.

Đón Tết ở công trường

.

Đêm mồng 2 Tết Giáp Ngọ, ở dự án công trình nút giao thông ngã ba Huế càng về khuya người đi chơi xuân càng thưa. Nhưng dưới ánh đèn cao áp, từng tốp công nhân cầu đường vẫn bám vị trí, lao động không ngơi tay để bảo đảm tiến độ công trình như đơn vị thi công hứa với lãnh đạo thành phố trước đó.

Kỹ sư Trần Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Công ty TNHH BT ngã ba Huế-Trung Nam đứng trên nhịp cầu trụ T10-T11 vừa đổ xong bê-tông vào rạng sáng ngày mồng 2 Tết Giáp Ngọ để quan sát tình hình thi công ở dự án.
Kỹ sư Trần Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Công ty TNHH BT ngã ba Huế-Trung Nam đứng trên nhịp cầu trụ T10-T11 vừa đổ xong bê-tông vào rạng sáng ngày mồng 2 Tết Giáp Ngọ để quan sát tình hình thi công ở dự án.

Kỹ sư Trần Trung Nghĩa chia sẻ, anh đã làm nghề xây dựng hơn 15 năm nhưng đây là cái Tết đầu tiên đón xuân ở công trường. Nơi quê nhà ở xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định có ba mẹ già và các em đang mong ngóng anh về đón giao thừa. Với trách nhiệm là Phó Giám đốc, kỹ sư Trần Trung Nghĩa như là “Phó tư lệnh mặt trận” nên luôn trực chiến ở công trình. Anh Nghĩa cho hay: “Thời khắc giao thừa, cả công trình lặng yên, các nhóm thợ ngơi tay làm việc hướng ánh mắt về phía đông thành phố ngắm nhìn những chùm pháo hoa được bắn lên bầu trời. Lòng ai cũng hân hoan ôm ghì lấy nhau vui sướng như đang đón Tết ở nhà”.

Chiều mồng 2 Tết Giáp Ngọ, tôi được kỹ sư Trần Trung Nghĩa giới thiệu gặp “Phó kỹ sư thường trú” Lê Quang Thanh, người của đơn vị tư vấn giám sát ECC. Kỹ sư Lê Quang Thanh giải thích với tôi rằng, “thường trú có nghĩa là ở luôn tại công trình. Cả nhóm “thường trú” của ECC gồm 15 người chia thành 2 kíp thay phiên nhau trực nhiệm vụ và cũng thay nhau tạt nhanh về nhà vui Tết cùng gia đình đang sinh sống ở Đà Nẵng và Quảng Nam”. Vừa tốt nghiệp Trường Đại học Duy Tân, kỹ sư trẻ Hồ Diên Huy quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An cho biết: “Khi gia đình hay tin em không về quê đón Tết, ba mẹ thoáng buồn nhưng sau đó điện thoại động viên, chúc em công tác tốt và xem đây là thử thách đầu tiên của người làm nghề xây dựng”. Huy cho biết thêm, sẽ nắm lấy cơ hội việc làm tại công trình trọng điểm ở thành phố để trưởng thành về chuyên môn: “Công trình nút giao thông ngã ba Huế là nơi để em trải nghiệm về công việc, áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn”. Lê Nguyên Anh, công nhân Xí nghiệp Cầu 17 (Tổng Công ty Công trình giao thông 1), quê ở Thọ Xuân, Thanh Hóa nói: “Chúng em đón Tết ở công trình quen rồi. Đời thợ làm cầu đường thì công trình là nhà”. Được biết, nhiều năm qua, Lê Nguyên Anh đã tham gia thi công tại cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý.

Thông điệp “Rất xin lỗi… vì đã làm phiền”

Do mặt bằng thi công chật hẹp nên Công ty TNHH BT ngã ba Huế-Trung Nam xây dựng phương án thi công phù hợp với điều kiện hiện trường, quyết tâm hoàn thành công trình đúng tiến độ, đưa vào sử dụng dịp kỷ niệm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng 29-3-2015.

Rất xin lỗi, khi thi công chúng tôi làm ảnh hưởng đến mọi người” là thông điệp của đơn vị thi công gửi đến người dân thành phố đã đem lại ấn tượng mạnh. Cộng đồng mạng facebook nhanh chóng lan truyền đem lại niềm tự hào cho nét văn hóa ứng xử đầy trách nhiệm của công nhân lao động chỉ có ở Đà Nẵng. Thông điệp trên được sự sẻ chia của người dân thành phố khi biết công trình được tổ chức thi công ngay trong những ngày Tết. Kỹ sư Trần Trung Nghĩa vui mừng cho biết khối lượng thi công đạt 30%, vượt tiến độ 1,5 tháng, riêng hạng mục đổ bê-tông nhịp dầm trụ T10-T11 đã triển khai sớm 15 ngày.

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.