.

Nông dân sử dụng hiệu quả tín dụng ưu đãi

.

Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước, nhiều hộ nông dân huyện Hòa Vang vươn lên thoát nghèo một cách bền vững, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Nông dân đang rất cần vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh. TRONG ẢNH: Trại nấm của HTX Dịch vụ sản xuất kinh doanh tổng hợp nấm Hòa Tiến.
Nông dân đang rất cần vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh. TRONG ẢNH: Trại nấm của HTX Dịch vụ sản xuất kinh doanh tổng hợp nấm Hòa Tiến.

Tín hiệu vui từ mức lãi suất 6%

Nhận được thông báo của Hội Nông dân xã Hòa Tiến về việc thành phố giảm lãi suất tín dụng của Quỹ hỗ trợ nông dân từ mức 8-9%/năm xuống còn 6%/năm từ ngày 1-9, bà con nông dân phấn khởi. Riêng HTX Dịch vụ sản xuất kinh doanh tổng hợp nấm Hòa Tiến, vài tháng trước vừa được thành phố bố trí nơi sản xuất mới không còn phải “mượn đất” của UBND xã nữa, nay niềm vui tiếp nối niềm vui, nhiều hộ dân nhanh chóng trả xong tiền vay cũ để được vay lại với mức ưu đãi hơn. “Bà con làm nông nghiệp gặp rất nhiều rủi ro về thiên tai, dịch bệnh nên thành phố giảm được đồng lãi nào hay đồng nấy. Riêng HTX nấm Hòa Tiến, mức vay ưu đãi 6%/năm sẽ giúp các hội viên thu lãi về nhiều hơn”, ông Nguyễn Mai Hồng, Chủ nhiệm HTX nấm Hòa Tiến, cho biết. Theo thống kê của Hội Nông dân xã Hòa Tiến, chỉ trong 3 tháng giảm lãi suất cho vay về mức 6%/năm đã giải ngân 100 triệu đồng cho 10 hộ vay với mức 10 triệu đồng/hộ.

Nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, hơn 2 năm trước, Hội Nông dân thành phố kêu gọi những hộ có chung mục đích sản xuất và sở thích nên tập hợp làm ăn trong một mô hình kinh tế tập thể để được ưu tiên vay vốn. Việc góp vốn làm ăn chung vừa giúp các hộ dân trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau vừa quản lý chặt chẽ nguồn vốn vay. Việc thành phố giảm lãi suất vốn tín dụng nông dân về mức 6%/năm từ 3 tháng nay đã giúp nhiều tổ hợp tác, chi hội nghề nghiệp mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, xây dựng thương hiệu để tìm đầu ra cho sản phẩm. “Với mức lãi suất ưu đãi như hiện nay, cộng thêm mức sinh lời cao, người dân sẽ có thêm nguồn vốn để tái đầu tư, mở rộng sản xuất”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang Hồng Thị Trinh cho biết.

Làm giàu từ “vốn 41”

Với những hộ nông dân “có gan làm giàu” cần vay nguồn vốn lớn thì Quỹ hỗ trợ nông dân sẽ không đáp ứng hết nhu cầu vì nguồn vốn ít ỏi, trong khi mức cho vay thấp (từ 10-30 triệu đồng/hộ). Vì vậy, họ tìm đến nguồn “vốn 41”- gọi tắt của Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đây được xem là vốn chiến lược nhất tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ dân, giúp họ vươn lên làm giàu.

Trước đây, anh Nguyễn Duy Tuấn (thôn 5, xã Hòa Khương) cải tạo 65m­­­2 đất vườn nhà để nuôi heo thịt nhưng vì quy mô sản xuất nhỏ theo hình thức thủ công, cộng thêm giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên gia đình anh cũng không thu lãi được bao nhiêu. Sang giữa năm 2012, biết được nguồn vốn 41 của Ngân hàng NN&PTNT cho nông dân vay với mức lãi suất ưu đãi 9%/năm, anh mạnh dạn đem cầm cố sổ đỏ để vay số tiền 500 triệu đồng đầu tư sản xuất. Với số tiền này, anh Tuấn mở rộng trang trại lên tới 300m­­­2 để nuôi 40 heo nái sinh sản với hệ thống máy lạnh hiện đại. ­­­­Dù chỉ mới xuất bán lứa đầu 30 con nhưng anh Tuấn đã thu lãi trên 60 triệu đồng. “Với mức cho vay không tài sản bảo đảm từ 10-50 triệu đồng đối với hộ gia đình, từ 50-100 triệu đồng đối với trang trại, từ 100-500 triệu đồng đối với hợp tác xã, vốn 41 mở ra nhiều cơ hội cho sản xuất nông nghiệp, giúp bà con đầu tư làm ăn quy mô lớn”, ông Nguyễn Mường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Liên, nói.

Mặc dù “vốn 41” đã ít nhiều giải được “cơn khát vốn” cho nông dân nhưng qua tìm hiểu, một số hộ nông dân cho biết vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn này vì đối tượng cho vay còn hạn chế và nhiều thủ tục khác. Theo đại diện Ngân hàng NN&PTNT, nguồn vốn 41 không thiếu, tỷ lệ nợ xấu của vốn 41 chỉ ở mức thấp là 2,56% trên tổng số dư nợ cho vay, thế nhưng nhiều trường hợp ngân hàng ngại giải ngân vì hiệu quả đầu tư một số lĩnh vực chưa cao, phát sinh nhiều rủi ro, hoạt động sản xuất nông nghiệp còn phân tán, manh mún và nhỏ lẻ. Nhằm giúp người dân đầu tư sản xuất, ngân hàng đã vào cuộc cùng với Hội Nông dân các xã để xây dựng các tổ vay vốn, xây dựng các mô hình tiên tiến và kêu gọi nông dân ý thức làm giàu. “Cái khó của nông dân hiện nay là làm ăn manh mún trong khi rủi ro về thiên tai, dịch bệnh là rất lớn. Vì vậy nông dân cần phải xây dựng được những mô hình kinh tế có hiệu quả thì ngân hàng mới dám giải ngân nguồn vốn này”, ông Đoàn Phúc, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT tại Đà Nẵng, cho hay.  

Với lãi suất ưu đãi 6%/năm, vay tín chấp tối đa 30 triệu đồng/hộ, thời hạn vay kéo dài đến 5 năm, chính sách tín dụng “tam nông” từng bước hóa giải bài toán thiếu vốn cho người dân huyện Hòa Vang. Theo thống kê của Hội Nông dân thành phố, tính đến nay, tổng dư nợ tín dụng của Quỹ hỗ trợ nông dân đạt gần 13 tỷ đồng với trên 1.400 lượt hộ được vay, tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp (1,2% trên tổng số dư nợ cho vay).

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.