tiêu cực đến thiên nhiên, môi trường và các cộng đồng địa phương. Nó chẳng khác gì hạt mụn cóc xấu xí mọc trên mặt cô gái xinh đẹp”, ông Nguyễn Văn Tuấn ví von.

Điển hình tại Đà Nẵng, nhờ lấy du lịch trách nhiệm làm mục tiêu chung, thành phố biển này là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về khả năng cạnh tranh cũng như tính bền vững trong phát triển du lịch, tạo việc làm cho nhiều người dân góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Nhiều số liệu đưa ra cho thấy, dù số lượng khách du lịch đến Đà Nẵng không bằng các địa phương khác nhưng mức chi tiêu của du khách quốc tế lại cao hơn nhiều (từ 50-100 USD/ngày, so với Quảng Ninh là 30 USD/ngày), đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách của thành phố.

Năm 2012, Đà Nẵng đã vượt qua Quảng Ninh trở thành địa phương có tổng doanh thu về du lịch đứng thứ 3 trong cả nước. Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh: “Đà Nẵng sẽ cùng với các địa phương cam kết triển khai các chính sách về du lịch có trách nhiệm và xem đây là hoạt động trọng tâm, có ý nghĩa của ngành du lịch thành phố”.

Nâng cao ý thức cộng đồng

Theo ông Kai Partale, chuyên gia dài hạn Dự án EU nhận định, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về loại hình du lịch có trách nhiệm là việc làm thiết thực nhằm bảo đảm tính bền vững của điểm đến. Vì vậy, loại hình du lịch có trách nhiệm thường được lồng ghép trong các loại hình du lịch như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch làng quê… nhằm bảo tồn tài nguyên, kéo cộng đồng cùng tham gia và hưởng lợi. “Du khách khi tham gia vào các tour du lịch trách nhiệm sẽ có những trải nghiệm thú vị khi tìm hiểu về văn hóa, xã hội và môi trường bản địa, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa du khách và cộng đồng”, ông Kai Partale nói.

Gắn xã hội, môi trường và cộng đồng thành một tam giác khép kín trong phát triển du lịch có trách nhiệm cũng chính là mục tiêu mà thành phố Đà Nẵng đang hướng đến. Các công ty lữ hành đã xây dựng các tour, tuyến du lịch hướng về thiên nhiên, gắn với cư dân địa phương như thăm làng quê, đạp xe đạp, xích lô đường phố, lặn san hô, ngắm voọc chà vá... Trong đó, chính du khách sẽ là “đại sứ” tuyên truyền, vận động và tham gia vào việc làm cho môi trường du lịch trong sạch hơn. Trong những năm gần đây, Đà Nẵng cũng đã xây dựng các điểm bán hàng, các dịch vụ đạt chuẩn phục vụ du khách với việc niêm yết giá bán một cách minh bạch, đồng thời cộng đồng du lịch và người dân cùng chung tay dẹp nạn cò mồi, chèo kéo du khách.

Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao&Du lịch Đà Nẵng cho biết: “Việc cộng đồng và doanh nghiệp chung sức với cơ quan quản lý cùng thực hiện du lịch có trách nhiệm là phương thức hiệu quả nhằm quảng bá hình ảnh một Đà Nẵng thân thiện trong mắt bạn bè quốc tế, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch của điểm đến”.

Hội nghị nằm trong khuôn khổ triển khai dự án “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” do Liên minh châu Âu (gọi tắt là Dự án EU) tài trợ trị giá 11 triệu Euro và Chính phủ Việt Nam đóng góp 1,1 triệu Euro, được triển khai trong giai đoạn từ 2011-2015. Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ quản, Tổng cục Du lịch là cơ quan trực tiếp triển khai thực hiện dự án.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.