Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị giao ban ngành Ngân hàng (NH) sáng 18-3, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương cho rằng, các tổ chức tín dụng cần phải sâu sát hơn về tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố, từ đó nghiên cứu, đề nghị với hội sở điều chỉnh lãi suất cho hợp lý, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn.
Ngân hàng và doanh nghiệp cần chủ động, hợp tác để cùng tháo gỡ khó khăn. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Tại buổi giao ban, đại diện NH Phát triển thành phố Hồ Chí Minh, Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, dư nợ cho vay 2 tháng qua giảm 200 tỷ đồng, dư nợ cho vay cá nhân cũng giảm. Thời gian qua, NH chú trọng đến việc cho vay ngắn hạn, đáo hạn ngân hàng, tập trung phát triển một số khách hàng mới, như đối tượng mua nhà chung cư... Cùng chia sẻ khó khăn này, lãnh đạo Agribank Chi nhánh Đà Nẵng nói, tín dụng tăng trưởng của Agribank Đà Nẵng thấp chủ yếu do DN nợ nần nhiều, nhất là nợ thuế nên điều kiện vay không đáp ứng được. Đại diện NH này cho rằng, có ngày NH nhận 4 đến 5 giấy đòi nợ tiền thuế…
Ông Võ Minh, Giám đốc NH Nhà nước, Chi nhánh thành phố Đà Nẵng cho biết, đến cuối tháng 2-2014, lãi suất cho vay bình quân bằng VNĐ trên địa bàn đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh là 11,32%, giảm 0,14% so với tháng 1-2014; lãi suất cho vay bình quân bằng ngoại tệ đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh là 4,86%, tăng 0,73% so với tháng 1-2014; dư nợ cho vay bằng VNĐ có mức lãi suất dưới 13%/năm chiếm tỷ trọng 88,41%, mức lãi suất trên 13%/năm chiếm tỷ trọng 11,59% trên tổng dư nợ VNĐ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương cho rằng, các tổ chức tín dụng cần phải sâu sát hơn tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn thành phố, từ đó nghiên cứu, đề nghị với hội sở điều chỉnh lãi suất cho hợp lý, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn. Ông Võ Duy Khương cho biết, qua khảo sát hiện nay vẫn còn nhiều NH thương mại cho vay với lãi suất cao, từ 12-15,5%/năm, trong khi nguồn vốn NH dư thừa.
Để thực hiện “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”, thành phố Đà Nẵng đã thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng DN vừa và nhỏ với sự tham gia góp vốn của ngân sách thành phố, các tổ chức tín dụng và DN. Trong đó, ngân sách thành phố sẽ đóng góp 50 tỷ đồng. “Với trách nhiệm của những người góp phần và chịu trách nhiệm cho sự phát triển của thành phố, tôi đề nghị các NH thương mại nghiên cứu, đề xuất với hội sở; đồng thời đề nghị lãnh đạo NH Nhà nước, Chi nhánh Đà Nẵng tham mưu, đề xuất Thống đốc NH Nhà nước ban hành hướng dẫn để NH thương mại tham gia hỗ trợ cho nguồn quỹ. Hơn 60 chi nhánh NH trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, mỗi chi nhánh hỗ trợ góp vốn nửa tỷ đồng cũng đủ để cho Quỹ bảo lãnh tín dụng lớn mạnh. Nếu NH nào có vốn điều lệ cao thì có thể góp nhiều hơn. Khi đã có nguồn quỹ bảo lãnh tín dụng của thành phố bảo lãnh thì các NH cần tạo điều kiện cho DN, rủi ro cũng sẽ được chia sẻ”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương nhấn mạnh.
Nói đến nguồn quỹ bảo lãnh tín dụng, đại diện của các tổ chức tín dụng đều đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, đại diện của Agribank Việt Nam, Văn phòng tại miền Trung đề nghị HĐND thành phố cần ra nghị quyết, đồng thời có quy chế bảo lãnh và có sự chia sẻ của NH Nhà nước. Trong khi đó, đại diện Quỹ bảo lãnh tín dụng thành phố cho rằng, nếu nguồn quỹ này hoạt động tốt, không những có lợi cho DN mà còn cho cả NH, bởi nó sẽ góp phần tăng trưởng tín dụng, đồng thời tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc của DN…
Tại Hội nghị giao ban, đại diện Agribank Đà Nẵng nói: “Chủ trương là giảm lãi suất nhằm kích cầu, nhưng chỉ bằng lãi suất không cũng không có hiệu quả. Bởi hiện nay, DN đang gặp nhiều vướng mắc về nhiều lĩnh vực, trong đó có thủ tục hành chính… Nếu lãi suất huy động tiếp tục hạ thấp thì người dân sẽ không còn đến gửi tiền ở NH, nguy cơ khủng hoảng sẽ xảy ra. Do đó, phải có biện pháp đồng bộ”. |
NGỌC PHÚ