Còn 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán, thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ chuẩn bị hàng hóa chu đáo cho thị trường.
Sự tham gia tích cực của tiểu thương các chợ giúp ổn định giá cả trong dịp Tết. |
Hàng không thiếu
Để chủ động nguồn hàng phục vụ người dân Đà Nẵng trong những ngày cuối năm và Tết cổ truyền, Sở Công thương thành phố đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa. Đến nay, đã có 11 đơn vị, doanh nghiệp đầu mối có kế hoạch cung ứng ra thị trường lượng lớn hàng hóa với tổng giá trị trên 128 tỷ đồng.
Các nhà bán lẻ đã tăng khoảng 20-25% số lượng hàng hóa so với Tết Nguyên đán 2013. Về mặt hàng gạo, Công ty CP Lương thực Đà Nẵng chuẩn bị 300 tấn gạo nếp, gạo thơm, 1.000 tấn gạo thường, 100 tấn bột mì. Các siêu thị lớn trên địa bàn như Metro Đà Nẵng tham gia dự trữ hàng hóa với 35 tấn gạo, nếp các loại, 42 tấn thịt heo, bò, gà, cá tươi; 78 tấn rau, củ, trái cây các loại; đồ hộp, dầu ăn, bánh kẹo, bia, nước giải khát; Co.opMart Đà Nẵng (15 tấn gạo các loại; 4 tấn thịt gia súc; 25 tấn rau, củ, quả; 30 tấn bánh kẹo, mứt; 30 tấn đường và nước mắm, dầu ăn, mì gói, nước ngọt); BigC Đà Nẵng (5 tấn gạo, nếp các loại, 12 tấn thịt gia súc gia cầm, 6 tấn cá tươi); LotteMart Đà Nẵng (13 tấn gạo, nếp các loại; 25 tấn thịt gia súc, gia cầm, 10 tấn rau, củ quả và các loại thực phẩm khác); Intimex Đà Nẵng (40 tấn gạo, nếp; 7 tấn thịt gà, bò, heo, bánh kẹo đồ uống dầu ăn, mì chính, hạt dưa, đường, nước mắm, thực phẩm…).
Thông qua việc đấu thầu công khai, Công ty TNHH Đắc Vinh tiếp tục tham gia bán thịt heo với giá bình ổn thấp hơn thị trường từ 10-15%. Theo đó, sẽ có khoảng 35 tấn thịt heo thành phẩm được bán tại 13 điểm trên toàn thành phố và 2 xe lưu động. Thành phố tạm ứng 4 tỷ đồng không tính lãi để đơn vị thực hiện bảo đảm người dân được mua thực phẩm với giá tốt nhất. Chi nhánh Công ty CP Chăn nuôi Việt Nam tại Đà Nẵng đưa ra 6.000 con heo với giá dự kiến 50.000 đồng/kg, 30.000 con gà với giá 45.000 đồng/kg. Siêu thị Co.opMart cũng được hỗ trợ kinh phí 160 triệu đồng để tổ chức 3 đợt đưa hàng về các khu công nghiệp và các xã vùng xa trung tâm. Ngoài mạng lưới các doanh nghiệp, đại lý, cửa hàng phân phối sỉ và lẻ, hơn 4.000 tiểu thương của 8 chợ lớn sẽ tập trung vào mùa kinh doanh Tết với trên 100 tỷ đồng.
Cần tránh yếu tố tâm lý
Trên cơ sở nhu cầu tiêu dùng những năm trước, cùng với tình hình kinh tế trong nước chưa hết khó khăn, năm nay người dân miền Trung liên tiếp hứng chịu nhiều thiệt hại do bão, lũ nên sức mua được dự báo sẽ không tăng đột biến. Đại diện các siêu thị BigC, Co.opMart cho hay, kinh nghiệm trong những đợt mưa, bão vừa qua, người dân mua sắm thực phẩm ồ ạt trong cùng thời điểm tạo tâm lý tăng giá thị trường bên ngoài. Thế nhưng ngay khi bão tan, siêu thị mở cửa từ rất sớm lại có ít người mua. Các dịp Tết cổ truyền, siêu thị mở cửa đến trưa 30 Tết và mở lại từ ngày mồng 2-3 nên khách hàng thoải mái hơn về thời gian mua sắm.
Về cơ bản, thị trường hàng hóa được xem là dồi dào và sẽ không thiếu ở những nhóm hàng có nhu cầu mạnh. Tuy nhiên, phải thừa nhận năm nào cũng vậy, sự dồn dập mua sắm của người dân vào những ngày cận Tết luôn tạo áp lực lớn về giá so với những ngày bình thường. Điều này dẫn đến khả năng một số nhóm hàng tăng giá. Với nhu cầu Tết, những mặt hàng thường “sốt” giá như lương thực, thực phẩm, thức uống, xăng, dầu, gas… Sở Công thương đã vận động các đơn vị đầu mối sẵn sàng ứng phó trong khả năng tốt nhất. Lực lượng quản lý thị trường (QLTT) được huy động tối đa kiểm tra, kiểm soát nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, tăng giá, gây mất ổn định thị trường.
Theo ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng QLTT thành phố, xét tác động của mặt bằng giá cả không thể không nhắc tới yếu tố tâm lý của người tiêu dùng, nhất là khi tư thương lợi dụng thời điểm lễ, Tết để đầu cơ găm hàng nhằm trục lợi. Do vậy, người dân bình tĩnh mua sắm bởi điều kiện hệ thống kinh doanh có khả năng đáp ứng đầy đủ, thậm chí cung vượt cầu như thời gian gần đây. “Đà Nẵng là địa phương có hệ thống giao thông thuận lợi ở cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Một khi nhu cầu tăng sẽ có sự điều tiết từ các tỉnh, thành lân cận. Chúng tôi đã nắm khả năng cung ứng và có phương án hỗ trợ lẫn nhau giữa các tỉnh An Giang, Bến Tre, Lâm Đồng, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế… kịp thời vận chuyển nhanh chóng khi Đà Nẵng có yêu cầu”, ông Bằng nói thêm.
DUYÊN ANH