Yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với huyện Hòa Vang là từ nay đến cuối năm 2015 sẽ có 100% chợ nông thôn đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí số 7 về xây dựng nông thôn mới. Song, nếu theo kế hoạch dự kiến, nhiều chợ vẫn phải nằm chờ kinh phí.
Đa số các chợ nông thôn vẫn còn tạm bợ. |
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hòa Vang, năm 2014, 2 chợ Quan Nam 3 (xã Hòa Liên) và Đông Hòa (xã Hòa Châu) đã hoàn thành và chuẩn bị đưa vào sử dụng. Đây là chợ được UBND thành phố phê duyệt đầu tư xây dựng với tổng kinh phí ban đầu hơn 10 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố 50% và ngân sách huyện 50%.
Thực tế vốn đầu tư lớn hơn nhiều so với dự kiến. Tuy nhiên, chợ mới đã có nhưng để đạt hiệu quả khai thác công năng, các chợ còn bị vướng bởi kinh phí xây dựng hạ tầng phụ trợ. Qua phản ánh của một số người dân sống ở khu vực chợ Quan Nam 3 (xã Hòa Liên), chợ mới bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm nhưng chưa thu hút được tiểu thương vào buôn bán khi đường dẫn vào chợ chưa có, các tuyến đường chính khác chưa được kết nối thuận lợi.
Huyện Hòa Vang vẫn còn tình trạng “chợ có như không” bởi nhiều lý do. Ông Nguyễn Văn Vân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Khương cho hay, trước đây chợ Hòa Khương được xây dựng nhưng không tiểu thương nào chịu vào bên trong bởi đường đi chật hẹp. Rồi chợ bỏ không, người buôn bán thì tràn lên cả quốc lộ 14B. Điều bất cập thể hiện rõ nơi có chợ thì bỏ không, nơi cần thì lại chưa có chợ. Muốn kêu gọi người kinh doanh đóng góp không dễ dàng.
Sắp tới, các phòng tham mưu của huyện trình phương án xin được khai thác các lô đất ở khu vực chợ để có thêm kinh phí nâng cấp chợ. Huyện trình thành phố phương án khai thông tuyến đường DH8 - hồ Đồng Nghệ vào chợ cho thuận tiện, nhằm thu hút người vào buôn bán. Ông Nguyễn Hữu Chất, Phó phòng Công thương Hòa Vang nhìn nhận: “Không chỉ riêng chợ Hòa Khương, tất cả các chợ ở Hòa Vang bây giờ muốn nâng cấp và xây mới đều phải thực hiện xã hội hóa - tức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Việc đầu tư các chợ mới còn nhiều khó khăn. Song, nhìn chung mạng lưới chợ trên địa bàn huyện tương đối bảo đảm về số lượng, chất lượng thì còn phải đầu tư nhiều”.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Hòa Vang, hiện có 9 xã đạt tiêu chuẩn về chợ nông thôn, đó là Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Sơn, Hòa Châu, Hòa Liên; còn 2 xã chưa đạt: Hòa Khương và Hòa Bắc. Được biết, từ hai năm trước, UBND huyện đề nghị thành phố cấp kinh phí khoảng 5 tỷ đồng để xây mới chợ Hòa Bắc nhưng đến nay chợ vẫn nằm trên giấy.
Ông Hồ Tăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết: “Đến nay, xã mới khảo sát chọn địa điểm phù hợp, bởi trước đây chợ Hòa Bắc đã có nhưng dân không vào họp bởi trái đường. Nếu được phê duyệt, chợ mới sẽ được xây dựng trên diện tích quy hoạch 1,3ha (gần trụ sở UBND xã), dự kiến bố trí khoảng 30 hộ cố định thường xuyên, nhưng khi nào làm thì chưa biết”.
Được biết, nguồn kinh phí đầu tư hạ tầng chợ là trở lực lớn nên chợ Hòa Bắc vẫn chưa được đầu tư xây dựng. Người dân mong mỏi chính quyền sớm xây dựng chợ để có nơi tập trung mua bán, trao đổi, tiêu thụ hàng nông sản. Hòa Bắc là xã duy nhất của huyện chưa có chợ, hơn 3.800 nhân khẩu vẫn phải mua bán thông qua những người “thồ chợ lên núi” bằng xe hàng rong.
Với mục tiêu phát triển mạng lưới chợ nông thôn theo đúng tiêu chí, huyện Hòa Vang lựa chọn phương án đầu tư xây mới phù hợp, bảo đảm văn minh thương mại, vệ sinh môi trường, an toàn, phòng cháy chữa cháy, phân chia ngành hàng… nhằm khuyến khích, thu hút thương nhân vào kinh doanh hiệu quả.
Trong phê duyệt đề án “Phát triển thương mại nông thôn trên địa bàn Đà Nẵng đến năm 2020”, tốc độ tăng trung bình hằng năm (chưa loại trừ yếu tố giá) của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ở Hòa Vang giai đoạn 2011-2015 khoảng 25%/năm, sang giai đoạn 2016-2020 sẽ vào khoảng 26%/năm. Trên cơ sở đó, giai đoạn 2012-2015, huyện phấn đấu xây mới và cải tạo nâng cấp chợ của 6 xã đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí nông thôn mới. Các chợ loại 2 được mở rộng quy mô và cải thiện điều kiện cơ sở vật chất để làm hạt nhân hình thành các khu thương mại-dịch vụ tổng hợp của huyện. Đến năm 2020, sẽ có 1 chợ đầu mối kinh doanh gia súc, gia cầm tại xã Hòa Phước và hình thành khoảng 3 siêu thị phù hợp với nhu cầu đời sống nông thôn như siêu thị giá rẻ Hòa Liên, siêu thị Hòa Sơn, siêu thị Túy Loan và 11 cửa hàng tự chọn ở các xã. |
Bài và ảnh: DUYÊN ANH