.

Rượu cần Phú Túc

.

Sau gần 40 năm ngủ yên, những tưởng rượu cần Phú Túc mãi mãi trôi vào quá khứ nhưng nay lại lên men nồng nàn.

Ông Lê Đồ với các ché rượu cần vừa mới ủ.
Ông Lê Đồ với các ché rượu cần vừa mới ủ.

Xuất phát từ mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở Hòa Phú, theo chỉ đạo của UBND huyện, tháng 6-2013, tổ công tác gồm 8 người ở thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) cùng cán bộ lãnh đạo UBND xã Hòa Phú hành trình vào Tây Nguyên để “ôn tập” bài nấu rượu cần. Thêm 4 tháng thử nghiệm, điều chỉnh phù hợp điều kiện thực tế ở thôn, rượu cần Phú Túc đã trở lại.

Tôi từng được thưởng thức rượu Tà vạc và Tr’Đin của người Cơtu - loại rượu chế xuất từ cây rừng, tuyệt nhiên chưa nghe gì về sự tồn tại của rượu cần Phú Túc - thôn đa số là người dân tộc Cơtu. Hóa ra kiến thức, sự hiểu biết của tôi về mảnh đất mình đang sinh sống quá hạn hẹp. “Từ ngày trước, ông cha chúng tôi đã nổi tiếng nấu rượu cần rồi, sau năm 1978 đến nay thì bỏ, không nấu nữa. Vừa qua, khi được huyện và xã cùng tổ chức Tầm nhìn Thế giới hỗ trợ đi ôn lại cách nấu, ủ rượu cần ở Đắc Lắc, nghề nấu rượu cần được khôi phục”, ông Lê Đồ (59 tuổi) - một trong số 8 người dân đi học nấu rượu nói.

Nghề nấu rượu cần trước đây chủ yếu chỉ phục vụ gia đình, thôn, bản. Thời trước, cái ché làm bằng sành sứ nung từ đất để đựng các nguyên liệu ủ rượu cần lớn, mà nguyên liệu chính là sắn. Rồi ché bể dần, cạn hết, một số đồ uống khác phát triển tiện lợi hơn, người dân cũng không mặn mà lắm với rượu cần, rồi bà con bỏ hết, không ai làm nữa. Bây giờ đi về Phú Túc, hai bên đường người dân treo bảng quảng cáo “Điểm bán rượu cần Phú Túc”, một tín hiệu vui nhen nhóm lên với mảnh đất núi rừng xa xôi của thành phố. “Đi mấy ngày thôi, xem người ta làm để nhớ lại, chứ cũng từng biết, trực tiếp làm rượu cần trước đây. Với lại, ngày trước nguyên liệu là sắn, giờ thì gạo (nấu thành cơm) thay thế, nên có khác tí chút, cách thức cơ bản giống nhau. Nhưng khi về áp dụng, ban đầu cũng bị hư hỏng, bị chua. Qua mấy lần thử nghiệm, giờ thì ổn rồi, yên tâm rồi”, ông Đồ nói.

Nấu rượu cần trước hết là khôi phục nghề truyền thống của ông cha trước đây, đồng nghĩa với việc khôi phục những nét sinh hoạt văn hóa theo thời gian bị mai một dần. Không gian văn hóa núi rừng giàu bản sắc được phục dựng dần qua những đêm giao lưu, lễ hội tại nhà Gươl mới được trùng tu trở lại. Và xa hơn nữa, ấy là phục vụ kinh doanh. Làm rượu cần bán ra thị trường, nâng cao thu nhập cho đồng bào Cơtu ở Phú Túc nói riêng và xa hơn là người dân Hòa Phú nói chung. “Có mấy nhà đã bán được cho người trong thôn chưa biết nấu rượu cần, bán cả lên khu du lịch Ngầm Đôi rồi đó. Họ uống, họ ưng cái bụng, tìm đến mua, đặt hàng nhiều; chỉ sợ mình không làm tốt, làm không đủ thôi. Còn thiếu cái ché, thiếu cái men để nấu rượu. Mình làm, mình cũng uống mà, sắp đến Tết rồi, phải làm từ giờ thôi, dùng ngày lễ Tết, bán cho người trong thôn và nơi khác nữa”, ông Đồ kể.

Ông Đồ bảo, nấu rượu cần lên, không ai mua thì mình uống. Uống hết mấy ché rồi. Nhà ông chưa bán được ché nào, cũng chưa mặn mà về việc bán được hay không. Tôi lờ mờ hiểu cái suy nghĩ, lối sống của người dân vùng này vốn phóng khoáng, vô tư, hồn nhiên như cây cỏ, núi rừng vậy. Và tôi bỗng băn khoăn, liệu bỏ công, bỏ của ra để cử người đi học, đầu tư ché, men và gạo cho họ làm rượu cần, chẳng lẽ chỉ để... uống với nhau?

Song, ông Nguyễn Văn Vân, Bí thư - Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, cho biết: “Đã thành lập tổ hợp tác rượu cần ở Phú Túc. Hiện nay tổ hợp tác gom vốn được 30 triệu đồng gửi ra làng gốm Bát Tràng ở Hà Nội đặt mua ché. Sắp có ché sử dụng rồi. Chính tôi cùng đi với 8 người trong tổ vào Tây Nguyên để “học tập”, rồi trực tiếp ra tìm hiểu, đặt mua ché ở tận Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội mới yên tâm. Nghe anh em báo cáo tình hình “phát triển nghề” nấu rượu cần từng ngày. Mẻ đầu, mẻ thứ 2, ổn định men rượu rồi, phải kiểm tra chất lượng, kiểm dịch, kiểm tra các yếu tố về vệ sinh khác... Giờ thì bảo đảm yên tâm mọi mặt, đã có thể “ra mắt thị trường” được. Trong tháng này sẽ tổ chức lễ khai trương, hoàn thành thủ tục đăng ký thương hiệu”.

Ông Vân cũng cho biết, trong tháng 11 này sẽ khai trương để quảng bá thương hiệu “Rượu cần Phú Túc”, mời các cơ quan chức năng, các đơn vị du lịch đóng trên địa bàn như các khu du lịch Hòa Phú Thành, Suối Hoa, Ngầm Đôi. Không những thế, khách mời còn có thể có khu du lịch Bà Nà nữa để sản phẩm rượu cần Phú Túc được nhiều người, nhiều đơn vị có nhu cầu biết đến hơn.

Ông Nguyễn Văn Vân còn cho biết, tham vọng của xã không chỉ dừng lại ở 8 hộ được đi học nghề, mà sẽ là cả thôn Phú Túc ai cũng biết làm rượu cần, trở thành thôn làng nghề truyền thống, có thương hiệu lớn. Khi đó, rượu cần Phú Túc không chỉ phục vụ trong thôn, không chỉ ở xã Hòa Phú, ở huyện Hòa Vang mà cả Đà Nẵng, thậm chí khu vực miền Trung và nhiều vùng miền khác sử dụng, biết đến. Bây giờ về Phú Túc, chỉ cần 120.000 đồng, có thể mua một ché rượu cần để uống, thưởng thức, làm quà đi xa.

Ông Vân còn khoe đã có nhiều đoàn công tác từ thành phố và các địa phương tỉnh bạn đến du lịch, giao lưu. Trong những lần đó, rượu cần Phú Túc được mời thưởng thức và nghe “thẩm định” chất lượng. “Mừng lắm, khách ai cũng tấm tắc, bảo chẳng khác gì rượu cần Tây Nguyên. Bước đầu như thế là thành công rồi”, ông Vân rạng rỡ.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.