.

Hướng nào cho rau sạch?

.

Đến vùng rau nào trên địa bàn huyện Hòa Vang, hỏi về hiệu quả kinh tế, hầu như ai cũng đều cho rằng, trồng rau thu nhập cao gấp nhiều lần so trồng lúa. Thế nhưng, để cây rau trở thành loại cây chủ lực tại địa phương này không hề đơn giản. 

Lãnh đạo huyện Hòa Vang kiểm tra thực tế tại vùng rau của ông Lê Văn Tám ở thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương.
Lãnh đạo huyện Hòa Vang kiểm tra thực tế tại vùng rau của ông Lê Văn Tám ở thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương.

Cánh đồng rau Hồ Bún ở xã Hòa Phong hình thành cách đây hơn 10 năm từ dự án “Sản xuất rau an toàn” do Sở NN&PTNT triển khai năm 2003. Với 6ha, vùng này đang là nơi sản xuất rau lớn nhất ở Hòa Vang hiện nay. Tại đây, các loại rau đã khẳng định ưu thế về thu nhập so nhiều loại cây trồng khác. Ông Thi Lý Nhi, Chủ nhiệm HTX SXDV và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan, cho biết mỗi năm sản xuất 4 lứa vừa rau ăn quả (khổ qua, dưa leo, bí xanh), vừa rau ăn lá (dền đỏ, mồng tơi, cải xanh), thường cho thu nhập 7-9 triệu đồng/sào, trừ chi phí còn một nửa. Hộ sản xuất 2 sào, mỗi năm đã có trong tay 25-30 triệu đồng. Trong khi đó, canh tác 2 sào lúa, cả năm chỉ thu 6-7 triệu đồng, chưa trừ chi phí. Nói về sản xuất rau, ông Nhi cho biết, yếu tố có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả canh tác loại cây này là khâu nhân lực. Không chỉ cần cù mà người trồng rau phải có kỹ năng và biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nói đúng hơn, xây dựng vùng rau chuyên canh, trước hết phải có đội ngũ lao động chuyên nghiệp. Thế nhưng, hiện nay lực lượng lao động đa số lớn tuổi. Tuy có được tập huấn, song nhiều người khó chuyển đổi theo kiểu làm ăn lớn. Đây là trở ngại lớn nhất cho việc mở rộng vùng rau. Hơn nữa, với loại nông sản này, liên tục lâm vào cảnh được mùa là mất giá. Người không tâm huyết, vài vụ thất thu là chán nản dẫn đến bỏ cuộc.

Hiện nay, vùng rau Hồ Bún đã được Dự án QSEAP đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khá hoàn thiện, bao gồm 2.000m đường bê-tông nội đồng, hệ thống tưới, 10.000m2 nhà lưới… Theo kế hoạch, vùng rau sẽ mở rộng lên 24,3ha. Thời gian gần đây, HTX đã ký kết hợp đồng cung cấp mỗi ngày 400-500kg rau cho Công ty TNHH Việt Thiên Ngân; phía huyện Hòa Vang tạo điều kiện để HTX mở quầy tại chợ Túy Loan. Theo ông Nhi, sản xuất rau đang rất thuận lợi, nhưng để xây dựng tại đây thành vùng rau chuyên canh quy mô lớn phải có thời gian.

Trong khi đó, vùng rau của thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn, quy mô 9ha đang trong giai đoạn hình thành, cơ sở hạ tầng đã hoàn thiện. Vụ đầu tiên 9 hộ sản xuất trên phạm vi 4.000m2, kết quả rất lạc quan, trừ hết chi phí lãi ròng 4-5 triệu đồng/sào. Tuy vậy, để 9ha tại đây trở thành vùng rau chuyên canh không hề đơn giản, bởi nông dân chưa quen với sản xuất rau, hơn nữa đầu ra sản phẩm chưa chủ động. Từ trước đến nay, xã Hòa Khương có vùng trồng dưa hấu hắc mỹ nhân khá lớn. Có vụ, bà con thôn Phú Sơn 2 canh tác hơn 10ha dưa, thu nhập rất cao. Nhưng rồi, do nhiều yếu tố, cây dưa mất dần lợi thế trên vùng đất này. Hiện nay, Dự án QSEAP đang triển khai tại đây vùng rau an toàn 25ha với cơ sở hạ tầng rất hoàn thiện. Tuy vậy, diện tích rau đang sản xuất chỉ hơn 1ha.

Với chương trình xây dựng nông thôn mới đang đẩy mạnh ở Hòa Vang, trong sản xuất nông dân được ưu tiên đầu tư, trong đó phát triển các vùng rau chuyên canh là hướng đột phá. Liệu, loại nông sản này có đạt kế hoạch đề ra, tương xứng với những gì đã đầu tư? Câu hỏi đã và đang đặt ra cho ngành nông nghiệp và chính quyền các cấp ở địa phương này.

Số liệu từ Phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang, Dự án QSEAP đang triển khai trên địa bàn 4 vùng rau với tổng diện tích 72,3ha (Hòa Phong: 24,3ha, Hòa Khương: 25ha, Hòa Tiến: 13ha, Hòa Nhơn: 9ha). Thế nhưng diện tích sản xuất rau hiện có chỉ khoảng 10ha. Ngoài ra, các vùng rau do người dân địa phương tự triển khai cũng đang manh nha hình thành, song quy mô không lớn. Ví như vùng rau Bồ Bản 2, xã Hòa Phong, 25 hộ vừa phục hồi khá ấn tượng việc trồng ớt xanh có từ xa xưa ở vùng này.  

Bài và ảnh: HOÀI NAM

;
.
.
.
.
.