Ngày 24-1, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2014 tăng 0,69% so với tháng 12 và tăng 6,77% so với tháng cùng kỳ của năm 2013.
Ảnh minh họa |
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 đã tăng ở 10/11 nhóm trong rổ hàng hóa chung, với mức tăng từ 0,01-1,22%; trong đó tăng cao nhất vẫn là nhóm giao thông và nhóm văn hóa, giải trí du lịch.
Theo các chuyên gia, tháng này làn sóng người lao động ngoại tỉnh chuẩn bị hành trình về quê ăn Tết rất đông, do đó nhóm giao thông vận tải đã có mức tăng đột biến.
Đáng chú ý, theo chu kỳ, tháng 1 hàng năm sức mua tại nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm đồ uống và thuốc lá, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép… thường tăng đột biến từ nhu cầu mua sắm Tết của người dân, song năm nay các nhóm này lại có mức tăng không lớn lắm.
Cụ thể, CPI tháng 1 tại nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ tăng 0,77%%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,32%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,89%.
Phó giáo sư, tiến sỹ kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh, chỉ số CPI ở tháng 1 hiện có mức tăng thấp nhất so với cùng thời điểm của 10 năm trở lại đây. Điều này cho thấy sức mua của nền kinh tế vẫn rất yếu. Nguyên nhân là khu vực sản xuất tiếp tục bị đình đốn khiến thu nhập của người lao động eo hẹp, kéo theo khu vực kinh doanh dịch vụ cũng rất khó khăn.
Bên cạnh đó, trong tháng 1/2014, giá vàng quốc tế tiếp tục giảm và tác động khiến giá vàng trong nước giảm theo (giảm 1,82%), so với cùng kỳ năm ngoái giá vàng hiện giảm kỷ lục (ở mức 25,74%). Bên cạnh đó, tỷ giá USD trên thị trường cũng giảm nhẹ 0,06%, tuy nhiên tỷ giá USD liên ngân hàng được giữ ổn định ở mức 21.036 đồng.
Vietnam+