ĐNĐT - Được uống sữa bột, sữa tươi hằng ngày là nhu cầu hết sức cần thiết của mọi người, nhất là trẻ em và người già. Nhưng hiện cả sữa bột và sữa nước liên tục tăng giá trong thời gian gần đây, khiến các bà mẹ phải băn khoăn khi chọn sản phẩm sữa cho con em mình.
“Té nước theo mưa”
Bất chấp quy định về quản lý giá sữa của Bộ Tài chính, từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2014, giá sữa bột dành cho trẻ em lại tiếp tục tăng giá. Cụ thể, đầu năm 2014, một số sản phẩm sữa lại được phép tăng giá từ 7-10%, như hãng sữa NutiFood, Vinamilk, Mead Johnson… Nhưng điều đáng nói, trên thị trường, không ít sản phẩm sữa đã đua nhau “nhảy múa” tăng giá thêm từ 9-15%.
Người tiêu dùng "đau đầu" vì giá sữa liên tục tăng giá |
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện đa số các đại lý, tạp hóa bán sữa trên địa bàn Đà Nẵng đã điều chỉnh giá bán các loại sữa nước, sữa bột tăng lên từ 9-15%. Từ đầu tháng 2-2014, hãng sữa Anlene điều chỉnh giá bán với mức tăng trung bình 9%, như: Anlene vanilla gold 800 gam, hộp sắt từ 308.500 đồng tăng lên 314.000 đồng/ hộp; Anmum materna 800 gam, hộp sắt tăng 14.000 đồng/ hộp (từ 334.000 đồng lên 348.000 đồng/hộp)…
Theo đại diện một siêu thị trên địa bàn Đà Nẵng, đến thời điểm này các siêu thị đều nhận được thông báo về việc tăng giá sữa của một số hãng. Chẳng hạn, sữa Vinamlik tăng từ 6% ở các dòng sữa đặc và sữa nước; tăng 9% đối với dòng sữa bột; Cô gái Hà Lan tăng 15% đối với dòng sữa bột nguyên kem; các dòng sản phẩm của nhãn Anlene cũng tăng 9%.
Như vậy, chỉ có vài hãng sữa được phép tăng giá nhưng hiện hầu hết các sản phẩm sữa bột, sữa nước bán trên thị trường đều được các đại lý điều chỉnh tăng giá lên. Phải chăng đây là hiện tượng “té nước theo mưa” của các cửa hàng kinh doanh hay các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu sữa?
Trả lời câu hỏi này, chị Nguyễn Thị Đại - chủ cửa hàng kinh doanh sữa trên đường Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu) cho rằng: “Chẳng có đại lý buôn bán sữa nào lại tự ý tăng giá sữa lên cả. Chỉ khi nào chúng tôi nhận được thông báo tăng giá từ doanh nghiệp cung cấp sữa thì mới điều chỉnh giá bán”. Như vậy, việc điều chỉnh tăng giá sữa lần này là do chính doanh nghiệp cung cấp sữa. Thế nên, để tránh hiện tượng “té nước theo mưa” như hiện nay, cơ quan quản lý Nhà nước cần thông tin rõ đến người tiêu dùng (NTD) về các sản phẩm sữa được phép tăng giá trong đợt này.
“Đau đầu” với giá sữa
Trong khi các nhà bán lẻ trong nước ra sức kích cầu người dân mua sắm với những chính sách ưu đãi, nhằm giảm bớt gánh nặng chi tiêu thì các doanh nghiệp sữa lại đi ngược lại. Khác với những lần tăng giá trước được một số hãng giải thích là do thay đổi thành phần chất lượng, nguyên liệu đầu vào tăng… Thế nhưng lần này, một số doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu sữa điều chỉnh tăng giá bán lại không giải thích rõ nguyên nhân.
Đợt tăng giá này được xem là “cú sốc” đối với nhiều người thu nhập thấp bởi gánh nặng kinh tế quá lớn. Sữa là mặt hàng thiết yếu của trẻ em, người già, vì thế dù khó khăn nhưng nhiều người không thể không sử dụng. Quá bất ngờ về giá sữa tăng, chị Nguyễn Thị Ni (làm việc tại Công ty xi măng Hải Vân), cho hay hôm trước Tết, chị mua hộp sữa nhãn hiệu Anmum materna 800 gam, hộp sắt giá 334.000 đồng thì nay đã lên 348.000 đồng/hộp. Giá sữa cứ “nhảy múa” như thế này thì những người làm công ăn lương sao chịu nổi.
Chị Lê Thị Mỹ (công nhân KCN Hòa Khánh) cũng tỏ ra lo lắng khi giá sữa tiếp tục tăng giá: “Mỗi tháng, hai con tôi uống hết 5-6 thùng sữa Vinamilk loại hộp nhỏ (110ml). Riêng tiền sữa cho con đã chiếm 1/3 lương rồi. Tháng nào có hàng nhiều, làm tăng ca thì mới nhận được 3,5-4 triệu đồng, trích hơn 1 triệu mua sữa cho con còn có vẻ “nhẹ nhàng". Nhưng những lúc nào công ty rảnh việc, mọi chi tiêu trong nhà chỉ trông vào 1 suất lương công nhân của chồng, chi phí mua sữa cho con phải nghĩ nát cả đầu. Bây giờ sữa nội cũng tăng giá, không biết rồi đây sẽ dùng sữa gì khi đồng lương quá ít ỏi”.
Ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng cho hay: “Việc tăng giá sữa như hiện nay, ở góc độ địa phương, ngành Công thương chỉ có thể kiểm tra niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Còn về cơ cấu giá thành, cách tính giá nhập khẩu, giá bán lẻ như thế nào thì rất khó biết, đầu mối là ở cơ quan quản lý ở Trung ương như Bộ Y tế, Bộ Tài chính”. Ông Bằng cũng cho biết thêm, việc điều chỉnh tăng giá sữa lần này, quyền của NTD đã không được tôn trọng. Vấn đề ở chỗ: trường hợp nào tăng, tăng bao nhiêu là hợp lý, trường hợp nào tăng bất hợp lý dưới mọi hình thức cần phải minh bạch công khai cho NTD biết.
Sữa là mặt hàng nằm trong danh mục Bộ Tài chính quản lý giá, tuy nhiên giá sữa hầu như năm nào cũng bị điều chỉnh tăng. Trước tình hình giá sữa “phi mã”, người dân mong rằng các cơ quan quản lý Nhà nước phải sớm làm rõ việc tăng giá và về phái doanh nghiệp sữa, cần giải thích đã hợp lý hay chưa khi liên tục đấy giá sữa tăng mỗi năm như vậy.
Bài và ảnh: Trọng Hùng