.

Bánh tráng Túy Loan vào mùa đắt hàng

.

Người Đà Nẵng có lẽ không ai không biết bánh tráng Túy Loan. Cứ vào dịp trước Tết khoảng 2 tháng, các hộ làm bánh tráng tại đây đã tất bật với các đơn hàng có khi lên tới hàng ngàn cái.

Ngày nào bà Nguyễn Thị Trĩ cũng làm bánh từ 3 giờ sáng để kịp có hàng giao các khách “ruột”.
Ngày nào bà Nguyễn Thị Trĩ cũng làm bánh từ 3 giờ sáng để kịp có hàng giao các khách “ruột”.

Bà Nguyễn Thị Trĩ (56 tuổi, ở Túy Loan Tây 1, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) cho biết: “Thời điểm này, có thêm ai đặt hàng thì cũng chịu vì với những đơn hàng bây giờ, có khi đến tối 30 cũng chưa chắc làm xong!”.

Hương vị đặc trưng

So với bánh tráng ở các nơi khác, bánh tráng Túy Loan khác biệt và đặc biệt cả về quy trình làm lẫn hương vị bánh. Hơn chục hộ làm bánh tại đây, đâu đâu người ta cũng xông bánh (hơ trên lửa), không phải phơi nắng như các nơi khác thường làm. Bánh được xông ăn rất xốp, lại có thể để quanh năm mà không lo bị mốc. Đó là chưa kể bánh không bị chỗ phồng chỗ lõm, tiết kiệm được diện tích khi xếp bánh. Than dùng để xông bánh cũng phải là loại than củi được đốt từ cây trên núi mang về. Than bán theo bao lớn với giá 110.000 đồng/bao 50kg.

Bánh tráng Túy Loan ăn rất giòn, xốp, khi ăn có thể ngửi được mùi vị thoang thoảng của tỏi, gừng và có vị ngòn ngọt không lẫn vào đâu được. “Việc bỏ thêm đường, nước mắm với liều lượng vừa phải, đúng và đủ là bí quyết làm nên hương vị đặc trưng của bánh tráng Túy Loan”, bà Nông (61 tuổi) - làm bánh tại Túy Loan Đông 2, Hòa Phong chia sẻ.

Gạo làm bánh phải là loại gạo xuyệt 3/2 với giá dao động khoảng 10.000-12.000 đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Trĩ cho biết, cứ một ang gạo (8,5kg) thì thêm 3kg mè trắng, 1,4kg đường, 0,5 lít nước mắm, 0,5kg gừng, tỏi và thêm một thìa cà-phê muối. Mỗi mẻ bánh với một ang gạo như vậy đổ được tầm 83 cái bánh. Loại bánh dày được tráng 2 lớp, to cỡ bằng mâm cơm nên giá cũng khá cao so với bánh ngoài thị trường, 110.000 đồng/10 chiếc. “Vì bánh làm cho dịp Tết, chỉ các hộ gia đình mới đặt làm loại bánh này để ăn hoặc để biếu nên người ta luôn chú trọng chất lượng”, bà Trĩ nói.

Làm không kịp tay

Những ngày này, từ 3 giờ sáng, các hộ làm bánh lật đật dậy với vô số công việc: ngâm gạo, nhóm bếp, giã gừng, đãi mè... để kịp tráng bánh. Họ làm liên tục đến 18 giờ thì nghỉ, nhưng có khi 21 giờ đêm vẫn còn làm để kịp giao hàng. Hộ nào nghỉ Tết sớm nhất cũng đã là 27 tháng Chạp. Đêm 30, cận đến giờ giao thừa mà còn đỏ lửa đổ bánh cũng là chuyện thường gặp của nghề này.

Làm bánh tráng lâu đời nhất ở Túy Loan phải kể đến hộ của bà Đặng Thị Tùng (74 tuổi, ở Túy Loan Đông 2, xã Hòa Phong). Để kịp tiến độ, bà phải vận động cả mấy người con cùng làm. Người bóc vỏ tỏi, người giã gừng, người đãi mè. Gừng và tỏi phải được giã thật nhuyễn gần như bột để ăn khỏi cợn, vị lại ngon hơn. Một ngày bà Tùng làm từ 2-5 ang gạo. Bánh bỏ sỉ cho các mối ở chợ có giá từ 70.000 - 80.000 đồng/10 chiếc. Lò bánh của bà Tùng còn nhận làm bánh theo yêu cầu với các mức giá khác nhau như 100.000 đồng, 120.000 đồng/10 chiếc. Bà Tùng hào hứng: “Nhiều bà con nhờ làm đến cả trăm, hai trăm bánh để biếu. Bánh tráng của vùng Túy Loan này “qua” Mỹ, Úc là chuyện bình thường”.

Khác với các hộ khác, hộ làm bánh của bà Trĩ chỉ làm vào dịp Tết và phải thuê thêm người làm. “Bánh của tôi thường chỉ có hộ gia đình đặt thôi. Nhà đặt một vài ang gạo để ăn hoặc biếu Tết. Nghề này lấy công làm lời là chính”, bà kể.

Mỗi dịp Tết như vậy, bà Trĩ làm được khoảng 100 ang gạo. Mỗi ang (83 cái) lời từ 100.000 - 200.000 đồng. Đang đợi lấy bánh, anh Dũng (28 tuổi), sống bên cạnh nhà bà Trĩ góp lời: “Năm nào tôi cũng đặt từ 20-30 chiếc bánh để gửi qua Mỹ cho mẹ. Ở bên đó, Tết nào mà thiếu bánh là mẹ nhớ, cứ dặn ráng gửi qua, ít cũng được”.

Ngoài mục đích kinh doanh, nhiều người làm bánh tráng ở Túy Loan còn mong muốn có cái Tết ấm cúng, đủ đầy. Đây cũng là ý nghĩa để duy trì được làng nghề. “Tôi còn sống thì còn làm. Trước đây, Tết nhà nào cũng làm bánh chưng, bánh tét, tráng bánh. Giờ quanh đi quẩn lại chỉ còn mấy hộ, đó cũng là lẽ đương nhiên, nhưng nghĩ lại vẫn thấy buồn...”, bà Tùng bộc bạch.

Bài và ảnh: BÌNH AN

;
.
.
.
.
.