Nguy cơ dịch cúm gia cầm lây lan vào địa bàn Đà Nẵng bất cứ lúc nào, thế nhưng công tác quản lý hoạt động mua bán gia cầm sống tại các chợ đang diễn ra khá lỏng lẻo.
Tiêu độc, khử trùng các xe chở động vật qua địa phận Đà Nẵng. Ảnh: DUYÊN ANH |
Dịch tới đâu mà sợ
Chợ Miếu Bông từ sáng sớm những ngày cuối tuần đã có hàng chục lượt xe tải, xe máy chở heo giống, gà, vịt đổ về. Theo ước tính của quản lý chợ, trung bình lượng gia cầm đưa về đây khoảng trên 1.000 con/ngày. Gần đây, khi dịch cúm bùng phát ở các địa phương lân cận, nhưng số lượng gia cầm nhập về cũng không giảm vì đây là chợ phát luồng gần như cho cả thành phố Đà Nẵng.
Không chỉ tràn ra ngoài quốc lộ, các lồng gà, lồng vịt được người buôn chất lên từng hàng, từng lớp ở khu vực bên hông chợ. Đi sâu vào phía sau chợ, hàng chục người buôn bán gà, vịt tấp nập nài kèo, trả giá và chất đầy gia cầm sống lên xe máy đi về mọi ngõ ngách của thành phố. Mặc dù tình hình dịch bệnh ở mức báo động tại nhiều địa phương, nhưng dường như người dân cũng chưa quan tâm lắm. Chúng tôi hỏi một chị buôn gà ở chợ Miếu Bông thì được chị “trấn an”: “Yên tâm đi, gà ni không bị dịch mô mà sợ. Dịch ở mấy tỉnh ở xa chứ Đà Nẵng làm chi bị. Với lại gà ni được nuôi có tiêm thuốc đàng hoàng (?)”.
Trao đổi về công tác phòng chống dịch ở chợ, ông Đặng Quang Tịch, Tổ quản lý chợ Miếu Bông, cho hay: “Ban quản lý chỉ theo dõi những sản phẩm gà, vịt làm sẵn và có dấu kiểm dịch của Chi cục Thú y. Còn đối với gia cầm sống thì chúng tôi cũng chịu. Về chuyên môn chúng tôi không biết nên cái chính vẫn trông chờ vào cơ quan chức năng kiểm soát tại các trạm kiểm dịch để trước khi về đây được an toàn”.
Những chợ nằm ở cửa ngõ phía Nam thành phố như chợ Mới Ba Xã, Miếu Bông ngày nào cũng tấp nập hoạt động mua bán gia cầm, rồi từ đây hàng được xé lẻ về các chợ nội thành Đà Nẵng bằng xe máy. Ghi nhận tại các chợ bán lẻ như chợ Hòa Khánh, chúng tôi nhận thấy khu vực chung quanh chợ, nhất là cuối tuyến đường Vũ Ngọc Phan (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu), gà sống, vịt sống được chở trên xe gắn máy hoặc bày bán cố định, hằng ngày vẫn đông đúc người mua bán.
Ông Cao Xuân Thái – Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đà Nẵng: Cho đến chiều 17-2, chúng tôi nhận được văn bản chỉ đạo của UBND thành phố về tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm. Trước đây Chỉ thị 12 có quy định rõ việc cấm giết mổ kinh doanh tại khu vực nội thành nhưng khu vực ngoại thành thì vẫn cho phép. Cũng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vận chuyển trên 50 con thì buộc phải có giấy kiểm dịch còn dưới 50 con thì không cần giấy nên khó có thể xử phạt triệt để. Thực ra lâu nay lực lượng thú y không thể bao quát hết toàn địa bàn nên phạt chỗ này họ lại chạy chỗ kia. Bắt đầu từ ngày 18-2 chúng tôi sẽ tập trung lực lượng phối hợp đi kiểm tra tại các chợ và những điểm kinh doanh gia cầm sống. |
Chưa kiểm soát nổi
Phổ biến ở các chợ hiện nay là mua bán gia súc, gia cầm luôn gắn liền với hoạt động giết mổ. Ông Phạm Phước, Trưởng ban quản lý (BQL) các chợ Liên Chiểu, kiêm Trưởng BQL chợ Hòa Khánh, cho biết theo quy hoạch, việc buôn bán cũng như giết mổ gia cầm sống sẽ được tập trung về chợ Thanh Vinh (phường Hòa Khánh Bắc), thế nhưng do vướng mắc ở nhiều khâu nên đến nay vẫn chưa thực hiện được. Việc giết mổ gia cầm sống tại các chợ đã cấm tuyệt đối, tuy nhiên gia cầm sống bán tại các chợ có được kiểm dịch hay không còn phụ thuộc vào các ngành chức năng, BQL chỉ có nhiệm vụ bố trí chỗ kinh doanh cho các tiểu thương.
Mặc dù có thông tin về dịch nhưng người buôn bán gia cầm vẫn chủ quan. |
Điều đáng nói, hiện người dân vẫn chưa thực sự nhận thức đầy đủ về nguy cơ của dịch bệnh cúm gia cầm, vì thế tình trạng mua bán, giết mổ và sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc vẫn diễn ra tràn lan các chợ. Hiện rất nhiều hộ buôn bán gia cầm sống trong chợ cũng như người dân sống chung quanh chợ lo mất an toàn, vệ sinh thực phẩm, dịch bệnh, nhưng chính quyền, ngành chức năng chưa có biện pháp giải quyết.
Ngay trong sáng 17-2, chúng tôi có mặt tại Trạm kiểm dịch động vật Hòa Phước, quan sát một buổi sáng có tới hàng trăm lượt xe đi qua đây. Theo ông Thiều Sáu - cán bộ Trạm kiểm dịch, lưu lượng xe chở động vật qua địa phận Đà Nẵng có giảm nhiều so với trước Tết. Hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 2-3 xe chở gia cầm ở phía Nam ra, chủ yếu là Bình Định với số lượng 700-1.000 con gà nhập về các lò mổ tập trung của thành phố. Bên cạnh đó, nguồn gia cầm từ Quảng Nam (Công ty Chăn nuôi CP) đổ ra hai ngày khoảng 400 - 700 con đều được trạm phun thuốc khử trùng và làm thủ tục kiểm tra giấy tờ.
Khi đặt vấn đề chỉ kiểm soát những xe hàng lớn, còn những phương tiện nhỏ lẻ khó kiểm soát, ông Sáu thừa nhận: “Từ khi xuất hiện dịch cúm gia cầm ở một số nơi, cơ quan chức năng kiểm soát ráo riết thì số hộ kinh doanh nhỏ lẻ ít qua đây mà nhiều khả năng đi bằng những ngõ ngách không chính thống. Có thể một bộ phận người buôn bán đã đưa gia cầm về các chợ mà không qua kiểm soát. Tôi nghĩ trong thời gian tới cần có sự phối hợp của các địa phương, của nhân dân và cả hệ thống chính quyền vào cuộc thì công tác phòng chống dịch mới có hiệu quả”.
Tạm dừng nhập khẩu các sản phẩm gia cầm vào Việt Nam Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát vừa ký quyết định ban hành Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng virus cúm nguy hiểm có khả năng lây sang người. Mục tiêu kế hoạch đặt ra là phải giảm thiểu nguy cơ virus cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam qua hoạt động nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm. Phát hiện sớm, xử lý kịp thời ngay khi virus cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ biện pháp ưu tiên số một hiện nay là nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới. Tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, phương tiện vận chuyển hàng hóa qua lại đường biên giới. Không cho buôn bán, thu gom, tập kết, giết mổ gia cầm tại các khu vực đường biên và các khu kinh tế mở, nhằm tránh hiện tượng hợp thức hóa gia cầm, tạo thuận lợi cho việc kiểm soát. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nêu rõ, Việt Nam đang có nguy cơ cao lây lan dịch H7N9 nên càng phải nỗ lực để ngăn chặn virus cúm này vào nội địa. Trước mắt, các địa phương có đường biên giới cần thắt chặt quản lý đường biên, không để tình trạng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân là yếu tố quyết định để mỗi người tự phòng chống cho bản thân và gia đình. “Chúng ta phải ngăn chặn bằng được sự xâm nhập của virus thông qua việc buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới, nhất là gà loại thải. Một khi chúng ta đã quyết tâm, đồng lòng từ Trung ương xuống địa phương thì chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương làm quyết liệt hơn nữa để ngăn ngừa việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, các loại sản phẩm gia cầm qua biên giới”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh. VOV |
Bài và ảnh: DUYÊN ANH - T.HÙNG