Phải mất 3 ngày thuyết phục và chờ đợi, tôi mới được lên chuyến tàu do anh Đinh Văn Hội (40 tuổi, trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) làm chủ để ra biển đánh cá.
Chuyến đi ngắn ngủi nhưng giúp chúng tôi hiểu được nhiều điều từ những người dân mưu sinh bằng nghề biển. Để bắt được con cá, con tôm, các ngư dân phải vượt qua biết bao sóng gió, giao cả tính mạng cho biển cả. Và khi trở về, họ lại phải đối mặt với “sóng gió” khác: sống bằng đồng tiền ít ỏi kiếm được từ biển.
Anh Hội cùng anh Thanh thả giã cào xuống biển. |
Kỳ 1: Nỗi lo trên mỗi mẻ giã cào
15 giờ một ngày đầu tháng 3, chiếc tàu giã cào công suất 30 CV của anh Đinh Văn Hội nhổ neo rời bến. Trên tàu chỉ có “thuyền trưởng” Hội, một lao động là anh Nguyễn Văn Thanh cùng với tôi. Vào mùa gió đông nam thổi mạnh, mới rời bến chưa được 200 mét mà con tàu phải trồi lên ngụp xuống với những con sóng lớn. Vừa lái tàu, anh Hội nhìn tôi e ngại: “Chú có đi nổi với những con sóng như thế này không? Đã uống thuốc chống nôn chưa?”. Tôi lắc đầu bảo, đã quen với sóng gió rồi nên anh cứ yên tâm. Nghe vậy, Hội tăng ga cho tàu hướng ra biển, nhưng tàu vẫn ì ạch vì phải “bơi” ngược sóng và gió.
Anh Hội cho biết, trước đây chỉ rời cảng chừng 2 hải lý là có thể thả cào. Nhưng gần đây, nguồn thủy sản gần bờ đã cạn kiệt, kèm theo mấy ngày nay gió mùa đông nam thổi mạnh nên phải ra xa hơn. Anh cho tàu tiến qua mũi Nghê, lúc đó đã 16 giờ. Vượt qua mũi Nghê chừng 1 hải lý, anh bảo anh Thanh chuẩn bị thả cào. Anh Hội dùng sợi dây thừng buộc từ bên trái thân tàu sang bên phải, sau đó neo tay lái tàu vào rồi cùng anh Thanh soạn sửa lại ngư cụ. “Mỗi lần thả ngư cụ xuống, ít nhất 3 tiếng đồng hồ sau mới kéo lên và tiêu tốn rất nhiều dầu. Nếu mình không cẩn thận thì coi như đi tong”, anh Hội giải thích. Hai người ngồi vá lại những chỗ lưới bị rách, cột múi đáy lưới, kiểm tra phao, dây xích, dây tời.
Lúi húi mất 20 phút, ngư cụ mới được thả xuống biển. Lúc này, anh Hội tăng ga nhưng tàu cứ ì ạch, phụt khói đen liên tục vì phải kéo một lượng ngư cụ quá nặng dưới biển. Trời chập choạng tối, anh Thanh tranh thủ ngủ, còn anh Hội giữ vững tay lái, cho tàu tiến thẳng từ mũi Nghê ra hướng biển Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Đôi mắt anh quan sát rất kỹ phía trước, bởi nếu sơ suất có thể đụng phải tàu bạn hoặc đụng phải những tàu cá làm nghề lưới mành, lưới vây. Gió đông nam vẫn thổi, có lúc con thuyền chao nghiêng một góc 30 độ. Anh Hội bật bộ đàm để nghe tin tức. Lúc này, các thuyền trưởng bắt đầu hỏi han nhau về tình hình trên biển.
Đúng 22 giờ, “thuyền trưởng” Hội ra lệnh cất lưới, anh Thanh nhanh chóng ra phía sau dây tời và cho tời kéo lưới lên. Anh Hội vừa lái tàu vừa làm các động tác để tránh dây tời đụng phải thành tàu. Để dây lưới kéo lên an toàn, anh Hội liên tục cho tàu xoay ngang, xoay dọc. Nhìn anh lái tàu, tôi đoán biết đây là một tay “thuyền trưởng” lão luyện. Lúc lưới thả xuống nặng nhọc bao nhiêu thì khi kéo lên, sự nhọc nhằn, hiểm nguy dường như tăng lên gấp bội. Khi đoạn lưới cuối cùng được kéo sát gần đuôi tàu thì những cơn sóng vỗ mạnh, hất văng anh Hội về phía sau, người ướt đẫm, anh lạnh run. Với động tác nhanh nhẹn, anh Hội và anh Thanh gắng hết sức mình để kéo lưới lên. Có lẽ trọng lượng của mẻ lưới đầu tiên khi lên tận khoang thuyền phải nặng hơn một tạ (kể cả lưới, bùn, rễ cây, tôm, cá, ghẹ, mực).
Khi đáy lưới được kéo lên thuyền, nét mặt anh Hội khá căng thẳng. Tôi hỏi ngay: “Sao anh căng thẳng vậy, mệt sao?”. Anh Hội cười bảo: “Không phải mệt. Ngư dân bọn anh đã quen với gian khổ rồi nên công việc rất bình thường. Lo là lo cái mẻ cào không biết có nhiều cá tôm không. Bởi đã nhiều lần kéo lên toàn bao bì, gốc cây. Cũng có lúc tuột dây, đứt cáp”. Mẻ cào trút ra giữa tàu, anh đảo một vòng và dự đoán mẻ cào chưa đầy 1 triệu. “Nghề giã cào này như có phân định rõ ràng. Ban đêm đánh bắt chủ yếu tôm mực, cá nhỏ. Ban ngày thì bắt cá. Vì vậy, dù đánh bắt gần bờ nhưng chúng tôi thường chuẩn bị đầy đủ dầu, đá, nước uống và lương thực cho 2 đến 3 đêm”, anh Hội cho biết. Sau khi đổ xong mẻ lưới, anh Thanh cột múi lưới rồi tiếp tục thả xuống, sau đó ngồi phân hải sản. Tôm, cá, mực anh bỏ riêng từng thúng.
Trời về khuya, gió thổi mạnh hơn. Con thuyền chạy mỗi lúc chậm lại. Dù trời tối nhưng dưới ánh đèn điện mờ mờ trên tàu, tôi nhìn rõ nỗi lo in hằn trên khuôn mặt người “thuyền trưởng” này. “Gió đông nam thổi lớn quá chú à. Kiểu này thì không thể có cá, tôm gì được. Bởi muốn có cá, tôm thì phải cho thuyền đi ngược gió, mà như vậy thì nhiên liệu tốn rất nhiều, lại nguy hiểm, còn xuôi theo con gió thì cá tôm rất ít. Chắc đêm nay phải về sớm”, anh Hội than thở. Hai giờ khuya, mẻ lưới thứ hai được kéo lên sau hơn 3 giờ đồng hồ. Trời tối như mực, con tàu chậm chạp chạy về phía trước. Hai lao động hì hục kéo mẻ lưới nặng từ dưới đáy biển lên mạn tàu. Vài con tôm nhảy tanh tách, mớ cá nhỏ được phân ra. Nhìn mẻ lưới thứ 2 chỉ bằng một nửa mẻ thứ nhất, anh Hội thất vọng nói: Thôi, cho tàu về bến. Chiều mai hy vọng lặng gió mình sẽ bù lại…
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ