.
Nhà chung cư

Bất cập dịch vụ viễn thông

.

Để mở rộng thị trường, nhiều nhà mạng đã tìm đến khách hàng thường xuyên để tư vấn về các dịch vụ nhà mạng mình cung cấp. Tuy nhiên, khi khách hàng đồng ý sử dụng, chất lượng mạng không bảo đảm cùng những sự cố ngoài ý muốn đã khiến nhiều khách hàng phải “khóc dở, chết dở”. Đó là tình trạng chung của những hộ dân sống tại một số tòa nhà chung cư trên địa bàn thành phố.

Nhiều người dân sống trong các căn hộ chung cư trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phàn nàn về chất lượng dịch vụ do các nhà mạng cung cấp.
Nhiều người dân sống trong các căn hộ chung cư trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phàn nàn về chất lượng dịch vụ do các nhà mạng cung cấp.

Mắc không được, dùng cũng không xong

Khu chung cư C2, Nại Hiên Đông hoàn thiện và bắt đầu đón người dân vào ở từ cuối năm 2012. Theo một số người dân sống ở đây, khi mới vào ở, ngày nào họ cũng liên tục nhận được những thông tin quảng cáo, tờ rơi do nhân viên của nhà mạng FPT đến giới thiệu. Theo những nhân viên này thì lúc ấy, khu C2 chỉ có mạng FPT vào được, và vì thế nhiều người dân trước đây đã dùng nhà mạng khác (đã có sẵn các trang thiết bị cần thiết) phải “bấm bụng” chuyển sang nhà mạng FPT. Tuy nhiên, khi đã ký hợp đồng với nhà mạng FPT thì nhiều rắc rối xảy ra.

Đại diện hộ gia đình anh N.B bức xúc: “Khi chuyển về đây, vì có nhu cầu sử dụng Internet và truyền hình nên chúng tôi đã liên hệ và bắc ngay dịch vụ nhà mạng FPT (lúc đó chỉ có nhà mạng này được vào). Nhưng không hiểu vì lý do gì, chúng tôi ký hợp đồng từ tháng 4 mà mãi đến tháng 12-2013 phía FPT mới bắc cho chúng tôi. Khi có mạng, chúng tôi cũng chỉ sử dụng dịch vụ được 1-2 ngày. Chúng tôi nhiều lần gọi lên công ty để phản ánh về vấn đề này, tuy nhiên chỉ nhận được câu trả lời là công ty sẽ cử nhân viên kỹ thuật đến sửa chữa nhưng mãi hơn 1 tháng vẫn không thấy động tĩnh gì. Đầu tháng 1-2014, vì không có mạng Internet và truyền hình, chúng tôi quyết định chuyển sang dùng nhà mạng VNPT (được biết lúc này VNPT mới vào đầu tư) và lên công ty FPT cắt mạng. Nhưng lúc này nhân viên công ty lại không giải quyết cho chúng tôi với lý do mạng đã ổn định trở lại. Đã không dùng được, công ty còn thu tiền cước của khách hàng. Thử hỏi nối mạng mà chúng tôi dùng không được, bây giờ cắt cũng không được là sao?”.

Tình trạng ở các nhà chung cư thuộc quyền sở hữu của Nhà nước là vậy, nhưng tại các tòa nhà chung cư của tư nhân đầu tư cũng không khả quan. Trao đổi với chúng tôi, chị T.H, chung cư Blue House, cho biết: “Tôi có người bà con làm bên FPT và mong muốn được tiếp tục sử dụng dịch vụ của FPT để thuận tiện cho công việc. Song, từ khi chuyển qua đây, chỉ có nhà mạng VNPT, không có lựa chọn nào khác buộc mình phải dùng. Nhưng trong khi dùng thì rất nhiều lần bị nghẽn mạng, trục trặc hoặc nhân viên chậm sửa chữa”.

Ông Nguyễn Bá Bình, Giám đốc Công ty Quản lý nhà chung cư TP. Đà Nẵng: “Theo quy định, khách hàng muốn dùng dịch vụ gì thì dùng. Tuy nhiên, đối với những khu chung cư do công ty quản lý, để bảo đảm mỹ quan và an toàn cháy nổ, trước khi lắp đặt, nhà mạng phải liên hệ với Công ty Quản lý nhà chung cư để được nhân viên công ty hướng dẫn cụ thể, tránh tình trạng đi dây trần rối rắm”

Sẽ có những thay đổi phù hợp

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Như Ý, Phó Giám đốc FPT chi nhánh Đà Nẵng, cho biết: “Để xảy ra tình trạng trên là hy hữu. Bởi lẽ trong quá trình thực hiện việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng, hạ tầng mạng nhiều lần gặp sự cố do hạ tầng chung cư bị sụt lún dẫn đến đất cát xâm lấn vào các tủ hộp cáp. Tuy nhiên, trường hợp đó lại rơi vào thời điểm cận Tết, chúng tôi cũng đã có báo cáo BQL chung cư xin cải tạo lại hệ thống nhưng đến mãi tháng 1-2014, BQL mới đồng ý cho công ty đào lên sửa chữa dẫn đến tình trạng chậm trễ trên. Còn về khách hàng không sử dụng được dịch vụ nhưng bên công ty vẫn gửi giấy báo thu tiền vì lý do bộ phận thu ngân và bộ phận chăm sóc khách hàng mới thay đổi nhân sự nên trong quá trình xử lý có phần không khớp nhau. Chúng tôi sẽ làm việc với khách hàng để giải thích và có những xử lý trong nội bộ nhằm bảo đảm quyền lợi thỏa đáng cho khách hàng”.

Còn đối với khu nhà Blue House, ông Đỗ Minh Trí, Giám đốc Công ty Điện thoại I (thuộc VNPT Đà Nẵng), cho biết: “Công ty sẽ có những xem xét cụ thể đối với các trường hợp trên. Vấn đề mạng chậm xảy ra đối với một số trường hợp có thể do khách hàng khi gặp các sự cố đã gọi trực tiếp cho các nhân viên kỹ thuật. Có thể, vào thời điểm khách hàng gọi, nhân viên kỹ thuật đang sửa chữa cho một khách hàng khác ở nơi xa không về kịp cũng gây chậm. Ngoài ra, nhiều lúc đường cáp quang quốc tế bị hỏng hoặc nhà mạng đang nâng cấp hệ thống… cũng có thể gây ra tình trạng trên. Để giúp chúng tôi phục vụ tốt hơn cho khách hàng cũng như khắc phục được những sự cố đáng tiếc, khách hàng nên báo hỏng qua đài 800126 hoặc đài 119 để chúng tôi theo dõi lịch báo hỏng và cử nhân viên đến kịp thời sửa chữa, tránh trường hợp chậm trễ như trên”.

Ông Huỳnh Ngọc Miễn, Phó TGĐ Công ty Đầu tư và xây dựng 579, kiêm Trưởng ban quản lý nhà chung cư Blue House: “Khi xây dựng khu chung cư Blue House, công ty đã kêu gọi những nhà mạng có uy tín, có khả năng cung cấp dịch vụ tốt và chúng tôi chọn VNPT. Tuy nhiên, người thuê căn hộ chung cư có quyền lựa chọn dịch vụ, vì vậy, trong quá trình sử dụng, nếu người dân yêu cầu được dùng nhà mạng nào thì chúng tôi không hạn chế. Song, nhà mạng đó khi vào lắp đặt cũng phải tuân theo yêu cầu của Ban quản lý chung cư”.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.